Hủy
Thế giới

Ấn Độ đứng đầu thế giới về lượng kiều hối với 80 tỉ USD

Minh Luyến Chủ Nhật | 09/12/2018 12:53

Theo công bố mới nhất của World Bank (WB) ngày 8.12, Ấn Độ đã dẫn đầu thế giới về lượng kiều hối trong năm nay với 80 tỉ USD.
 

Báo cáo tóm tắt về phát triển và di cư của WB cho biết, theo sau Ấn Độ là Trung Quốc (67 tỉ USD), Mexico và Philippines (34 tỉ USD mỗi nước) và Ai Cập (26 tỉ USD). 

WB cũng dự báo lượng kiều hối đổ về các nước Nam Á trong năm 2018 tăng 13,5% so với năm ngoái lên mức 132 tỉ USD. Đây là tốc độ tăng mạnh so với mức tăng 5,7% của năm 2017 so với năm trước đó. Bangladesh và Pakistan đều có mức tăng mạnh lần lượt là gần 18% và hơn 6%. Trong năm 2017, kiều hối chiếm 2,7% GDP của Ấn Độ.

WB ước tính lượng kiều hối được ghi nhận chính thức của các nước đang phát triển trong năm nay sẽ đạt 528 tỉ USD, tăng gần 11% so với năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 7,8% của năm 2017 so với năm 2016. Trong khi đó lượng kiều hối toàn cầu được dự báo sẽ tăng hơn 10% lên 689 tỉ USD.

Theo WB, tăng trưởng kiều hối được thúc đẩy mạnh bởi các điều kiện kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Mỹ và giá dầu tăng đã có ảnh hưởng tích cực đến lượng kiều hối từ các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Tuy nhiên, WB cho rằng trong tương lai tốc độ tăng trưởng kiều hối sẽ bị tác động bởi giá dầu giảm, chính sách hạn chế di cư và điều tiết tăng trưởng kinh tế tổng thể.

An Do dung dau the gioi ve luong kieu hoi voi 80 ti USD
Kiểm đồng USD tại một cửa hàng đổi tiền ở Jakarta của Indonesia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã khẳng định Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 8 về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, IMF dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong tài khóa 2018-2019 sẽ ở mức 7,3% và tăng lên thành 7,5% trong tài khóa sau đó. Thể chế tài chính này cũng đánh giá triển vọng kinh tế của Ấn Độ khá tích cực do đầu tư và chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh.

Bên cạnh đó, IMF đề cao việc chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi công bố thuế hàng hóa và dịch vụ trong năm 2017 nhằm thiết lập một thị trường đơn nhất ở Ấn Độ cho dù thuế này làm nảy sinh một số vấn đề.

Thể chế tài chính đa phương này đánh giá tích cực việc New Delhi nới lỏng một số nguyên tắc về đầu tư nước ngoài, song cho rằng quốc gia Nam Á cần thúc đẩy hơn nữa chính sách nói trên.

Giới chức IMF nhấn mạnh Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc tự do hóa đầu tư nước ngoài và thương mại, đồng thời hoan nghênh việc chính phủ nước này cam kết theo đuổi hệ thống thương mại dựa trên nguyên tắc đa phương.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cũng cho biết tăng trưởng của Ấn Độ trong quý I/2018 tăng 7,7% và là mức cao nhất trong 7 quý qua.

Giới phân tích cho rằng những thông tin tốt lành này sẽ là tín hiệu tích cực đối với Thủ tướng Modi trước thềm cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào năm 2019.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới