Tiền sắp hết rẻ?
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế. Ảnh: Quý Hòa.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu ngay trong năm nay, phát đi những tín hiệu đầu tiên của việc chấm dứt kỷ nguyên tiền “rẻ”.
Ông Powell nhận định: “Vẫn còn nhiều việc cần làm để tăng tỉ lệ việc làm lên tối đa, trước khi chính thức nâng lãi suất”. Tuy vậy, theo ông, "nền kinh tế đã hồi phục đến mức không còn cần nhiều hỗ trợ về chính sách nữa, do đó việc cắt giảm chương trình mua tài sản có thể được thực hiện vào cuối năm nay".
Việt Nam vẫn trong giai đoạn nới lỏng tiền tệ trước sự công phá của đợt dịch lần thứ 4. Ảnh: Quý Hòa. |
Ở bên kia lục địa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các ngân hàng lớn thắt chặt tăng trưởng tín dụng cho đến cuối năm 2021, do lo ngại bong bóng tài sản. Cụ thể, PBoC yêu cầu đại diện 24 ngân hàng lớn duy trì mức phân bổ tín dụng tương tự năm 2020. Ước tính sau khi thực hiện, tổng dư nợ Trung Quốc sẽ tăng lên 11%, tốc độ tăng chậm nhất được ghi nhận trong 15 năm qua.
Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, cho biết tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và mức giảm này sẽ diễn ra từ từ. Tốc độ giảm này phù hợp với lập trường không thay đổi chính sách quá nhanh của PBoC.
Cũng nằm trong xu hướng thắt chặt tiền tệ, Hàn Quốc thậm chí đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tiến hành nâng lãi suất. Ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã thông báo tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của BoK trong gần 3 năm qua.
“Rủi ro ổn định tài chính, bao gồm nợ hộ gia đình và tăng giá nhà đất là những vấn đề tồn tại không chỉ thời gian gần đây mà đã âm ỉ suốt 5 năm qua. Do đó, khi có cơ hội, BoK sẽ tiếp tục đưa lãi suất về mức bình thường", ông James Lee, chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC, cho biết.
Trái ngược với tín hiệu giảm bơm tiền của các nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn trong giai đoạn nới lỏng tiền tệ trước sự công phá của đợt dịch lần thứ 4 khiến cho nền kinh tế bị tê liệt. Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, có tới 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tương đương hơn 10.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng.
Trươc bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết: “Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất điều hành hoặc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc”.
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn đang được kiểm soát hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. “Trên khía cạnh vĩ mô, lạm phát trong năm 2021 dự kiến vẫn sẽ duy trì thấp hơn so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4%, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng”, SSI Research nhận định.
Việc các ngân hàng trung ương lớn đang giảm "van" tiền trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì nới lỏng sẽ gây ra sự lệch pha nhất định giữa Việt Nam và thế giới. Trong ngắn hạn, dòng vốn ngoại có thể đối diện nguy cơ bị rút về các thị trường phát triển, nơi đang có lợi suất hấp dẫn hơn từ việc giảm "van". Khi sự lệch pha này kéo dài đủ lâu sẽ gây ra áp lực nhất định tới các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là tỉ giá.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối và Thị trường vốn của HSBC Việt Nam, cho rằng không thể bỏ ngỏ khả năng VND chịu áp lực mất giá trở lại trong thời gian tới với mức dự báo 23.100 VND/USD vào cuối năm nay.
“Nhìn chung, một điều khá chắc chắn rằng tỉ giá VND/USD sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ năm 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là động thái của FED trong những tháng tiếp theo, cũng như rủi ro nội tại mà COVID-19 tạo ra,” ông Khoa nhận định.
Công ty Chứng khoán VNDirect gần đây cũng hạ quan điểm từ lạc quan xuống trung lập đối với sức mạnh của VND vì các lý do: “Đồng USD có thể lấy lại ưu thế trong nửa cuối năm 2021 do FED đang xem xét các kịch bản thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng từ cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, lạm phát có xu hướng tăng trở lại và Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại 2,7 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm".
Cho rằng động lực cung - cầu của USD sẽ kém thuận lợi hơn cho diễn biến tỉ giá VND/USD, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo VND sẽ giảm giá nhẹ trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021.
Trước bối cảnh các đồng tiền lớn trên thế giới đang bắt đầu hết “rẻ" trong khi Việt Nam vẫn đang buộc phải duy trì nới lỏng tiền tệ, các doanh nghiệp Việt cần có những tính toán và phương thức quản trị rủi ro trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm tới rủi ro phát sinh khi đồng nội tệ giảm giá.
“Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh”, ông Ngô Đăng Khoa, HSBC Việt Nam, nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư