Hủy
Tài Chính

Số lượng nhà đầu tư cá nhân "tưởng nhiều mà lại chưa nhiều"

Nhật Lệ Thứ Sáu | 14/01/2022 14:21

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục về số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
 

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại thời điểm cuối tháng 12/2021, VSD đang quản lý hơn 4,27 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân.  Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1,53 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới. Con số này gấp hơn 1,5 lần số lượng tài khoản mở mới của thị trường trong 4 năm (2017-2020). 

 

Mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh nhưng số lượng tài khoản chứng khoán hiện nay chỉ chiếm khoảng hơn 4,3% dân số Việt Nam. Con số này thấp hơn nhiều so với so với các nước trong khu vực. 

Cụ thể, số liệu được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra hồi tháng 8/2021, % dân số có tài khoản chứng khoán ở Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 27,5%; 32% và 18%. Điều đặc biệt hơn, % dân số có tài khoản của Việt Nam tính đến hết tháng 7/2021 chỉ khoảng hơn 3%, con số này tương đương tỉ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986. 

Trong báo cáo chiến lược được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tỉ suất sinh lời của VN-Index cao hơn so với các chỉ số và kênh đầu tư khác trong năm 2021 nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân. VN-Index tăng trưởng tốt hơn so với các chỉ số và tài sản khác như vàng và lãi suất tiền gửi ngân hàng. 

 

Số liệu từ VDSC, sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch (số tài khoản mở mới trong 11 tháng đầu năm 2021 cao hơn 1,6 lần so với giai đoạn 2018-2020) là yếu tố thúc đẩy chính. Theo VDSC, lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán vẫn là kênh được ưa chuộng để thu hút các nhà đầu tư F0.

Cụ thể, lãi suất điều hành theo phân tích vĩ mô của VDSC sẽ không có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy, Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn và lãi suất để phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy theo nhu cầu. Tiền gửi sẽ được thúc đẩy bởi lưu thông. Vì vậy, VDSC cho biết họ nhận thấy rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ so với 2021 nhưng vẫn thấp so với giai đoạn 2015 - 2019. 

“Hơn nữa, chúng tôi đã thấy giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Do đó, chúng tôi hy vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025”, VDSC nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Liệu dòng tiền đã sẵn sàng quay lại nhóm vốn hóa lớn?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới