Thép Hòa Phát trong xu hướng đầu tư công
Thép Hòa Phát trong xu hướng đầu tư công. Ảnh: TL.
Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lan rộng, đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng trở thành liều thuốc giảm đau cho nền kinh tế. Đứng trước sức ép giải ngân đúng kế hoạch, đồng thời tạo lực đẩy cho nền kinh tế, Chính phủ đang có những động thái quyết liệt, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn nửa cuối năm. Đồng thời, phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát trong quý III/2021 và Chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ quý IV/2021. Với việc sở hữu thị phần thép xây dựng lớn nhất, Hòa Phát sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này.
Trong quý II/2021, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 72% và 354% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng đạt 35.188 tỉ đồng và 9.721 tỉ đồng.
Kết quả này đạt được nhờ vào tổng sản lượng tiêu thụ thép tăng 42% so với cùng kỳ và giá bán thép xây dựng trung bình cũng tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó, biên lợi nhuận gộp của Công ty có sự cải thiện mạnh mẽ so với quý cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát thu về hơn 66.295 tỉ đồng doanh thu và hơn 16.670 tỉ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt 67% và 232% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5/2021, Hòa Phát đã mua lại thành công mỏ quặng sắt Roper Valley (RVIM), công suất 4 triệu tấn/năm. Cùng với cụm mỏ trước đó tại Hà Giang, tổng công suất sản xuất quặng sắt của Hòa Phát đã tăng lên mức 4,8 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu Công ty.
VNDirect kỳ vọng mỏ quặng sắt mới sẽ vận hành ở mức 75% công suất thiết kế, đóng góp khoảng 5% vào lợi nhuận trước thuế của Hòa Phát vào năm 2022, tương ứng đạt khoảng 1.530 tỉ đồng. Công ty cũng có kế hoạch mua thêm mỏ quặng sắt và than cốc trong thời gian tới.
VNDirect đặt kỳ vọng giá thép thanh thế giới sẽ giảm dần về mức trung bình dài hạn khoảng 600 USD/tấn. Giá thép xây dựng nội địa được kỳ vọng sẽ đạt bình quân 14,6 triệu đồng/tấn (+28% so với cùng kỳ 2020) trong năm 2021, trước khi giảm xuống dưới mức 13,5 triệu đồng/tấn tại thời điểm cuối năm 2022 trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế giá thép. Từ đó, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2021 ở mức 30.496 tỉ đồng, tăng 126,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở khía cạnh đầu tư, giá cổ phiếu HPG đã giảm 13% trong 2 tháng qua do chịu tác động bởi những thông tin tiêu cực như nhu cầu thép xây dựng nội địa trong tháng 5-6/2021 yếu do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và giá bán thép xây dựng đã giảm liên tiếp 3 lần trong tháng 6-7/2021 với tổng mức giảm 8% kể từ vùng đỉnh hồi giữa tháng 5.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hưởng lợi trong xu hướng đầu tư công của Chính phủ, VNDirect đánh giá lạc quan về các kế hoạch mở rộng theo chiều sâu của Hòa Phát như việc mua lại hai tàu chở hàng cỡ lớn và mỏ quặng sắt tại Australia. Những khoản đầu tư này sẽ giúp cho biên lợi nhuận gộp của Công ty trong nửa cuối năm 2021 và 2022 sẽ không bị giảm quá sâu từ mức đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG.
Có thể bạn quan tâm
Giảm đau kinh tế bằng đầu tư công
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư