Sốc lạm phát
Ngân hàng Trung ương Brazil có thể sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 vào cuối tháng này. Ảnh: Bloomberg.com.
Trong khi những nhà làm chính sách tại các nước đang phát triển phải đau đầu đối phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 thì họ cũng đồng thời phải đối mặt với mối đe dọa kinh tế đến từ lạm phát và không chỉ ở trong nước.
Có thể thấy, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 4.2021, lên mức cao nhất trong gần 7 năm qua, theo một chỉ số thực phẩm của Liên Hiệp Quốc. Giá đường đã tăng khoảng 60% so với năm trước trong khi giá ngũ cốc tăng 26%, khi các nền kinh tế mở cửa đã đẩy tăng nhu cầu. Các nhà sản xuất nông nghiệp từ Mỹ cho đến Brazil đang trải qua các điều kiện trồng trọt khó khăn, càng gây áp lực lên giới làm chính sách, đặc biệt ở những quốc gia mà thực phẩm chiếm chủ yếu trong rổ chỉ số CPI.
Việc giá cả leo thang tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt tại Mỹ, đang thúc đẩy kỳ vọng lạm phát tăng của nhà đầu tư. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, khiến việc phát hành nợ của các nước khác trở nên đắt đỏ hơn khi những người mua trái phiếu đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn. Chi phí vay tăng đang và sẽ tác động không nhỏ đến tình trạng nợ vốn đã ở mức cao nguy hiểm tại các quốc gia đang phát triển như Nam Phi, Brazil, càng đẩy tài chính công của các nước này vào thế khó.
Trong khi các nước giàu đã có thể vay với chi phí rất thấp trong suốt giai đoạn dịch bệnh, thì nhiều nền kinh tế đang phát triển đã phải gánh chi phí vay cao hơn rất nhiều. Ảnh: Qúy Hòa. |
“Các nền kinh tế mới nổi nên lo lắng hơn về lạm phát ở Mỹ hơn là lạm phát ở nước họ”, Tatiana Lysenko, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi ở S&P Global Ratings, nhận định. Bà Lysenko cho rằng đó không chỉ là câu chuyện lạm phát và lợi suất trái phiếu tăng lên ở Mỹ làm đẩy cao chi phí vay mượn ở các nước đang phát triển. Một rủi ro còn lớn hơn là nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc đi trước các nền kinh tế mới nổi, kích thích dòng vốn chảy ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu của những nước này và cuối cùng là sự suy yếu của đồng tiền trong nước.
Trong khi các nước giàu đã có thể vay với chi phí rất thấp trong suốt giai đoạn dịch bệnh, thì nhiều nền kinh tế đang phát triển đã phải gánh chi phí vay cao hơn rất nhiều. Số liệu từ S&P cho thấy chi phí tái cấp vốn của 15/18 nền kinh tế phát triển lớn nhất đã giảm hơn 1 điểm phần trăm, về dưới mức chi phí đi vay trung bình của họ. Hầu hết đang vay với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của 1%. Vì thế, việc tăng 1 điểm phần trăm trong chi phí đi vay sẽ chẳng là gì đối với phần lớn các nước này.
Nhưng đối với những nền kinh tế đang phát triển, việc chi phí vay tăng lên ở mức tương tự là một gánh nặng không nhỏ. Ai Cập phải tái cấp vốn cho khoản nợ tương đương 38% GDP trong năm nay và đang chịu lãi suất trung bình 12,1%, cao hơn mức trung bình 11,8% của nước này, theo S&P. Ghana đang trả tới 15% so với mức trung bình 11,5%.
Mối nguy không phải chỉ nằm ở việc chi phí vay đang ở mức rất cao. Một ví dụ điển hình là Brazil. Nước này đang chịu chi phí tái cấp vốn trung bình 4,7% trong năm nay, thấp hơn mức chi phí trung bình của khoản nợ hiện hữu. Nhưng Brazil đã tái cấp vốn bằng cách phát hành trái phiếu có thời gian đáo hạn ngắn hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Điều này đã xóa đi nỗ lực trong nhiều năm của Brazil, đó là bán loại nợ có lãi suất cố định với thời hạn dài hơn nhằm xây dựng nền tài chính bền vững hơn cho đất nước.
Năm ngoái, thời gian đáo hạn trung bình các khoản nợ mới của Brazil là 2 năm, giảm từ mức 5 năm trong năm 2019. Brazil cần tái cấp vốn các khoản nợ tương đương 13% GDP năm nay - một tỉ lệ khá thấp so với các nước nhỏ hơn, nhưng xét về con số tuyệt đối lại là một khoản nợ đáng kể. Nước này có thể khốn đốn nếu lãi suất tăng lên hoặc đà phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến. Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất 2 lần trong năm nay trước sức ép giá cả sau khi lạm phát đã vượt chỉ tiêu đặt ra từ 2,25-5,25%. Dự kiến sẽ có một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng này; dự báo lãi suất cơ bản là 5,5% vào cuối năm 2021, tăng từ mức thấp kỷ lục 2% của tháng 3.
Brazil là một ví dụ rất rõ nét cho thấy lạm phát và lợi suất tăng lên đang là mối đe dọa đến tính bền vững nợ, theo William Jackson thuộc Capital Economics. Jackson cho biết Nam Phi, Ai Cập và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác có nhu cầu tái cấp vốn lớn cũng đang gặp khó khăn tương tự.
Tuy nhiên, có một vài yếu tố giúp xoa dịu phần nào áp lực này. Chẳng hạn, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ đang dựa nhiều hơn vào các tổ chức cho vay nội địa hơn là các tổ chức cho vay nước ngoài. Điều đó sẽ giúp những nước này ít bị tổn thương hơn trước các đợt rút vốn như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng nợ vào cuối thế kỷ XX. Ấn Độ quay sang hệ thống ngân hàng nội địa để phát hành trái phiếu 10 năm với lãi suất 6%. Dù đi vay với thời gian đáo hạn ngắn hơn trong giai đoạn dịch bệnh nhưng với mức tái cấp vốn thấp tương đương chỉ 3,3% GDP năm nay, Ấn Độ sẽ ít bị tổn thương hơn trước việc lãi suất tăng lên. Nhưng William Foster, Phó Chủ tịch bộ phận rủi ro nợ quốc gia tại Moody’s Investors Service, cho rằng vấn đề tài khóa của Ấn Độ khiến nước này phụ thuộc vào nợ nhiều hơn là vào nguồn thu chính phủ để chi trả cho công tác phòng chống dịch bệnh.
“Ấn Độ đang thâm hụt tài khóa lớn và có mức nợ rất cao”, Foster cho biết. “Điều quan trọng đối với tính bền vững nợ là phải đạt được tốc độ tăng trưởng trung hạn cao hơn thông qua nỗ lực cải cách và các giải pháp khác để thu hút đầu tư tư nhân, nhưng đáng tiếc chúng tôi vẫn chưa thấy được điều này trong những năm qua”, ông nói thêm.
Theo Roberto Campos Neto, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil, vấn đề ở chỗ liệu tình hình lạm phát chỉ là tạm thời như một lời biện minh cho tăng trưởng, hay liệu các ngân hàng trung ương có nên tăng lãi suất lên cao hơn hay không. “Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, đó là một tín hiệu tốt cho các nước đang phát triển, nhưng nếu là trường hợp thứ 2, câu chuyện lại khác hẳn”, ông nói.
Bà Lysenko cũng khuyến cáo, giá cả thực phẩm và hàng hóa cơ bản đang tăng với tốc độ mà càng đẩy tăng kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng. Nếu lãi suất tăng đáng kể thì việc đưa nợ của các nước đang phát triển về mức bền vững và tạo được đà tăng trưởng sẽ càng là một thách thức cam go hơn rất nhiều. “Trong một thế giới kết nối như hiện nay với nhiều dòng chảy vốn qua lại, việc lãi suất Mỹ tăng đang tạo hiệu ứng lan tỏa. Thời điểm hiện tại lại quá sớm để các nền kinh tế mới nổi siết chặt chính sách tiền tệ vì làm như vậy có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế. Nhưng một số nước có thể không còn cách nào khác ngoài việc siết chặt tiền tệ”, Lysenko nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư