Hủy
Thế giới

Chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp và để cho làn sóng vỡ nợ trái phiếu xảy ra?

An Lê Thứ Sáu | 27/12/2019 21:27

Ảnh: Bloomberg/Getty.

Các nhà đầu tư trước nay cứ nghĩ chính quyền sẽ can thiệp, hỗ trợ các công ty thoát khỏi vỡ nợ, dù vậy điều đó dường như còn không đúng nữa...
 

Năm 2019 là một năm mà việc vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đạt mức kỷ lục. Đó không phải là một cuộc khủng hoảng. Điều này nằm trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc.

Một thập kỷ trước, việc vỡ nợ hầu như không bao giờ xảy ra, nhưng không phải vì tình hình tài chính ở các công ty ở Trung Quốc luôn lành mạnh mà điều này cho thấy sự kiểm soát hệ thống tài chính chặt chẽ, theo đó các doanh nghiệp thường có mối quan hệ với chính phủ và các loại trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu được mua bởi các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Các nhà chức trách thường can thiệp để đảm bảo rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính không bị vỡ nợ, vì họ lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội sẽ xảy ra trong trường hợp nhiều người bị mất việc làm hoặc chậm thanh toán tiền lương.

Hiện tại, các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm đến thị trường trái phiếu Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty vẫn được nhà nước hậu thuẫn nhưng dường như các nhà hoạch định chính sách ở quốc gia này đang “cởi mở” hơn về vấn đề vỡ nợ. Nếu không cho phép vỡ nợ, các trái chủ sẽ bất cẩn hơn trong việc đánh giá về uy tín tín dụng của các công ty phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, sự gia tăng của các đợt vỡ nợ cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư toàn cầu phải loại bỏ một số giả định về việc đánh giá công ty phát hành trái phiếu nào là an toàn. Có một vài sự ngạc nhiên trong danh sách bao gồm rất nhiều công ty ở Trung Quốc có nguy cơ bị vỡ nợ hoặc giá trái phiếu của họ bị lao dốc mạnh.

Giá trị các khoản trái phiếu nội địa Trung Quốc bị vỡ nợ
Giá trị các khoản trái phiếu nội địa Trung Quốc bị vỡ nợ từ 2014-2019.

Trong tháng 12, một công ty hàng hóa có tên Tewoo Group, một công ty nhà nước, đã bị vỡ nợ và đây được xem là vụ vỡ nợ khoản trái phiếu bằng USD lớn nhất trong hai thập kỷ qua của một doanh nghiệp nhà nước. Các mảng kinh doanh của tập đoàn Tewoo bao gồm khai thác, hậu cần và cơ sở hạ tầng. Với trụ sở đặt tại thành phố công nghiệp Thiên Tân, phía đông nam của Bắc Kinh, tập đoàn này đã bị vỡ nợ khi khoản nợ của nó bắt buộc phải cơ cấu lại và các trái chủ chỉ còn được nhận 37% giá trị trái phiếu họ đã mua.

Theo ông Todd Schubert, Giám đốc quản lý mảng thu nhập cố định tại Bank of Singapore, sự kiện cho Tewoo Group vỡ nợ có thể đánh dấu một bước ngoặt. Sau khi thông tin về kế hoạch tái cơ cấu nợ của Tewoo, Công ty Moody’s Investors Service đã cảnh báo các nhà đầu tư về việc các doanh nghiệp nhà nước không thuộc diện “quan trọng mang tính chiến lược” với chính phủ thì sẽ ít có khả năng nhận được sự cứu trợ của nhà nước.

Nhưng để tìm ra công ty nào đủ điều kiện thuộc diện “quan trọng mang tính chiến lược” thực sự không phải dễ dàng. O7ng Andrew Collier, giám đốc quản lý của Orient Capital Research cho biết nên cứu trợ bao nhiêu vụ vỡ nợ là một câu hỏi nan giải mà các cấp lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết trong năm 2020. Hàng trăm tỷ USD nợ có khả năng trở thành nợ có vấn đề. Các khoản nợ này đến từ các khoản tín dụng cấp cho các nhà thầu bất động sản và các công cụ tài chính của chính quyền địa phương được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Sự thiếu hụt nguồn thu ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại ở mức khoảng 6% càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Theo ông Michel Lowy, giám đốc điều hành của tập đoàn ngân hàng SC Lowy có trụ sở tại Hồng Kông, thực sự rất khó để thực hiện việc phân tích tín dụng đối với hầu hết các công ty phát hành trái phiếu ở Trung Quốc. Ông cho biết, "vấn đề không phải là chất lượng doanh nghiệp đó như thế nào, mà là ai sở hữu/hỗ trợ cho doanh nghiệp đó, nó được tạo nên vì mục đích gì".

Chúng ta có thể thấy một bài học về việc đặt cược vào sự hỗ trợ nhà nước trong nửa cuối năm 2019, khi mà giá trái phiếu của hai công ty công nghệ được nhà nước hậu thuẫn giảm mạnh (dù các công ty này chưa bị vỡ nợ). Đó là công ty Tsinghua Unigroup Co., nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, công ty nằm trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm thống trị mảng công nghệ toàn cầu. Sức khỏe tài chính của công ty này đã suy yếu nghiêm trọng trong ba năm qua khi vay để đầu tư và thực hiện các vụ sáp nhập, tuy nhiên công ty này lại liên kết với Đại học Thanh Hoa, nơi nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc từng theo học. Một công ty khác, Peking University Founder Group, là một tập đoàn lớn với các doanh nghiệp y tế và internet, có liên kết với Đại học Bắc Kinh – trường đại học trọng điểm ở Trung Quốc. Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có sự liên kết với mảng công nghệ đồng nghĩa với việc trái phiếu của họ sẽ không lo bị vỡ nợ.

Bây giờ thì không còn như vậy nữa. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để tách biệt các tổ chức giáo dục với các hoạt động kinh doanh của chúng và việc này mang đến nhiều lo ngại cho hai công ty trên. Wei Liang Chang, một chiến lược gia vĩ mô tại DBS cho biết, sự không chắc chắn về quyền sở hữu trong tương lai của các công ty này đã làm dấy lên nghi ngờ về tình hình tài chính của họ, đặc biệt là vì các doanh nghiệp trên đều là những doanh nghiệp thâm dụng vốn nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận lại là rất không chắc chắn.

Sự gia tăng các vụ vỡ nợ trong năm sau có lẽ không quá bất ngờ vì năm 2019 đã bắt đầu với một khoản chậm trả của một trong những công ty đầu tư tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn China Minsheng Investment Group Corp (CMIG) được thành lập vào năm 2014 và đã vay nợ được 34 tỷ USD vào năm ngoái và đầu tư nhiều vào các tài sản, từ các bất động sản ở London đến kinh doanh mảng năng lượng mặt trời hoặc đầu tư vào một công ty bảo hiểm ở Bermuda.

Từ khi bắt đầu chậm thanh toán lãi trái phiếu nội địa vào tháng 1/2019, CMIG đã ráo riết bán tài sản và cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. (Thậm chí, vào tháng 4/2019, công ty này cho biết, họ đã chuẩn bị đưa ra các điều khoản vỡ nợ đối với 2 trái phiếu của mình). Hiện tại, CMIG đang nỗ lực để đẩy mạnh việc tái cơ cấu tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu.

Phần lớn trong số lượng các trái phiếu vỡ nợ có giá trị kỷ lục lên đến 21 tỷ USD là ở thị trường nội địa - Trái phiếu được định danh bằng đồng Nhân dân Tệ và chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ. Tuy nhiên, việc gia tăng các vụ vỡ nợ trong năm 2019 cho thấy nhiều rủi ro có thể xảy ra vào năm 2020 đối với khoản nợ bằng đồng USD vốn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

► Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc

► Bốn con hổ của Châu Á: Điều thần kỳ đã là quá khứ, thách thức đang tới

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới