Tỉ trọng giao dịch của khối ngoại đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2023
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục vận động trong xu hướng chính tích cực. Tương tự diễn biến ở tháng 7 và tháng 8, VN-Index hồi phục nhanh sau nhịp biến động giảm gần 52 điểm trong 2 tuần đầu tháng do tác động từ thị trường chứng khoán Mỹ và trong nước là lo ngại do cơn bão Yagi. VN-Index đóng cửa phiên 30/9 tại 1.287,9 điểm, tăng 4 điểm và cao hơn 4% từ mức điểm thấp nhất.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước những biến động và đã thu hẹp giao dịch khi thị trường chung chưa rõ xu hướng. Đây là điều thường thấy trong các nhịp biến động ở tháng 7 và tháng 8. Thanh khoản sàn HOSE trong tháng 9 ở mức 16.000 tỉ đồng/phiên. Dù vậy, thanh khoản đã dần cải thiện từ giữa tháng khi điểm số chuyển biến tích cực.
Kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục phục hồi, dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ cải thiện sau khi FED dần nới lỏng lãi suất và chuyển biến tích cực trong quá trình nâng hạng là các yếu tố nền tảng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục trụ vững sau các nhịp biến động và đạt mức tăng trưởng 13,9% từ đầu năm (tính đến cuối tháng 9/2024).
Trong báo cáo chiến lược thị trường được công bố mới đây, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trên toàn cầu, tâm lý đầu tư vào các quỹ cổ phiếu ở trạng thái tích cực hơn sau quyết định giảm lãi suất của FED đi kèm số liệu kinh tế nghiêng nhiều về kịch bản “hạ cánh mềm”.
Bên cạnh đó, các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã thu hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán là điểm nhấn nổi bật trong tháng 9. Tại Việt Nam, tháng 9 cũng đánh dấu sự cải thiện rõ nét ở dòng tiền khối ngoại. Trong khi quy mô rút vốn của nhóm ETFs tiếp tục thu hẹp, các quỹ chủ động có dấu hiệu mua ròng trở lại qua kênh khớp lệnh và tập trung nhiều nhất ở nhóm chứng khoán, nhờ tác động tích cực từ lộ trình hỗ trợ giao dịch cho khối ngoại. Tỉ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng lên gần 14% trên HOSE, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Về vĩ mô, số liệu tăng trưởng 7,4% của GDP quý III/2024 cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế trong tiến trình phục hồi. Theo đó, việc đạt được kịch bản tăng trưởng 6,5% - 7,0% cho năm 2024 là khả thi và Chính phủ cũng đã đặt ra kế hoạch tăng trưởng 2025 khá tham vọng với kỳ vọng vào động lực từ tiêu dùng và đầu tư công.
"Sang tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng tiếp tục đón nhận các sự kiện hầu hết theo chiều hướng tích cực. Theo quy mô vốn hóa, tỉ trọng giá trị giao dịch phân bổ dành cho nhóm VN30 đang ở mức 50%, cao nhất kể từ đầu năm nhờ giao dịch mạnh hơn ở nhóm ngân hàng và một số mã bất động sản trụ cột. Ngắn hạn, một nhịp dừng tích lũy là cần thiết, tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết mạnh hơn về cuối năm 2024 và 2025 sẽ đưa thị trường chứng khoán quay lại xu hướng đi lên", SSI Research nhận định.
Có thể bạn quan tâm
3 yếu tố cần theo dõi đối với thị trường chứng khoán tháng 10
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lâm Minh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)