Hủy
Tài Chính

Ngân hàng đua ra mắt thẻ tín dụng kích cầu tiêu dùng

Mai Linh Thứ Ba | 07/01/2025 15:46

 
 
Hàng loạt các chương trình ưu đãi hoàn tiền từ 5 đến 15% khi mua sắm, đóng tiền bảo hiểm, y tế, du lịch…

Theo Tổng cục Thống kê năm 2024, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).

Tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ thúc đẩy xu hướng chi tiêu trước, trả tiền sau qua thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, hầu hết các ngân hàng trong và ngoài nước đều ra mắt thẻ tín dụng cho phân khúc người khá giả mới nổi và hạng sang. Theo đó, các dòng thẻ đều có mức “hoàn tiền” cao với điều kiện chi tiêu cao.

Chẳng hạn, với thẻ NCB Visa, khách hàng muốn hoàn được 880.000 đồng phải là hạng thẻ Platinum, tổng chi tiêu đạt 8.800.000 đồng trong vòng 45 ngày đầu tiên kể từ ngày phát hành thẻ. Với hạng thẻ Classic và Gold, mức hoàn là 660.000 đồng áp dụng cho tổng chi tiêu từ 6.600.000 đồng. Với thẻ VPBank Mastercard, khách hàng muốn hoàn 15% phải chi tiêu trên 15 triệu đồng/tháng và mức hoàn tối đa 300.000 đồng; dưới 15 triệu đồng, mức hoàn tối đa là 150.000 đồng.

Thẻ tín dụng KBank Cashback Plus của Ngân Hàng KBank là thẻ tín dụng đầu tiên của KBank tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu của VisaNet từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, thẻ KBank Cashback Plus có tỷ lệ thẻ hoạt động (active card rate) hơn 90% và trung bình 48 giao dịch mỗi thẻ. Ông Chatuporn Boozaya-Angool, Tổng giám đốc Ngân hàng KBank TP.HCM, cho biết, sử chiếc thẻ này, khách hàng sẽ nhận hoàn tiền cao nhất lên đến 10% cho các chi tiêu danh mục lifestyle và lên đến 15% cho chi tiêu tại Thái Lan. 

Các ngân hàng đều đặt mục tiêu cao khi mở rộng dịch vụ để tiếp cận tất cả các phân khúc dân cư, từ thành thị cho tới nông thôn, từ thị trường đại chúng đến các phân khúc khách hàng cao cấp.

Trên thị trường xuất hiện nhiều loại thẻ có tính năng hoàn tiền tự động giúp khách hàng thuận tiện hơn khi hoàn tiền được ghi có tự động vào mỗi chu kỳ thanh toán, loại bỏ sự phiền phức khi phải đổi thưởng thủ công. Những tiện ích này giúp thẻ tín dụng cơ thêm cơ hội mở rộng số lượng người dùng tại Việt Nam. Bởi vì, theo NAPAS, số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện nay còn quá thấp khi chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. 

Do đó, với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.

Theo đánh giá của HSBC, tại Việt Nam, thẻ thanh toán đang ngày càng sử dụng phổ biến do Chính phủ có nhiều sáng kiến khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Với thuận lợi này, kỳ vọng số lượng giao dịch dùng thẻ sẽ tăng lên 1,7 tỉ vào năm 2027. Cùng với đó, triển vọng của mảng cho vay không đảm bảo ở Việt Nam cũng nhiều hứa hẹn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

    Xem nhiều

Công Nghệ