Hủy
Thế giới

Hàng loạt nhà máy ở châu Âu dừng sản xuất phân bón vì giá khí đốt tăng vọt

Nguyên Hồ Thứ Ba | 30/08/2022 13:23

Máy kéo rải phân bón trên cánh đồng lúa mì ở Buntingford, Vương quốc Anh. Ảnh: Bloomberg.

Khủng hoảng phân bón ở châu Âu ngày càng sâu sắc do chi phí khí đốt tăng cao, đe dọa nông dân và người tiêu dùng.
 

Việc Nga siết chặt các lô hàng khí đốt sau cuộc chiến vào Ukraine đang gây tổn thất cho các ngành công nghiệp trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, các công ty phân bón đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi khí đốt vừa là nguyên liệu chính vừa là nguồn cung cấp năng lượng cho ngành. 

 

Giá phân bón bán buôn đang tăng trở lại khi các nhà sản xuất tại Liên minh châu Âu hạn chế công suất. Giá amoniac ở Tây Âu đã tăng trong hai năm qua, theo dữ liệu của công ty phân tích chất dinh dưỡng cây trồng Green Markets. Nguồn cung giảm sẽ khiến giá tăng cao, đe dọa năng suất vì nông dân buộc phải giảm quy mô sử dụng các chất dinh dưỡng quan trọng này. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi lạm phát thực phẩm liên tục tăng nhanh.

Ông Maximo Torero, nhà kinh tế của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại khi giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng, nhiều nhà máy ở châu Âu sẽ buộc phải đóng cửa. Điều này sẽ khiến EU từ vị trí là nhà xuất khẩu chủ chốt chuyển sang phụ thuộc vào nhập khẩu, gây thêm áp lực lên giá phân bón và do đó ảnh hưởng đến vụ gieo trồng tiếp theo”.

"Cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi một hành động nhanh chóng và dứt khoát từ các nhà hoạch định chính sách quốc gia cũng như EU cho cả thị trường năng lượng và phân bón", ông Jacob Hansen, Tổng giám đốc Fertilizers châu Âu, cho biết.

Phụ thuộc vào Nga

Các nhà sản xuất phân bón ở châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ngành công nghiệp này cũng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, hạn chế việc bán kali từ Belarus và các lô hàng của Trung Quốc. Nhiều đơn vị vận chuyển, ngân hàng cũng như công ty bảo hiểm đã “tự giác” trừng phạt Nga trong giao dịch các chất dinh dưỡng có trong phân bón. Bên cạnh đó những đơn vị này cũng gặp khó khăn khi bán ra hàng hóa xuất khẩu từ Nga. 

 

Khi châu Âu trở thành nước nhập khẩu ròng phân bón, sự suy giảm nguồn cung sẽ lan rộng. Khu vực này sẽ bắt đầu cạnh tranh nguồn cung khan hiếm với các quốc gia nghèo hơn, đặc biệt là ở châu Phi, nơi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng do hạn hán và xung đột dai dẳng. 

Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế, hàng triệu người trên khắp châu Phi đã phải đối mặt với nạn đói và lượng phân bón toàn cầu dự kiến ​​giảm 7% trong mùa tới, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, có thể dẫn đến thu hoạch ít hơn, theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế. Bà Laura Cross, giám đốc tình báo thị trường của hiệp hội cho biết, nông dân nhỏ lẻ ở các nền kinh tế còn yếu kém sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Bà nói: “Các nhà máy nitơ ngừng hoạt động ở châu Âu không chỉ là một vấn đề ở châu Âu. Nguồn cung giảm trên quy mô được thấy trong tuần này không chỉ làm tăng chi phí biên của việc sản xuất phân đạm mà còn thắt chặt thị trường toàn cầu, gây áp lực lên lượng hàng tồn kho chất dinh dưỡng thực vật ở châu Âu và hơn thế nữa”.

Theo Green Markets, giá phân đạm urê hàng tuần phổ biến ở New Orleans đã tăng hơn 20%, mức cao nhất kể từ tháng 3, một vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu.

 

Bà Agnes Kalibata, chủ tịch của Liên minh Cách mạng Xanh ở Châu Phi, một liên minh nông nghiệp trên khắp lục địa, cho biết châu Phi cần phải tự cung tự cấp về phân bón.

“Khi những thách thức như thế này xảy ra, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ năng lực để xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Phi hay không vì đầu tư vào phân bón là điều không cần bàn cãi,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn. 

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Âu "chắt chiu", nhưng Nga vẫn tiêu hủy hàng triệu USD khí đốt mỗi ngày

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới