Hủy
Thế giới

Khi 1,4 tỉ người tiêu dùng không còn đủ với các doanh nghiệp Trung Quốc

Nguyên Hồ Thứ Ba | 21/02/2023 14:26

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc, thước đo sức chi của người tiêu dùng, đang bắt đầu chững lại. Ảnh: Bloomberg.

 
 
Trong 20 năm qua, sự tập trung vào thị trường nội địa của các công ty Trung Quốc đã phát huy tác dụng nhưng đã đến lúc thay đổi.

Vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, Trung Quốc sẽ mất danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới. Thời khắc biểu tượng đó có thể sẽ là chất xúc tác mà các công ty lớn của Trung Quốc cần trong việc mở rộng ra nước ngoài một cách nghiêm túc hơn, bởi vì ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã phát triển vượt xa thị trường nội địa.

Tencent dự kiến doanh thu cả năm ​​​​sẽ giảm 1%, trong khi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đang hướng tới mức tăng 2,7% trong thời gian 12 tháng tới. Những con số này đều không phải tin tích cực từ 2 doanh nghiệp kể trên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các công ty internet phương Tây đang làm tốt hơn, khi mà Alphabet, công ty mẹ của Google, đã kết thúc năm với doanh số giảm 7,2% và Meta Platforms đã giảm 1%.

Tuy vậy vẫn có sự khác biệt. Cả 2 công ty Trung Quốc đều phụ thuộc vào thị trường nội địa và phải đối mặt với tăng trưởng hữu cơ (organic growth) sụt giảm liên tục, tình hình còn trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Trong những năm gần đây, họ đã củng cố doanh thu thông qua mua lại và đầu tư vào các doanh nghiệp khác, một chiến lược có thể khó tái diễn trong thời gian tới vì sự hạn chế của Bắc Kinh đối với quyền lực của các công ty lĩnh vực công nghệ.

 

Mặt khác, các đối thủ nước Mỹ phần lớn đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn nhiều trong một thập kỷ qua. 57% doanh thu của Meta đến từ bên ngoài Bắc Mỹ và các thị trường quốc tế chiếm 52% doanh thu tại Alphabet. 

Trong 20 năm qua, sự tập trung duy nhất vào thị trường nội địa của các công ty Trung Quốc đã phát huy tác dụng và thậm chí còn được các nhà đầu tư ca ngợi. Nhưng cũng đến một ngày, sự tăng trưởng đó bắt đầu phai nhạt và có thể nhìn thấy được qua các số liệu.

Doanh số bán lẻ, thước đo sức chi của người tiêu dùng, đang bắt đầu chững lại. Mới 5 năm trước, Trung Quốc đã mở rộng nhanh gấp 2,5 lần so với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ. 

Không còn nghi ngờ gì khi nói rằng đại dịch bắt đầu từ trong nước đã gây ra thiệt hại vô cùng to lớn, người tiêu dùng không thể ra ngoài mua sắm, không cần mua ô tô chứ đừng nói đến việc đổ xăng nhưng xu hướng này đã có từ trước khi đại dịch gây ra cơn hoảng loạn diện rộng vào năm 2020. Trên thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống dưới Mỹ một năm trước khi COVID-19 xuất hiện. Và khi thế giới bước vào giai đoạn tiệm suy thoái toàn cầu, Trung Quốc dường như bị ảnh hưởng sâu sắc hơn cả Mỹ.

 

Có một xu hướng gần đây làm trầm trọng hóa vấn đề của người Trung Quốc hơn nữa, đó là cất giữ tiền thay vì chi tiêu. Điều này đã bắt đầu trước COVID-19, nhưng biến động kinh tế do phong tỏa và sản xuất bị đình trệ đã khiến tỉ lệ tiết kiệm của quốc gia tăng gần gấp đôi lên hơn 30%, với việc người tiêu dùng gửi 2.600 tỉ USD vào ngân hàng. Việc tiết kiệm không phải là nhu cầu kinh tế thật sự của Trung Quốc, nước này muốn người dân chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là khi dân số già đi và ngày càng ít hơn.

Hai trong số các lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất trong năm ngoái, theo số liệu thống kê chính thức, là các sản phẩm dầu mỏ và thuốc men. Nguyên nhân đầu tiên có thể là do giá tăng đột biến sau khi Nga tấn công Ukraine, và thứ 2 có thể là do đợt bùng phát COVID-19 mới tác động tới hàng tồn kho của các nước. Nếu không có 2 mục hàng này, doanh số bán lẻ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với mức giảm 0,25% mà Trung Quốc đã ghi nhận cho năm 2022.

Khi các công ty niêm yết lớn nhất thuộc mảng internet và tiêu dùng của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc mở rộng ra nước ngoài, họ cũng bắt đầu học hỏi từ một loạt công ty khởi nghiệp mới đã thành công, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Đáng chú ý nhất là ByteDance, sở hữu TikTok, công ty đã dấn sâu vào thị trường quảng cáo do Meta và Alphabet thống trị. Là một công ty tư nhân nhưng TikTok hoạt động bên ngoài Trung Quốc được cho là đã nhắm mục tiêu doanh thu 10 tỉ USD vào năm ngoái, mặc dù đã giảm 20% so với các mục tiêu trước đó, theo Financial Times. 

Có lẽ ví dụ điển hình nhất về một công ty Trung Quốc đang gây bão trên toàn thế giới là Shein, công ty khởi nghiệp thời trang nhanh được thành lập tại Nam Kinh, trên đà đạt doanh thu 24 tỉ USD vào năm ngoái, theo Wall Street Journal. Thành công đó đã truyền cảm hứng cho PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng mua hàng theo nhóm Pinduoduo, thử sức với thị trường Mỹ, ra mắt ứng dụng mua sắm Temu tại đây vào cuối năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm: 

Tại sao nước phát minh ra ChatGPT không phải là Trung Quốc?

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới