Sở hữu công ty chứng khoán, các ngân hàng tính gì?
Thị trường Việt Nam có gần 100 công ty chứng khoán. Nhóm ngân hàng chiếm khoảng 20% trên tổng số. Ảnh: Quý Hoà.
Đầu năm 2022, Ngân hàng VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC và nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên gần 9.000 tỉ đồng. Động thái của VPBank càng được quan tâm hơn khi đơn vị này đã từng sở hữu công ty chứng khoán nhưng quyết định rút lui khỏi lĩnh vực này.
Không chỉ VPBank, hàng loạt ngân hàng cũng đang sở hữu công ty chứng khoán và có kế hoạch thâu tóm thêm các công ty hoạt động trong mảng này.
Sức hấp dẫn của chứng khoán
Thị trường Việt Nam có gần 100 công ty chứng khoán. Nhóm ngân hàng chiếm khoảng 20% trên tổng số. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay cả nước có 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Trong đó, có khoảng 20 ngân hàng có sở hữu hoặc chi phối trực tiếp hay gián tiếp một công ty chứng khoán. Đâu là sức hút khiến các ngân hàng phải sở hữu công ty chứng khoán?
Nếu nhìn vào Top 10 công ty chứng khoán về quy mô tài sản, vốn điều lệ hay lợi nhuận năm 2021 thì chỉ có khoảng 2-3 cái tên là thuộc nhóm ngân hàng. Điều này không hẳn là do các công ty chứng khoán hệ ngân hàng hoạt động không hiệu quả bằng các công ty chứng khoán khác, mà những giá trị cộng hưởng mang lại phía sau đó còn lớn hơn rất nhiều.
Lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp là miếng bánh khủng mà bất cứ ngân hàng nào cũng nhắm đến. Năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt trên 658.000 tỉ đồng, tăng gấp khoảng 5 lần so với năm 2016.
Nếu trước đây, người mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ có tổ chức lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư thì nay đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp đã mở rộng đến với các tổ chức, doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, thậm chí là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với số vốn đầu tư chỉ từ vài chục triệu đồng.
Rõ ràng, công việc phân phối nguồn trái phiếu khổng lồ này tới tay các nhà đầu tư là một thị trường màu mỡ với quy mô tiềm năng quá hấp dẫn. Và gần như chỉ có các ngân hàng là có đủ năng lực tham gia phân phối số lượng trái phiếu doanh nghiệp cực lớn này trong nền kinh tế, vì muốn phân phối tốt, đa phần phải có đủ nguồn vốn để sẵn sàng mua trước một phần hay toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp phát hành và bán lại sau đó cho nhà đầu tư tiếp theo vào thời điểm thích hợp. Và cũng chỉ có ngân hàng mới có đủ năng lực và chức năng để đảm bảo thẩm định và niêm phong tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu này. Tuy nhiên, các ngân hàng lại không có nghiệp vụ tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu nên buộc phải thông qua công ty chứng khoán.
Ngược lại, trong thương vụ tư vấn bảo lãnh - phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các công ty chứng khoán cũng cần có ngân hàng để thực hiện các nghiệp vụ như phong tỏa hay xử lý tài sản đảm bảo. Một chuỗi nghiệp vụ này sẽ mang lại doanh thu cho ngân hàng và công ty chứng khoán là vài phần trăm tính trên tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, là con số không hề nhỏ nếu nhìn vào tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 658.000 tỉ đồng trong năm 2021.
Động lực tăng trưởng mới
Nếu như trước đây, cuộc cạnh tranh thu hút tiền gửi hầu như chỉ đơn thuần là cuộc đua tăng lãi suất thì ngày nay, các ngân hàng có thể kết hợp với công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ để tư vấn cho khách hàng phân bổ tài sản đầu tư vào các sản phẩm đầu tư của công ty chứng khoán, chứng chỉ quỹ để kỳ vọng mức lợi suất cao hơn lãi suất tiền gửi.
Mức lợi suất kỳ vọng cao hơn sẽ dễ dàng thuyết phục khách hàng gửi tiền hơn. Nâng cấp hơn nữa, ngày nay không lạ gì khi chúng ta đi gửi tiết kiệm sẽ được nhân viên ngân hàng tư vấn thêm các sản phẩm trên, kết hợp với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, để gọi là vừa có mức lợi nhuận cao hơn, vừa có một khoản bảo hiểm để dự phòng cho rủi ro trong cuộc sống.
Tất nhiên, các ngân hàng có thể kết hợp chào bán các sản phẩm trên với một công ty chứng khoán khác. Tuy nhiên, nếu là công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái của mình thì vẫn sẽ dễ quản lý hơn và giảm thiểu nhiều rủi ro. Và lợi ích nhận được ngoài thu hút khách hàng gửi tiền, doanh thu hoa hồng còn có phí bancassurance từ công ty bảo hiểm.
Một trong những lý do quan trọng khiến ngân hàng thương mại muốn thâu tóm công ty chứng khoán là nhằm tận dụng mạng lưới khách hàng khổng lồ để bán chéo dịch vụ chứng khoán. Thông qua hệ thống khách hàng sẵn có, công ty chứng khoán có thể tiếp cận để giới thiệu các sản phẩm đầu tư và cho vay đầu tư chứng khoán. Ngân hàng có nhiều hạn chế khi cho vay đầu tư chứng khoán. Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, ngân hàng không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của mình.
Hệ sinh thái ngân hàng - công ty chứng khoán tỏ ra cộng hưởng hơn bao giờ hết khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng lên. Ảnh: Quý Hoà. |
Các công ty chứng khoán cũng là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển ngân hàng số của các ngân hàng thương mại, với mục tiêu là tích hợp dịch vụ chứng khoán để đáp ứng đa dạng nhu cầu tài chính của tập khách hàng cá nhân khổng lồ.
Hệ sinh thái ngân hàng - công ty chứng khoán tỏ ra cộng hưởng hơn bao giờ hết khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng lên. Sau tất cả các lợi ích trên, nếu như họ không còn muốn theo đuổi chiến lược trên nữa, các ngân hàng hoàn toàn có thể thoái vốn, bán lại công ty chứng khoán cho một bên khác vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán.
Ngân hàng sẽ thu về lợi nhuận cao nếu thoái vốn tại một công ty chứng khoán. Có thể thấy, việc sở hữu một công ty chứng khoán, đối với ngân hàng gần như có thể nói là cuộc chơi từ hòa cho tới lãi.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuệ Anh (Nguồn: báo Quốc Tế)
-
Xuân Mai