Hủy
Thế giới

Đông Nam Á đang hình thành một “thung lũng Silicon”

Thứ Bảy | 21/07/2012 15:07

Với vị trí an toàn, cách xa Vành đai lửa Thái Bình Dương, đảo Penang của Malaysia đang là điểm đến hấp dẫn của các hãng công nghệ toàn cầu
 

Thoạt nhìn, hòn đảo xanh tươi hấp dẫn này có vẻ giống như các điểm nghỉ dưỡng khác ở Đông Nam Á.  Nhưng cũng chính vẻ đẹp tự nhiên này đã cho thấy bản chất của Penang.

Trong dãy nhà đậu máy bay nối tiếp nhau tại khu vực sân bay bận rộn, nhân viên của các hãng giao nhận hàng đầu thế giới như DHL International GmbH, United Parcel Service Inc (UPS) và FedEx Corp đang tích cực bốc xếp và vận chuyển các thùng hàng màn hình LED, bộ chip điện tử và các thiết bị điện tử tinh vi khác.

Sau thảm họa động đất ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan hồi năm ngoái, các nhà sản xuất toàn cầu đang hướng đến Penang và một vài nơi khác để mở rộng chuỗi cung cấp mọi sản phẩm từ phụ tùng ôtô cho đến chất bán dẫn và ổ cứng máy tính. Xu hướng mở rộng này đang tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng tại các nước vốn đang nhận được nguồn đầu tư ngày một tăng khi thị trường lao động Trung Quốc quá nóng, và đưa tên Penang và một số khu vực khác tương tự vào bản đồ đầu tư toàn cầu.

Người đứng đầu bang Penang, Thủ hiến Lim Guan Eng, hy vọng năm 2012 sẽ là năm “bội thu” đầu tư sau khi bang này tiến hành nhiều biện pháp xóa bỏ thủ tục hành chính quan liêu rườm ra – chẳng hạnh như đẩy nhanh việc xây dựng các khu công nghiệp mới, tạo điều thuận lợi cho các công ty mở rộng tại đây.

s

Năm 2011 thực sự là bước ngoặt quan trọng đối với các công ty hoạt động trong chuỗi cung cấp toàn cầu. Vào thời điểm thiên tai xảy ra ở Nhật Bản và Thái Lan, các công ty vốn đang dựa vào chuỗi cung cấp sản xuất và giao hàng đúng kế hoạch (JIT), đi tiên phong là hãng Toyota, buộc phải lao vào tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.

Ngành công nghiệp phần cứng chịu tổn thất nặng nề sau nhiều tháng lũ lụt tại Thái Lan, với việc hãng sản xuất ổ cứng như Western Digital Inc và các hãng điện tử như Sony và Toshiba buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy tại đây.

Có thời điểm, giá các loại ổ cứng trên thế giới tăng gấp 2 lần trước khi Western Digital và các hãng sản xuất khác bắt đầu tăng sản lượng tại Malaysia sau đợt lũ lụt lịch sử tại Thái Lan. Hiện tại, công ty California đang mở rộng sản xuất tại Malaysia với kế hoạch 5 năm trị giá 1,2 tỷ USD nhằm giảm sự lệ thuộc vào Thái Lan. Hãng này dự định khai trương nhà máy mới tại Malaysia trong năm nay.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip máy tính, Intel Corp, công ty thiết bị âm thanh, Bose Corp, hãng sản xuất thiết bị điện tử, National Instruments Corp và Agilent Technologies Inc cũng đang bắt đầu mở rộng sản xuất tại Malaysia.

Heng Huck Lee, giám đốc điều hành Globetronics Technology Bhd tại Malaysia, cho biết “về dài hạn, nhiều công ty đa quốc gia sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thiên tai và tình trạng gián đoạn chuỗi cung cấp, và họ hiện coi Penang nói riêng và Malaysia nói chung là điểm đến hấp dẫn”.

Tuy vậy, đầu tư vào Malaysia cũng có những rủi ro nhất định. Đất nước này đang rơi vào thời kỳ biến động chính trị với việc Đảng Mặt trận quốc gia đang cầm quyền đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của liên minh đối lập. Điều này có nghĩa là chính quyền các bang dưới sự điều hành của các đảng đối lập, như ở Penang, có thể đối mặt với tình trạng xung đột chính sách với chính quyền Kuala Lumpur.

Tuy vậy, so với các nước láng giềng, Malaysia vẫn có nhiều lợi thế hơn. Đất nước này nằm ở vị trí an toàn, cách xa cái gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương, giúp Malaysia tránh được những thảm họa thiên tai như động đất và núi lửa phun trào như đã diễn ra ở Indonesia và Nhật Bản. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra lũ lụt ở Malaysia cũng rất thấp.

Penang còn có lợi thế với sân bay quốc tế và cơ sở hạ tầng hậu cần tốt với nguồn cung điện nước ổn định và chi phí thấp.

Bên cạnh đó, chi phí lao động tại Malaysia cũng không cao bằng Trung Quốc và Thái Lan – Thái Lan vừa áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn hồi tháng 4 vừa qua. Và việc mở rộng sản xuất tại các nước với thuế suất và chi phí hậu cần thấp hơn có thể giúp cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia quý I/2012 đạt 7,5 tỷ ringgit (2,37 tỷ USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2010, Penang thu hút nguồn vốn FDI cao kỷ lục 12,2 tỷ ringgit sau một thời gian giảm mạnh. Nguồn vốn FDI đổ vào Penang tăng mạnh đến mức Thủ hiến Lim Guan Eng phải cố gắng kiềm chế dòng vốn này để tránh cho nền kinh tế phát triển quá nóng. 

Một số công ty đã đặt cơ sở sản xuất tại Penang từ nhiều năm qua. Andy Grove, đồng sáng lập Intel, đến Penang để xây dựng nhà máy vào những năm 1970, tiếp đến là hàng loạt các nhà đầu tư Nhật Bản và Châu Âu. Sau đó, Penang ít nhiều mất đi vị thế khi các công ty công nghệ toàn cầu đặt cơ sở sản xuất tại một Trung Quốc có chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, với việc lương lao động tại các khu công nghiệp ở Trung Quốc tăng 20%/năm, cơ sở cũ của các hãng toàn cầu bắt đầu tăng sản lượng.

Ví dụ, Intel Santa Clara, California, đang mở rộng hoạt động thông qua việc tăng quy mô cơ sở nghiên cứu và phát triển. Cơ sở này hiện sử dụng trên 2.000 kỹ sư, một số đó là con cháu của những người đã từng làm cho Intel trong những năm 1970 và 1980. Thêm hàng nghìn người nữa cũng đang làm việc tại nhà máy lắp ráp và cơ sở thí nghiệm của Intel. Những năm qua, nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới này đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Malaysia.

Nguồn WSJ/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới