5 lý do để lạc quan vào nền kinh tế năm 2025
Chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục duy trì nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chi phí sinh hoạt vẫn cao, tiền lương vẫn liên tục tăng nhanh hơn giá cả. Ảnh: Getty Images.
Nhờ sức chi tiêu không ngừng của người tiêu dùng, quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ hậu đại dịch vẫn tiếp tục vào năm 2024. Kinh tế liên tục tăng trưởng vượt dự báo, bất chấp lãi suất và lạm phát cao cản bước. Thị trường tài chính bùng nổ. Việc tuyển dụng tuy chậm lại, nhưng tình trạng sa thải vẫn tương đối thấp.
Bước vào năm 2025, có rất nhiều lý do để lạc quan về nền kinh tế khi chính quyền ông Trump chuẩn bị lên nắm quyền.
Ông David Kelly, Chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết: "Nền kinh tế Mỹ, giống như nhiều năm qua, vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ rất ổn định".
Trước mắt không có suy thoái
Vào năm 2022, nhiều người dự đoán rằng một cuộc suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không nhiều như lo ngại. Thị trường chao đảo, nhưng không sụp đổ. Và mặc dù thị trường việc làm có những rạn nứt, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối thấp.
Không giống như thời điểm này trong năm 2021 và 2022, các nhà dự báo khi xem xét các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ, không thấy những yếu tố rõ ràng dẫn đến suy thoái. Ông Kelly cho biết: “Nếu có một cú sốc thì nền kinh tế mới rơi vào suy thoái, và hiện tại tôi không thấy bất cứ điều gì có thể làm được điều đó”.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro đang rình rập, bao gồm cả một cuộc chiến tranh thương mại.
Giá năng lượng vẫn là ẩn số
Giá năng lượng luôn có khả năng gây ra suy thoái. May mắn thay, giá dầu hiện nay thấp hơn nhiều. Nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông hoặc ở Nga vẫn chưa thành hiện thực. GasBuddy dự báo giá xăng trung bình hằng năm sẽ là 3,22 USD/gallon vào năm 2025, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giảm.
Giá xăng giảm sẽ giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng và duy trì số liệu thống kê lạm phát ở mức thấp hơn.
Tiền lương đi trước lạm phát
Nhiều người Mỹ cảm thấy thất vọng vì ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hoá, bảo hiểm ô tô và tiền thuê nhà so với trước khi xảy ra Covid. Mặc dù giá cả có thể sẽ không quay trở lại mức của năm 2019, nhưng tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể.
Không chỉ vậy, tiền lương còn liên tục tăng nhanh hơn giá cả.
Tức người Mỹ đang được hưởng mức tăng lương thực tế, và sẽ cảm thấy thoải mái hơn về chi phí sinh hoạt nếu mức tăng này tiếp tục.
“Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm cho người dân…là đưa lạm phát trở lại mục tiêu và duy trì ở mức đó để mọi người có thể kiếm được mức tăng lương thực sự lớn”, Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 12. “Điều đó sẽ khôi phục cảm giác lạc quan của mọi người về nền kinh tế và đó là điều chúng tôi đang hướng tới”, ông cho biết.
FED đã hạ lãi suất
Để chống lạm phát, FED đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ với tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Cuộc chiến chống lạm phát đã đẩy chi phí vay thế chấp, vay mua ô tô, thẻ tín dụng, vay mua ô tô và vay doanh nghiệp nhỏ lên cao.
Hiện nay, khi lạm phát hạ nhiệt, FED đã có thể cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp.
Vẫn còn nhiều bất ổn về việc có bao nhiêu đợt cắt giảm lãi suất nữa sẽ diễn ra vào năm 2025, nếu có. Và chi phí vay thế chấp vẫn chưa giảm. Tuy nhiên, việc FED bắt đầu quá trình hạ lãi suất cũng là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới.
Chính sách hỗ trợ
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tập trung hết sức vào việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Có nhiều cuộc tranh luận về tác động của chương trình nghị sự của ông Trump, đặc biệt là đối với lạm phát, nhưng một số nhà kinh tế lại hào hứng trước triển vọng cải cách thuế và lời hứa cắt giảm thủ tục hành chính của ông Trump.
Thuế quan, trục xuất và các cuộc chiến của FED
Tất nhiên, luôn có những rủi ro có thể làm xấu đi bức tranh kinh tế một cách nhanh chóng, chẳng hạn như cuộc đình công tiềm tàng ở cảng vào giữa tháng 1. Chương trình nghị sự thương mại của ông Trump tiếp tục khiến nhiều nhà kinh tế chính thống lo ngại sẽ gây ra lạm phát và làm giảm đầu tư kinh doanh.
Bà Stephanie Roth, nhà kinh tế trưởng tại Wolfe Research, cho biết: "Thuế quan không tốt cho nền kinh tế. Tôi lo ngại về điều đó". Tuy nhiên, bà cho rằng ôngTrump sẽ không áp dụng tất cả các mức thuế mà ông đã đề xuất và các mức thuế được áp dụng sẽ không có hiệu lực cho đến cuối năm 2025. Mặt khác, bà Roth cho biết nếu ông Trump ban hành tất cả các mức thuế quan, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm một nửa xuống chỉ còn 1% vào năm 2025 và con số này thậm chí còn chưa tính đến thiệt hại do các mức thuế quan trả đũa gây ra.
“Vào thời điểm đó, rủi ro suy thoái trở nên khá thực tế”, bà nói.
Ngoài ra còn có nguy cơ là lời hứa thực hiện trục xuất hàng loạt của ông Trump sẽ khiến các ngành công nghiệp chủ chốt thiếu hụt lao động, đẩy tiền lương và giá cả lên cao.
Một rủi ro mới nổi khác là cơn bão lớn trên thị trường tài chính, vốn đã bùng nổ trong phần lớn năm 2024 nhưng lại kết thúc năm một cách yếu kém. Sự điều chỉnh mạnh của thị trường, hoặc thậm chí là thị trường giá xuống, có thể gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây sức ép lên nền kinh tế thực.
Và rồi còn những yếu tố bất ngờ khác như tấn công mạng, đại dịch và thiên tai vốn rất khó để lên kế hoạch.
Ông Kelly của JPMorgan cho biết: “Bài học của thế kỷ XXI là 'Đừng lo lắng về những điều bạn dự đoán được, hãy lo lắng về những gì bạn ít ngờ tới nhất.'".
Có thể bạn quan tâm:
Nỗi buồn của nền kinh tế từng dẫn đầu châu Âu
Nguồn CNN
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư