Hủy
Tài Chính

“Xoay trục” tăng trưởng sang đầu tư công

Minh Hà Thứ Ba | 13/12/2022 08:00

Xét riêng trong quý IV/2022 Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8. (Ảnh: Quý Hòa)

Trong bối cảnh xuất khẩu chịu nhiều áp lực trong năm 2023, động lực tăng trưởng được kỳ vọng sẽ được thay thế bằng đầu tư công.
 

Dù xuất khẩu lũy kế 11 tháng  năm 2022 ước đạt hơn 340 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, nhưng tốc độ đang có dấu hiệu chậm lại, nhất là khi so với mức 16% của 10 tháng đầu năm.

Nỗi lo xuất khẩu  

Nếu tính riêng tháng 11, xuất khẩu đã ghi nhận đà giảm 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều đang phải đối mặt với sức tiêu thụ yếu đi, đặc biệt là Mỹ và EU.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu chậm lại, trong bối cảnh tăng trưởng thương mại quốc tế có thể giảm mạnh do nhu cầu toàn cầu suy giảm, với các rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng.

 

Xét riêng trong quý IV/2022 Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy”. Do đó, VNDirect dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý IV, đồng thời kéo tăng trưởng cả năm 2022 xuống mức 14% so với cùng kỳ.

Chia sẻ tại Hội nghị đầu tư do Tạp chí NCĐT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định triển vọng kinh tế năm 2023 là vô cùng thách thức, khả năng cao một số nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại, đó là EU, Mỹ và cả Trung Quốc. Đặc biệt, chúng ta vẫn chưa thể rõ việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là của FED và các ngân hàng trung ương sẽ tác động như thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam.

“Điều mà chúng ta có thể cảm nhận được ngay là xuất khẩu trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. Cho dù lộ trình tăng lãi suất trên thế giới sẽ như thế nào thì vấn đề lãi suất và tỉ giá của Việt Nam cũng sẽ còn nhiều biến động“, ông Thành nhìn nhận.

Tăng tốc đầu tư công 

Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Nếu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ ở mức 5,8% vào năm 2023, thì tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu 6,5% cho năm sau.

 

Để đạt mục tiêu 6,5% này, ông Thành cho biết với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, sẽ phải có những thay đổi trong chính sách điều hành. Theo đó, một động lực tăng trưởng mạnh, kể cả trong 2-3 năm vừa qua đó là xuất khẩu sẽ không còn nữa và sẽ được thay thế bằng động lực từ đầu tư công. “Mặc dù năm nay cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể khá bi quan về tình hình giải ngân đầu tư công, nhưng tôi cho rằng Việt Nam bao giờ có tiền thì thế nào cũng tìm cách chi ra”, ông Thành nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư công thực hiện đạt gần 390.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, tương đương 2/3 kế hoạch năm. Đến cuối năm 2022, VNDirect cho rằng vốn đầu tư công thực hiện sẽ đạt đến 90% kế hoạch cả năm. Viễn cảnh này hoàn toàn khả thi, nhất là khi tình hình đầu tư công nửa cuối năm 2021 đã sụt giảm nghiêm trọng do sự bùng phát của dịch bệnh, cũng như giá vật liệu xây dựng lúc này tăng cao khiến các công trình xây dựng trên cả nước bị đình trệ.

Quan trọng hơn, đà tăng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023. “Chúng tôi tin rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ (1) nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; (2) giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới”, báo cáo của VNDirect nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư công thực hiện đạt gần 390.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, tương đương 2/3 kế hoạch năm. Ảnh: TL
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư công thực hiện đạt gần 390.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, tương đương 2/3 kế hoạch năm. Ảnh: TL

Đặt đầu tư công vào vị trí trung tâm tăng trưởng có thể không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, khi kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp nhiều bất lợi trong nhiều năm tới. “Không chỉ trong năm 2023 mà trong 3 năm tới sẽ là thời kỳ mà chúng ta quay lại mức dùng nguồn lực của Nhà nước, đặc biệt là từ ngân sách ở mức 7-7,5% GDP để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Thành nhìn nhận.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới