Châu Âu đang ngồi trên đống lửa ngân hàng
Có một vòng luẩn quẩn ở khu vực đồng tiền trung mà trong đó, hệ thống ngân hàng là mắt xích quan trọng. Vòng luẩn quẩn đó là: tăng trưởng chậm, thâm hụt ngân sách tăng, nhu cầu tái cấp vốn tăng và cho vay tư nhân giảm…
“Điều quan trọng là phải phá vỡ cái vòng luẩn quẩn trên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên nới lỏng tiền tệ thêm nữa để đảm bảo rằng, lạm phát diễn tiến phù hợp với mục tiêu trung hạn, đồng thời phòng ngừa rủi ro giảm phát. Cách này cũng giúp tạo ra những thay đổi cần thiết về năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các nhà chức trách trong ngành ngân hàng cũng nên làm việc cùng nhau để giám sát và hạn chế ở mức nhất định việc cho vay của các ngân hàng với các khách hàng trong và ngoài nước”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới gần đây nhất.
Những động thái chính sách quan trọng gần đây đã mang lại một vài sự tin tưởng cần thiết cho các thị trường tài chính, như trái phiếu công đã được mua, các thị trường cung vốn cho ngân hàng đã mở trở lại và giá cổ phiếu đã bật tăng.
Tuy nhiên, những chuyển động ngược lại vẫn có thể xảy ra. Con đường phía trước còn có những rủi ro nghiêm trọng và các chính sách cần phải mạnh mẽ hơn để bảo hệ sự ổn định tài chính.
Rủi ro phía trước không khó để xác định, nó bao gồm tình trạng của các ngân hàng, đặc biệt là sự dính líu của họ với khu vực tài chính công ốm yếu. Cùng với rủi ro từ hệ thống ngân hàng, tăng trưởng ở châu Âu hiện quá chậm và chính sách tiền tệ của ECB quá chặt đang bao vây nền kinh tế khu vực này.
Bản thân sự hỗ trợ của IMF không đủ để vực dậy các nước yếu, nó cần một sự phối hợp ăn khớp với các chính sách khác. Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GSFR) của IMF nhấn mạnh, rủi ro suy thoái kinh tế đã giảm nhưng rủi ro tài chính vẫn còn.
Một khía cạnh đặc biệt quan trọng của những rủi ro đó là hiện tượng thu hẹp tín dụng của các ngân hàng. Điều này là cần thiết với những bảng cân đối tài sản đã “phồng to”, nhưng nó rất nguy hiểm với nền kinh tế.
Trong cái mà GSFR gọi là “kịch bản chính sách hiện tại”, 58 nhà băng lớn đặt tại Liên minh châu Âu có thể phải thu hẹp bản cân đối tài sản đi khoảng 2.000 tỷ euro (2.600 tỷ USD) cho đến cuối năm 2013, tương đương 7% tổng tài sản. Tác động đối với nguồn cung tín dụng của khu vực đồng euro chỉ là 1,7% dư nợ, nhưng mức giảm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng đến khu vực tư nhân và làm cho mục tiêu tăng trưởng khó có thể đạt được. Các nạn nhân khác có thể phải hứng chịu là các nền kinh tế mới nổi ở khu vực trung và đông Âu.
Để ngăn chặn các nguy cơ từ việc thu hẹp tín dụng “vô tội vạ”, vốn phải được bơm thêm cho các ngân hàng, thông qua các quỹ hỗ trợ mới. Nhưng điều này cũng không phá vỡ được mối liên kết độc hại giữa các nhà băng và các khoản nợ công xấu.
Thực tế, hành động tài trợ hào phóng của ECB đã tăng cường cho mối liên kết trên. Đơn thuốc đã gây tác dụng phụ nguy hiểm. Nhưng nó vẫn phải được sử dụng để duy trì hoạt động của các thị trường nợ công quốc tế. Gần như một nửa số nợ công của Italia được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu để kênh này tắc nghẽn, chẳng khác gì “trói tay” người Italia.
Đụng cách nào cũng thấy có vấn đề. Chẳng có giải pháp nào hoàn hảo. Cách duy nhất đối với khu vực đồng euro là làm tốt hơn nữa tất cả những gì đã được vạch ra, đã làm và đang làm.
Nguồn CafeF
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư