Hủy
Thế giới

Đức "bảo vệ" ai trong khủng hoảng Ukraine?

Thứ Tư | 15/04/2015 09:22

Đức luôn “nhún nhường” Nga và từ chối xem xét phương án quân sự trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã hạn chế những cam kết của phương Tây đối với Kiev.
 

Theo Thời báo phố Wall (WSJ), việc EU quá phụ thuộc vào Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang bộc lộ nhiều hạn chế khi Berlin luôn từ chối những phương án đủ sức khiến Moscow lo ngại.

WSJ nhận định, việc Đức luôn “nhún nhường” Nga và từ chối xem xét phương án quân sự trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã hạn chế những cam kết của phương Tây đối với Kiev.

Đức luôn phản đối phương Tây sử dụng các mối đe dọa quân sự nhằm ngăn chặn những "hành động mạnh mẽ tiềm năng" của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, theo nhiều nhà phân tích, tình hình ở miền Đông Ukraine sẽ rất dễ leo thang trong thời gian tới khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 đang có những dấu hiệu nguy hiểm.

Chỉ huy trưởng lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Philip Breedlove gần đây khẳng định, khu vực biên giới lỏng lẻo giữa Nga và Ukraine đang cho phép các “dòng chảy”  vũ khí từ Nga vào Ukraine tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, sau chuyến đi tới Ukraine, một cựu chỉ huy khác của NATO, tướng Wesley Clark, cho rằng về cơ bản không hề có hoạt động giám sát quốc tế tại khu vực biên giới.

Đức phản ứng ra sao? Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng họ đang có một số tiến bộ về vấn đề này. Trên thực tế, với tư cách như một “đặc sứ” của Mỹ tại Ukraine, Đức dường như đang trở thành một người trung gian mềm dẻo giữa Nga và EU trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy ông không hề "bị hạn chế" khi thực hiện những gì mình muốn.

Gần đây, lãnh đạo ly khai ở miền Đông Ukraine Alexander Zakharchenko tự tin cho rằng thỏa thuận Minsk 2 đang công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk là một nhà nước độc lập mặc dù thỏa thuận này chỉ đề cập đến việc phân quyền của khu vực miền Đông.

Theo WSJ, trong một cuộc trò chuyện tại trụ sở NATO, một vị quan chức cấp cao đã mô tả mối bận tâm cơ bản của Ngoại trưởng Đức Steinmeier là mong muốn quay trở về mối quan hệ bình thường với Nga. Điều đó được thể hiện trong lời phàn nàn công khai của ông với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng các thông tin tướng Breedlove cung cấp cho báo chí sẽ cản trở những tiến bộ của thỏa thuận Minsk 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhiều lần phản đối Mỹ xem xét phương án cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và nhiều phương án có thể khiến Moscow phải lo ngại.

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Wales hồi tháng 9/2014, đã xuất hiện cuộc tranh luận về việc triển khai lực lượng thường trực của NATO tại Ba Lan, các nước Baltic và Romania để đối phó với những nguy cơ xung đột có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bà Merkel đã phản bác ý kiến trên. Thay vào đó, bà đề xuất xây dựng lực lượng phản ứng nhanh có thể đối phó các mối đe dọa nhằm vào các nước thành viên NATO. Đối với các nước láng giềng Đông Âu, lực lượng phản ứng nhanh này có hiệu quả kém xa so với việc đặt quân đội thường trực.

Tuy nhiên, Berlin cho rằng việc triển khai quân đội NATO thường trực ở các quốc gia thành viên sẽ vi phạm thỏa thuận Sáng lập quan hệ Nga – NATO được kí kết năm 1997, một thỏa thuận mở ra lộ trình hợp tác giữa hai bên.

Theo WSJ, Berlin không muốn từ bỏ một thỏa thuận như vậy ngay cả khi Nga đã vi phạm khi sáp nhập Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014.

Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu Carnegie Europe, đây là lần đầu tiên Đức dẫn đầu trong việc giải quyết một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Trung tâm hành động của phương Tây về Ukraine không phải ở Washington, Brussels, Paris hay London mà ở Berlin.

Nguyên nhân bởi vì Đức không chỉ là một nền kinh tế lớn nhất và có dân số lớn nhất trong số các nước thành viên EU mà còn có vị trí địa lý cũng như vai trò trung tâm trong liên minh này.

Câu hỏi đặt ra là liệu Đức có chuyển được cuộc khủng hoảng từ đối đầu quân sự mà phương Tây cho là Nga chiếm ưu thế sang các giải pháp ngoại giao và kinh tế nơi EU có ưu thế hơn hay không khi liên tục tỏ ra “mềm yếu” trước Nga.

Cho đến giờ Đức tạm cho là thành công trong việc thống nhất EU về các biện pháp trừng phạt Nga và dẫn đầu trong các cuộc đàm phán tiến đến thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Berlin cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đó cũng là những hạn chế trong chính sách đối ngoại của EU.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới