Hủy
Tài Chính

Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 4,3 triệu tỉ đồng

Minh Đức Thứ Sáu | 27/11/2020 11:17

Hình ảnh chỉ số VN-Index sáng 27.11. Ảnh: MĐ.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại thời điểm 30.10, vốn hóa thị trường của 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) đạt hơn 4,34 triệu tỉ đồng.
 

Năm 2020, dưới tác động của COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động.

Cụ thể, vào tháng 3.2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index giảm gần 220 điểm trong tháng 3 với sự lao dốc của 90% cổ phiếu trên thị trường. Lần đầu tiên kể từ năm 2018, chỉ số VN-Index được giao dịch quanh khu vực 660 điểm. Thời điểm cuối tháng 3.2020, vốn hóa thị trường của 3 sàn giao dịch giảm còn hơn 3,1 triệu tỉ đồng.

Vào thời điểm này, nhiều cổ phiếu được giao dịch với một mức giá khá "rẻ", quanh vùng giá thấp nhất kể từ năm 2018 khi thị trường lao dốc từ đỉnh 1.200 điểm.

Chứng khoán Việt về vùng hấp dẫn cùng với niềm tin vào Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh đã khiến thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ từ đầu tháng 4.2020.

Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã về lại vùng giá trị hồi đầu năm 2020. Nguồn: UBCKNN, NCĐT.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã về lại vùng giá trị hồi đầu năm 2020. Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NCĐT.

Thêm vào đó, lãi suất tiết kiệm giảm sâu đã tạo ra "kỷ nguyên tiền rẻ" và hỗ trợ rất nhiều đối với dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm Phân tích và Tư vấn SSI Research thống kê hồi tháng 11.2020, lãi suất tiền gửi giữ ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tại cuối tháng 9.2020, tổng tiền gửi toàn hệ thống là 9,44 triệu tỉ đồng, tăng 7,34% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng mạnh (10,4% so với đầu năm). Chênh lệch tiền gửi - tín dụng tại 30.9 là 744.000 tỉ đồng, mức rộng nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.

Nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, VN-Index đã chinh phục thành công vùng điểm trước khi COVID-19 xuất hiện với sự tăng giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại thời điểm 30.10, vốn hóa thị trường trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt hơn 4,34 triệu tỉ đồng, còn cách khoảng 1% so với hồi đầu năm 2020.

* Có thể bạn quan tâm 

►VN-Index vượt 1.000: Chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại

►VN-Index "như chưa hề có cuộc chia ly"


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới