Hậu quả Brexit: Scotland muốn tách ra khỏi nước Anh
Hôm 13-10, Thủ tướng Scotland là bà Nicola Sturgeon đã cho biết trong tuần sau bà sẽ đệ trình một dự luật tổ chức trưng cầu dân ý về việc Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập và tách ra khỏi Vương quốc Anh hay không. Đây là một thách thức trực tiếp với chính quyền trung ương ở London, do các bất đồng về việc nước Anh muốn rời khỏi EU (Brexit).
Theo đó, Scotland có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước tháng 3-2019, thời điểm mà nước Anh dự kiến sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Bà Sturgeon gửi thông điệp tới Thủ tướng Anh Theresa May: “Hãy nghe đây: nếu bà từng có lúc nghĩ là tôi không nghiêm túc về việc sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ quyền lợi của Scotland, hãy suy nghĩ lại… Tôi quyết tâm bảo đảm cho Scotland khả năng xem xét lại việc giành độc lập trước khi nước Anh rời EU, nếu điều đó bảo đảm cho lợi ích của Scotland”.
Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom) có 4 quốc gia thành viên là Anh (England), Scotland, Wales và Bắc Ireland. Hồi cuối tháng 6, sau một cuộc trưng cầu dân ý, 51,89% người dân Vương quốc Anh đã bỏ phiếu đồng ý với việc rời khỏi Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, có tới 62% người Scotland bỏ phiếu muốn ở lại EU.
Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, toàn bộ các khu vực bầu cử ở Scotland đều có đa số cử tri chọn việc ở lại EU (màu vàng). Ảnh: beltanenetwork.org |
Từ đó tới nay, đồng bảng Anh đã rớt giá mạnh, từ chỗ 1 bảng Anh đổi được 1,3 euro hồi tháng 6 xuống còn 0,99 euro (theo tỷ giá tại các sân bay của Anh). Trong khi đó, chính phủ Anh vô cùng lúng túng về mặt chính sách vì Thủ tướng David Cameron từ chức, còn những lãnh đạo của phong trào ủng hộ Brexit rơi vào mâu thuẫn nội bộ và không đưa ra được đường hướng cụ thể.
Tới đầu tháng 10 này, tân Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ sớm khởi động việc đàm phán Brexit vào tháng 3-2017, và cho biết nội dung quá trình đàm phán sẽ được giữ kín không cho Quốc hội biết cụ thể. Vốn từ lâu đã có bất đồng với London, nhiều người Scotland xem Brexit là “giọt nước tràn ly” và muốn tách ra khỏi nước Anh để xin làm thành viên của EU trở lại.
Kể từ năm 1999, Scotland đã được phép có Quốc hội và Chính phủ riêng. Suốt từ 2007 tới nay, Đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã liên tục nắm quyền tại Scotland, với cương lĩnh chính là đòi thêm nhiều quyền tự quyết và mục tiêu cao nhất là tiến tới độc lập. Năm 2014, SNP đã cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc Scotland trở thành một quốc gia độc lập, với kết quả khá sít sao là 44,7% ủng hộ và 55,3% không ủng hộ. Đó cũng là cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ cao nhất ở Vương quốc Anh từ trước tới nay, với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu lên tới 84,6%. Do thất bại của cuộc bỏ phiếu này, lãnh đạo đảng SNP khi đó là Alex Salmond đã từ chức, nhường chỗ cho “phó tướng” Sturgeon.
Trở ngại lớn nhất mà bà Sturgeon sẽ gặp phải cho kế hoạch trưng cầu dân ý kỳ này là người Scotland tuy muốn tiếp tục làm thành viên EU nhưng lại chưa mặn mà với việc rời Vương quốc Anh. Theo kết quả trưng cầu dân ý mới nhất hôm 13-10, chỉ có 38% người Scotland muốn độc lập ngay, trong khi có tới 47% muốn tiếp tục ở lại. Vốn bị thiệt hại khá nặng từ việc giá dầu giảm mạnh trong vòng 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Scotland hiện chỉ bằng 1/3 mức của cả Vương quốc. Thâm hụt ngân sách của Scotland trong năm ngoái cũng ở mức khá cao là 15 tỷ bảng Anh. Uy tín cá nhân của bà Sturgeon cũng đang bị sụt giảm đáng kể: từng là người được yêu mến nhất Scotland hồi năm ngoái, bà đã bị tụt xuống vị trí thứ 4 theo khảo sát gần đây nhất.
Thực ra thì việc định tổ chức trưng cầu dân ý cũng có thể chỉ là một lá bài để bà Sturgeon đòi thêm nhiều quyền tự quyết hơn nữa cho Scotland. Trước mắt, bà muốn có thêm quyền tự quyết về các chính sách nông nghiệp, nhập cư và ngoại giao. Vào cuối tháng 10 tới đây, bà Sturgeon sẽ gặp gỡ với bà May cùng lãnh đạo của Wales và Bắc Ireland, xoay quanh kế hoạch đàm phán Brexit với EU.
Tuấn Minh
Nguồn Tổng hợp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư