Nhóm VN30 ngập sắc đỏ, VN-Index giảm hơn 15 điểm

Ngân hàng, bất động sản là những ngành tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Ảnh: Fiintrade.
Kết phiên giao dịch 3/4, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm hơn 15,5 điểm với hơn 27.400 tỉ đồng được giao dịch. Độ rộng sàn HOSE nghiêng hẳn về bên bán với 368 mã giảm và 130 mã tăng. Nhóm cổ phiếu VN30 chìm trong sắc đỏ khi 30/30 mã đều giảm điểm ở phiên giao dịch này. Chỉ số VN30 cũng giảm hơn 18 điểm với hơn 9.800 tỉ đồng được giao dịch.
Xét trên nhóm ngành, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, ngoại trừ nhóm y tế thì các nhóm ngành còn lại đều được “phủ sắc đỏ” ở phiên giao dịch 3/4. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và thực phẩm đồ uống là 3 nhóm tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
![]() |
Phần lớn các nhóm ngành đều ngập trong sắc đỏ. Ảnh: VDSC. |
Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành phân bón như DCM, DPM và BFC vẫn duy trì sắc xanh mặc dù thị trường chịu áp lực bán mạnh.
Ở góc nhìn phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường trong thời điểm hiện tại vẫn chưa cho dấu hiệu rõ ràng về xu hướng tiếp theo và động lực còn yếu để có thể tiến đến khu vực 1.300 điểm. Với diễn biến này, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và cân nhắc giảm tỉ trọng danh mục đối với những mã cho dấu hiệu suy yếu và duy trì những mã vẫn thu hút dòng tiền ổn định thuộc nhóm ngành như thủy sản, phân đạm.
![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh đêm qua (2/4), phố Wall đóng cửa giảm điểm khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6, sau khi dữ liệu mới tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ. Tháng 2 chứng kiến số cơ hội việc làm ở Mỹ vượt nhẹ so với dự báo. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng của nhà máy cũng vượt qua kỳ vọng.
Bà Loretta Mester, Chủ tịch FED Cleveland, mới đây cho biết việc cắt giảm lãi suất vẫn có thể diễn ra trong năm nay, nhưng không phải trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 5. Bà Mester chỉ ra rằng con đường dài hạn còn xa hơn những gì các nhà hoạch định chính sách nghĩ đến trước đây. Trong khi đó, Chủ tịch FED San Francisco, bà Mary Daly cũng cho rằng Ngân hàng Trung ương sẽ cắt giảm lãi suất nhưng phải đến khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát giảm.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), năm 2024 tâm điểm của sự chú ý sẽ là chính sách tiền tệ của FED. “Có thể nói một cách khá chắc chắn là chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED đã kết thúc, FED giảm lãi suất chỉ là vấn đề của một vài tháng. Ở Việt Nam vào năm 2024 thì chúng ta thấy động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế cũng đều hồi phục như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và ngành du lịch của chúng ta cũng đang hồi phục rất là tốt. Chính phủ cũng hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng đầu tư công cũng được đẩy mạnh”, bà Hằng Nga chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Lực cầu gia tăng, VN-Index phục hồi cuối phiên
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Lam Hồng
-
Hà Cúc
-
Bội Ngọc