Ngưỡng của bơm tiền
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Ảnh: TL
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO), đưa lãi suất OMO xuống còn 4%. Động thái này giúp giảm chi phí vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ dịch COVID-19. Đây là quyết định giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm tăng liên tục và neo ở mức cao. Phân tích của HSBC Việt Nam nhận định, cùng với việc FED cắt giảm lãi suất, áp lực tỉ giá gần đây đã suy giảm khá nhiều cũng sẽ làm giảm lạm phát nhập khẩu, qua đó góp phần giúp lạm phát duy trì được mục tiêu dưới 4,5% trong thời gian còn lại của năm.
Vào đầu năm 2024, VND đã mất giá gần 5% buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống. Tuy nhiên, mức mất giá của VND hiện chỉ còn dưới 1,5% so với đầu năm, được coi là nằm trong vùng an toàn.
Do đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều lý do để được kỳ vọng tiếp tục duy trì theo hướng hỗ trợ. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Nếu tính trên cơ sở dư nợ đến cuối năm 2023 vào khoảng 13,56 triệu tỉ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỉ đồng đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Vì vậy, thị trường có thể tiếp tục chứng kiến các gói tín dụng ưu đãi để kích thích tiêu dùng và đầu tư, từ đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và các biến cố như bão lũ. Những biện pháp như giãn nợ, giảm lãi suất cho vay cũng sẽ được áp dụng để giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi. Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% được kỳ vọng cao khi vào những tháng cuối năm, theo chu kỳ, nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ tăng rất mạnh. Nhất là vào thời điểm các tỉnh phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh để khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh…
Theo đó, những điều kiện để tiếp tục duy trì và mở rộng nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là một kịch bản lạc quan. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất và cung cấp một nguồn tín dụng dồi dào hơn cho nền kinh tế. Vấn đề là nền kinh tế có hấp thụ được không và nguồn vốn được bơm này có ảnh hưởng đến lạm phát hay không. Thực tế, dù phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, với nhà điều hành, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện tại là điều hết sức quan trọng nếu muốn nền kinh tế phục hồi.
Việc bình ổn lãi suất, trong môi trường cầu tiền phục hồi, là mục tiêu phù hợp để theo đuổi trong những tháng cuối năm nay, hơn là nhất thiết phải giảm lãi suất. Bình ổn lãi suất cũng góp phần kiềm chế cầu tiền ở mức phù hợp, tránh tình trạng lãi suất thấp làm phình to nhiều bong bóng tài sản hay gây áp lực lên lạm phát, vốn vẫn đang tương đối cao.
“Dự báo lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ ổn định ở mức hiện tại trong thời gian tới sau khi tăng 40-50 điểm cơ bản trong nửa đầu năm nay. Chúng tôi cũng duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm tài chính 2024 ở mức 15% so với cùng kỳ năm trước”, báo cáo của Maybank nhận định.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng lúc này nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng của tín dụng, chứ không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nhất là khi nợ xấu vẫn đang tạo rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Lưu ý này cần được quan tâm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kéo dài thời hạn áp dụng quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 795.500 tỉ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023, tỉ lệ nợ xấu ở mức 4,56%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 và 2025 lần lượt là 6% và 6,2%. Theo ngân hàng này, trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế. Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là ổn định giá cả và tăng trưởng, cho dù không gian chính sách bị hạn chế.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng của ADB, nhận định khi lạm phát ở ngưỡng dự báo khoảng 4% và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã hạ lãi suất, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể nói là gần như không còn. “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ, song năng lực thực hiện chính sách này đã bị hạn chế đáng kể. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ từ chính sách tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế”, đại diện ADB cho biết.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lâm Minh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)