Hủy
Tài Chính

Vòng xoáy cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày một tăng nhiệt

Quỳnh Anh Thứ Hai | 23/12/2019 16:17

Ảnh: TL

Công nghệ và vốn là sẽ là tâm điểm trong cuộc đua giữa các công ty chứng khoán trong thời gian sắp tới...
 

Đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành quyết định bãi bỏ mức sàn phí môi giới chứng khoán. Khi ấy, ông Huỳnh Minh Tuấn, một chuyên gia chứng khoán, đánh giá: “Động thái này được cho là sẽ khiến ngành chứng khoán phân hóa hơn nữa trong thời gian tới”. Trong những năm đầu khi mới vận hành thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã áp dụng mức phí sàn 0,15% giá trị giao dịch chứng khoán, nhằm ngăn ngừa một số công ty chứng khoán lớn độc quyền thị trường, không có lợi cho nhà đầu tư.  

Một nhà môi giới chứng khoán nhận định: “Việc phí bỏ sàn này sẽ thu hẹp khoản phí mà các công ty chứng khoán thu được từ hoạt động giao dịch của khách hàng, một cuộc chiến về phí môi giới sẽ diễn ra và số lượng môi giới sẽ giảm xuống”.

 

Thực tế, thị trường chứng khoán quý 3/2019 cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của các công ty chứng khoán có vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Trong quý 3, chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) tiếp tục tăng mạnh thị phần lên 5,27% so với mức 3,69% trong quý 2, đứng thứ 5 thị phần trên HOSE. Trong top 10 các công ty dẫn đầu, MASVN đang là công ty có thị phần tăng trưởng nhanh nhất.

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, công ty này đã đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam với trợ lực là dòng vốn từ công ty mẹ Hàn Quốc. Trong báo cáo chiến lược tháng 11 của mình, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng đề cập rằng cho biết dư nợ margin đã tăng hơn 12.000 tỷ đồng kể từ cuối năm 2018, gấp 4 lần giá trị giao dịch bình quân hằng ngày sau 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, ba CTCK có vốn từ Hàn Quốc bao gồm MASVN, KBSV và KIS đã chiếm hơn 37% dư nợ margin tăng lên. Rồng Việt cho biết, trong bối cảnh Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc vừa tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm, CTCK Hàn Quốc có lí đo để gia tăng dư nợ ký quỹ khi lãi suất bình quân hiện nay vẫn ở mức cao.

Một công thức tiêu biểu cho cuộc đua giảm phí là lượng khách hàng của Chứng khoán HFT tăng cao trong hai tuần sau khi công ty miễn phí giao dịch tất cả sản phẩm từ 16/9. Động thái miễn phí giao dịch của các công ty chứng khoán được cho là phù hợp xu thế thế giới. Hiện nhiều công ty lớn như Vanguard, Charles Schwab, JPMorgan Chase... đều miễn phí giao dịch cho khách hàng trên nền tảng số. Do đó, nguồn thu chính của các công ty chứng khoán này sẽ đến từ lãi vay, và sau này là các ứng dụng dịch vụ.

Về lâu dài, câu chuyện về môi giới sẽ được nâng cấp lên thành quản lý danh mục đầu tư có thu phí để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng chất lượng cao, có quy mô vốn từ trung bình trở lên, bận rộn, có việc riêng và cần những môi giới chuyên nghiệp có khả năng tạo tỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản vượt trội so với thị trường.

Ngoài vấn đề về nguồn vốn margin, cuộc đua giữa các công ty chứng khoán hiện giờ còn là cuộc đua về hạ tầng công nghệ. Hiện tại, lãnh đạo một công ty chứng khoán nội từng chia sẻ rằng ưu tiên sắp tới của công ty sẽ là gia tăng đầu tư cho công nghệ.

Giám đốc Kim Nam Young, Phòng Tài chính số Mirae Asset Daewoo Hàn Quốc (công ty mẹ của chứng khoán Mirae Asset Việt Nam), cho biết nền tảng giao dịch của công ty có thể dễ dàng sử dụng cho cả những khách hàng mới đầu tư hay những nhà đầu tư chuyên nghiệp, với mức phí thấp. Tùy thuộc vào phong cách giao dịch của nhà đầu tư, giao diện màn hình giao dịch sẽ thay đổi cho phù hợp.

Thực tế, trong thị trường phát triển như Hàn Quốc, các thuật toán đã được chứng minh cung cấp nhiều giải pháp đầu tư dựa trên trí tuệ nhân tạo, có thể theo dõi một cách tự nhiên và mong đợi kết quả đầu tư hợp lý. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong phân bổ tài sản ổn định đang tăng lên khi sự không chắc chắn trên thị trường chứng khoán tăng.

Một điểm nữa có thể là lợi thế kéo theo của các công ty chứng khoán Hàn Quốc, đó là việc sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chuẩn bị nâng cấp hệ thống giao dịch với sự trợ giúp của Sở giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc. Ông Yoon Sung Bum Giám đốc bộ phận IT Tập đoàn Tài chính Mirae Asset Hàn Quốc nhận định:

“Sự phát triển công nghệ của Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sẽ cho phép chúng tôi kết nối trực tiếp với sàn với các nghiệp vụ khác nhau trong thời gian thực và dựa vào đó sẽ có thêm rất nhiều dịch vụ mới dành cho khách hàng”.

 

Lợi thế dài hạn sẽ thuộc về các công ty có nền tảng giao dịch tốt, ưu thế về công nghệ và có chi phí vốn thấp, các công ty này sẽ chủ động đưa ra các gói miễn phí giao dịch để đánh chiếm thị phần nhằm hút lượng lớn khách hàng cá nhân với quy mô vốn thấp cũng như lượng khách hàng hay trading liên tục.  Và dự báo, từ năm 2020, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn nữa. Và nhiều khả năng top 10 thị phần môi giới sẽ có thay đổi lớn trong 2 năm tới...

► HSC tìm lại đỉnh

► Cuộc sàng lọc môi giới chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới