Kinh tế Hàn Quốc sẽ gắn chặt với lao động nhập cư
Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc dần chú trọng việc sử dụng lao động nước ngoài. Ảnh: Hiroko Oshima.
Vào khoảng thời gian sắp tốt nghiệp trung học, anh Kuda Jayantha, ở Sri Lanka bắt đầu chú ý đến các biển quảng cáo lớp học chuẩn bị cho người lao động đi làm ở Hàn Quốc. Anh đã nhìn thấy những hình ảnh về Hàn Quốc qua những bộ phim truyền hình hào nhoáng, còn quê hương thì kinh tế tăng trưởng thấp cùng tỉ lệ thất nghiệp cao. Từ đó, anh bắt đầu học tiếng Hàn và chuẩn bị thủ tục giấy tờ để xin việc làm tại các nhà máy ở quốc gia Đông Á này.
Sáu năm sau, Jayantha làm việc theo ca 12 tiếng để đúc các trục bánh xe bằng thép ở Hàn Quốc. Mặc dù việc đứng cả ngày khiến cơ thể kiệt quệ, nhưng anh hài lòng. Người đàn ông 27 tuổi nói: “Đây là một đất nước hoà bình, nếu làm việc chăm chỉ thì cũng kiếm được kha khá.”
Tầm quan trọng của lao động nhập cư
Hàn Quốc, quốc gia có luật nhập cư nghiêm ngặt, đã chấp nhận lao động nước ngoài tạm thời từ những năm 1990 để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực yêu cầu nhiều giờ làm việc, mệt mỏi và lương thấp, đặc biệt là sản xuất và nông nghiệp. Nhưng giờ đây, những người lao động như anh Jayantha đã trở nên quan trọng hơn trong tầm nhìn của chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt là đối với nền kinh tế đất nước. Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang nỗ lực tăng đáng kể số lượng lao động nước ngoài và phạm vi công việc họ có thể làm, khi đất nước tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon đã phát biểu một cách thẳng thắn trước công chúng vào tháng 7 rằng: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.
Năm nay, nước này đã tăng số lượng thị thực tối đa dành cho người lao động nhập cư từ nước ngoài lên 110.000 so với 88.000 vào năm trước, cũng là mức cao nhất mọi thời đại, tăng mạnh so với con số 51.000 trước đại dịch vào năm 2019. |
Giống như nước láng giềng Nhật Bản đang già đi nhanh chóng và đối mặt với tỉ lệ sinh thấp thuộc hàng đầu thế giới, Hàn Quốc cũng dần dần chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu lao động sẵn sàng làm việc. Nhưng trong khi Nhật Bản nỗ lực công khai để thu hút lao động có tay nghề vào các lĩnh vực như sản xuất bộ phận máy móc và dụng cụ thì lao động nước ngoài, ở Hàn Quốc lại thực hiện phần lớn các công việc phổ thông hoặc bán kỹ năng trong các nhà máy, trang trại và thủy sản.
Tuy nhiên có những dấu hiệu chỉ ra sự thay đổi trong tương lai. Các chủ doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật để lao động nước ngoài dễ dàng nhận việc hơn, đặc biệt là trong các ngành khó tuyển dụng, chẳng hạn như nhà hàng, vận hành nhà nghỉ và dịch vụ chuyển phát nhanh.
Một động thái đáng được quan tâm khác là chính phủ Seoul đã công bố kế hoạch mở đường cho Hàn Quốc, đưa người giúp việc gia đình từ những nơi khác ở châu Á đến, những người sẽ làm việc với mức lương thấp hơn so với mức lương của dân địa phương.
Ở các nền kinh tế châu Á phát triển như Hồng Kông và Singapore, các lao động từ những nền kinh tế kém phát triển hơn đã xuất ngoại để phụ việc nhà hay chăm sóc trẻ em, nhưng Hàn Quốc cho đến nay vẫn chưa làm theo, khiến các gia đình phải dựa vào người thân hoặc dịch vụ chăm sóc tư nhân đắt đỏ.
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết, việc cho phép người nước ngoài giúp việc nhà có thể giúp nước này làm chậm tốc độ giảm tỉ lệ sinh. Ông Oh nói rằng, trong khi những công việc như vậy kiếm được từ 2-3 triệu won/tháng Hàn Quốc (1.500-2.200 USD) thì chỉ kiếm được một phần nhỏ số đó ở Hồng Kông hay Singapore.
Cần cẩn trọng trong từng bước đi
Chính phủ đang tiến hành một chương trình thí điểm thu hút khoảng 100 lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này sẽ phải cẩn trọng hơn khi mở rộng thị trường việc làm cho người nhập cư.
Ngoài ra việc đảm bảo lợi ích và không bóc lột người lao động ngoại quốc cũng là một vấn đề quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm.
Lao động nhập cư tại một trang trại ở Pocheon, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Ông Ryu Ji-ho đã điều hành một trong 9 trung tâm hỗ trợ người nhập cư do chính phủ tài trợ trên toàn quốc từ năm 2007, nơi ông và nhân viên tư vấn cho các lao động nước ngoài. Mỗi tuần có khoảng 300-350 công nhân tới trung tâm để được hỗ trợ bằng 14 ngôn ngữ. Yêu cầu phổ biến nhất của họ là được hỗ trợ nhận lại số tiền lương chưa trả và hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết để thay đổi nơi làm việc.
Ông Ryu và các đồng nghiệp đang ở trong thế khó những ngày này khi có báo cáo cho rằng Bộ lao động có kế hoạch rút tài trợ cho các trung tâm hỗ trợ người lao động nhập cư trên khắp đất nước, một phần trong chiến dịch thắt lưng buộc bụng của chính quyền ông Yoon. Với số lượng lớn lao động nhập cư, nhiều người cho rằng các trung tâm hỗ trợ phải duy trì hoặc được tăng ngân sách chứ không phải cắt giảm.
Có thể bạn quan tâm:
Đẩy mạnh năng lượng tái tạo, ai chịu thiệt?
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Khánh Tú
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nhật Lệ