Hủy
Thế giới

Đấu tranh để tín ngưỡng nằm ngoài quyền lực ở Mỹ vẫn chưa kết thúc

Chủ Nhật | 23/12/2012 14:08

Mối quan hệ giữa nhà thờ với nhà nước có thể được điều hòa nhờ những thỏa hiệp hữu lý nhưng còn lâu nước Mỹ mới đạt được những thỏa hiệp đó.
 

Theo tư liệu của từ điển mở Wikipedia, nước Mỹ rất đa dạng về các tín ngưỡng và lễ nghi. Số lượng tín hữu cũng khá cao. Theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 76% tổng số dân Mỹ nhận họ theo Kitô giáo (trong đó, 52% theo Tin Lành, 24% theo Công giáo Roma, 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo).

Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần hay nhiều hơn, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất mỗi tuần. Đa số người Mỹ cho biết tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời họ, một tỷ lệ bất thường tại một nước phát triển…

Hiện nay ở Mỹ đang có hàng chục triệu cư dân cho rằng, trong nền tảng của các giải pháp chính trị phải là những giá trị đạo đức có cơ sở tôn giáo. Hàng chục triệu người khác lại coi tôn giáo như một vấn đề riêng tư và không công nhận đằng sau nó bất cứ một vai trò chính trị hợp pháp nào trong xã hội dân chủ hiện đại. Cuộc xung đột tư tưởng này bộc lộ cả trong những tranh cãi về việc có cho phép nạo thai và những thí nghiệm y tế với các tế bào phôi sinh học hay không, về việc giảng dạy thuyết tiến hóa, về sự có mặt của các biểu tượng tôn giáo tại các công sở, về trợ cấp nhà nước cho các trường tôn giáo tư nhân và nhiều chuyện khác nữa…

Liệu xã hội Mỹ có đủ tiềm năng để vượt lên trên những khác biệt và tạo ra nền móng cho việc giải quyết những mâu thuẫn trầm kha và nguy hiểm đó không? Vấn đề này được bàn tới trong cuốn sách của giáo sư luật học Noah Feldman thuộc Trường Đại học New York Bị chia rẽ bởi Chúa: Vấn đề quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước Mỹ và nhà thờ.

Cơ sở để điều hòa pháp lý quan hệ giữa chính quyền và các thể chế tôn giáo là Điều Tu chỉnh số 1 đối với Hiến pháp Mỹ. Điều Tu chỉnh này cùng với 9 Điều Tu chỉnh khác có hiệu lực từ năm 1791, nội dung như sau: “Quốc hội không được ra các đạo luật liên quan tới việc kiến lập một tôn giáo nào hay hạn chế sự phổ biến tự do của nó, hạn chế tự do ngôn luận hay quyền của người dân tụ họp một cách hòa bình hay gửi tới chính phủ lời thỉnh nguyện về việc loại bỏ các hiện tượng lạm quyền”.

Trực tiếp thì chỉ phần đầu của Điều Tu chỉnh số 1 có liên quan tới tôn giáo mà các chuyên gia về Luật Hiến pháp đã phân thành hai phần. Điều khoản về kiến lập đảm bảo rằng chính phủ Mỹ sẽ không bắt buộc bất cứ ai theo đạo hay không, hỗ trợ bất cứ một học thuyết tôn giáo hay sự sùng tín nào chống lại ý muốn của các cá nhân. Điều khoản về quyền tự do tín ngưỡng cũng đảm bảo rõ ràng như thế về việc chính quyền sẽ không cản trở bất cứ ai trong việc tuân thủ nguyên tắc, quy định và nghi lễ của tôn giáo mà họ đã lựa chọn.Các tác giả của điều tu chỉnh đó đã cho rằng cần phải quy cả hai điều khoản trên trong một tổng thể, vì họ hiểu rõ rằng cả hai điều khoản đó đều cần thiết ngang nhau trong việc đảm bảo tự do thực sự về tôn giáo và sự độc lập thực sự của tôn giáo trước mọi thể chế chính quyền. Chính vì vậy nên Điều Tu chỉnh số 1 trên thực tế đã đánh dấu sự tách rời chính thức của nhà thờ khỏi nhà nước, dẫu điều này không được viết thành văn bản.

Các tác giả Hiến pháp, hay các nhà lập quốc của Mỹ, đã thực sự tin rằng, chính quyền liên bang trong thực tế có thể hoàn toàn hạn chế mình khỏi lĩnh vực tôn giáo. Theo nhận định của GS Freldman, sự tin tưởng đó hóa ra là hơi ngây thơ, nhưng ở thời đó ít ai có thể nhận thức được điều này. Dẫu gì thì gì, Thomas Jefferson cũng đã rất chân thành khi trong lá thư lừng danh gửi những tín đồ dòng đạo Baptist ở TP Denbery đã tuyên bố rằng: “Hiến pháp đã dựng lên một bức tường ngăn tôn giáo với nhà nước”.

Trong thế kỷ XIX, “đụng độ” giữa các định chế tôn giáo và các thể chế nhà nước chủ yếu chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh luận về việc cho phép giảng dạy môn thần học tại các trường công do quỹ thu thuế địa phương tài trợ hay không. Những vấn đề này đặc biệt trở nên gay cấn trước cuộc bầu cử năm 1876. Vị Tổng thống, đảng viên Cộng hòa lúc đó là Ulysses Grant dự định ứng cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Để tìm kiếm những khẩu hiệu cho chiến dịch vận động bầu cử mới có khả năng kích thích phái cấp tiến đang trên thế thượng phong của đảng Cộng hòa, Grant yêu cầu phải loại bỏ toàn bộ các môn liên quan tới thần học khỏi chương trình phổ thông.

Trong bài phát biểu đã gây nên những phản hồi mạnh mẽ ngày 30/1/1875, Grant thẳng thừng nêu rõ nhu cầu “để lại các vấn đề tôn giáo cho gia đình, nhà thờ và các trường tư” và “vĩnh viễn duy trì sự phân tách giữa nhà nước và nhà thờ”.

Vị thủ lĩnh lúc đó của phe Cộng hòa trong Hạ viện James Blaime còn đi xa hơn nữa là đề nghị thông qua điều sửa đổi mới đối với Hiến pháp Hoa Kỳ, có thể cấm hoàn toàn việc sử dụng nguồn tài chính có được từ thu thuế để hỗ trợ cho các trường học nằm dưới sự kiểm soát của bất cứ một dòng đạo nào. Trong thực tế, cái gọi là các trường theo dòng đạo đó là các trường Thiên Chúa giáo mà số lượng của chúng trong thời gian đó đã gia tăng nhanh chóng vì dòng người nhập cư gia tăng từ các nước Thiên Chúa giáo tới. Những tín đồ đạo Tin Lành, lúc đó đang chiếm đa số trong thành phần cư dân Mỹ, hoàn toàn không muốn những trường học như thế ở bất cứ nơi nào lại được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách địa phương hay liên bang. Tuy nhiên, điều tu chỉnh của Blaime đã không được Thượng viện Mỹ thông qua.

Dẫu vậy, những nguyên tắc đặt ra trong đó đã được sự ủng hộ ở khắp cả nước. Tới năm 1890, tại 29 bang đã thông qua các đạo luật, hay thậm chí là các điều tu chỉnh đối với Hiến pháp cấm hỗ trợ tài chính cho các học đường theo đạo bằng nguồn tiền có được từ thu thuế. Tình trạng này đã được duy trì tới giữa thế kỷ XX.

Cũng trong những năm 1870, Toà án Tối cao Mỹ lần đầu tiên đưa ra phán quyết về việc áp dụng quy định Hiến pháp về tự do tín ngưỡng. Năm 1874, Thượng viện cấm việc đa thê, vốn phổ biến trong dòng đạo Mormons ở Utah, khi đó vẫn là vùng lãnh thổ chứ chưa phải là một bang. Các luật sư của dòng đạo Mormons đã kiện lên Toà án Tối cao với lý do là lệnh cấm đó xâm phạm quyền của các tín đồ dòng đạo này tuân thủ các nguyên tắc của nó và mặc nhiên, trái với Điều Tu chỉnh số 1. Tuy nhiên, lập luận này đã không mang lại thành công.

Năm 1878, Tòa án Tối cao đã phán quyết, hôn nhân không chỉ là một liên minh giữa hai vợ chồng được nhà thờ cho phép mà còn là một hợp đồng dân sự chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Vì thế, Thượng viện có quyền cấm hiện tượng đa thê mà không vi phạm Điều Tu chỉnh số 1. Lãnh đạo dòng đạo Mormons sau sự phản đối ban đầu đã buộc phải chấp nhận quyết định này. Và chỉ sau đó Thượng viện mới đồng ý cho bắt đầu tranh luận về việc cho Utah cơ chế bang mà nó đã được nhận năm 1894.

Cũng từ những năm 1870-1880, quan điểm đòi tách nhà thờ ra khỏi nhà nước (securialism) đã ngày càng được củng cố trong tư duy xã hội ở Mỹ. Securialism lúc đó còn là một thuật ngữ rất mới và nó được George Jacob Honyoake, một chiến sĩ đấu tranh chống lại tôn giáo người Anh, nghĩ ra. Securialism đòi hỏi con người phải giải quyết các vấn đề riêng tư và xã hội của mình trên cơ sở kinh nghiệm và kiến thức khoa học, chứ không phải các giáo lý. Vì thế, học thuyết này cho rằng, các định chế nhà nước và xã hội cần phải bỏ qua các tôn giáo, không hạ thấp nhưng cũng không khuyến khích chúng.

Quan điểm đó được không ít nhà hoạt động văn hóa xã hội ở Mỹ đồng tình, trong đó có nhà khai sáng học nổi tiếng Robert Ingersoll, người chủ trương “ly dị tuyệt đối giữa nhà thờ và trường học”. Phong trào này chẳng bao lâu sau làm nảy sinh một lực lượng phản biện khá mạnh, tập trung quanh Hiệp hội Cải cách Quốc gia. Chính Hiệp hội đó đã làm dấy lên chiến dịch chống lại “securialism của chính phủ”, điều mà theo họ, tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng vô thần và mất lòng tin. Tuy nhiên, Hiệp hội đã không giành được kết quả nào đáng kể.

Tới đầu thế kỷ XX, những thành công của securialism đã khiến cho lực lượng bảo thủ nhất trong cộng đồng Tin Lành phản công. Cuộc phản công này vẫn tiếp diễn cho tới tận hôm nay. Việc này xảy ra do sự cố gắng của một nhóm các nhà thần học Phúc âm lo lắng trước thái độ của lãnh đạo những nhà thờ Tin Lành chính ở Mỹ sẵn sàng nhận một phần những thành tựu của nền khoa học hiện đại và kể cả sự phê phán mang tính khoa học đối với và những văn bản thần học khác. Phong trào do những người này lập ra được gọi là lực lượng Thiên Chúa giáo chính thống.

Sở dĩ phong trào này có tên gọi đó là nhờ chùm sách 12 tập được ấn hành tại Chicago trong những năm 1910 tới 1915 nhờ tiền của hai nhà hảo tâm theo dòng đạo Giáo hội Trưởng lão (Presbiteriano), anh em Stewart, Liman và Milton. Bộ sách có nhan đề (Fundamentals: A Testimonyto the Truth). Những tập sách nhỏ này được in một cách đơn giản, với số lượng 300 nghìn bản và gửi miễn phí tới các nhà thờ Tin Lành, các lớp học chủ nhật, các nhóm truyền giáo và các tổ chức từ thiện.

Tác giả bộ sách kịch liệt chống lại những nỗ lực hiện đại hóa Thiên Chúa giáo dưới bất cứ hình thức nào, bác bỏ sự phê phán đối với và bảo vệ sự xác tín của văn bản các sự tích ghi trong đó. Người khởi xướng ra đề án này là mục sư Amzi Clarence Dixon ở Chicago.

Về sau tại Mỹ đã thành lập Hiệp hội các nhà Thiên Chúa giáo chính thống toàn thế giới (WCFA). Những “trưởng lão” đầu tiên ở WCFA coi kẻ thù chính của mình là việc lý giải theo cách hiện đại về tôn giáo và không quá đối kháng với securialism. Tuy nhiên, mọi sự đã bị thay đổi bởi phiên tòa ầm ĩ “Monkey Trial” năm 1925, khi thầy giáo John Scopes bị kết án chỉ vì đã vi phạm đạo luật vừa được thông qua ở bang Tennessee quê hương cấm giảng dạy về học thuyết Darwin.

Người sáng lập WCFA, William Bell Riley cho rằng, vụ án này có thể thu hút sự chú ý của các tín đồ ở khắp nước Mỹ đối với hiểm họa của tư duy tự do và nhờ thế, có lợi cho Hiệp hội của ông ta. Riley đã thuyết phục được chính trị gia nổi tiếng William Jennings Bryan (trong quá khứ từng hai lần là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ) đứng ra làm người luận tội Scopes. Riley và những người ủng hộ ông ta tuyên bố học thuyết tiến hóa sinh học là kẻ thù của Thiên Chúa giáo và từ đó đến nay, quan điểm này là nền tảng của lực lượng Thiên Chúa giáo chính thống Mỹ.

Tòa án Tối cao Mỹ trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã không chỉ một lần tái xác định nguyên tắc securialism. Tuy nhiên, tới thập niên cuối cùng của thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện những vụ việc xa rời “bức tường của Jefferson”. Năm 1995, Tòa án Tối cao cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ một quỹ đặc biệt tài trợ cho các ấn phẩm sinh viên và các hình thức hoạt động ngoài lớp học khác để xuất bản tạp chí do một nhóm sinh viên biên soạn.

Để biện hộ cho quyết định này, Tòa án Tối cao chỉ ra rằng, sự tài trợ đó không mâu thuẫn với Điều Tu chỉnh số 1 vì quỹ đặc biệt đó cũng tài trợ cho nhiều chương trình khác. Năm 2002, cũng Tòa án Tối cao còn đưa ra phán quyết không cấm các bậc phụ huynh sử dụng cổ phiếu nhà nước thanh toán chi phí học tập của con cái tại các trường tôn giáo tư nhân. Xu thế này bị các nhà tư tưởng tự do coi như sự lấn sân của chủ nghĩa bảo thủ và làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Giáo sư Feldman cho rằng, những khác biệt hiện tại trong quan niệm về mối quan hệ giữa nhà thờ với nhà nước có thể được điều hòa nhờ những thỏa hiệp hữu lý. Tuy nhiên, có lẽ còn lâu nước Mỹ mới có thể đạt được những thỏa hiệp hữu lý đó.

Nguồn An ninh Thế giới Cuối tuần


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới