Hủy
Thế giới

Kinh tế nước Nga nhìn từ những thanh bơ bị đánh cắp

Hải Miên Thứ Sáu | 15/11/2024 14:24

Một khách hàng mua các sản phẩm từ sữa tại một siêu thị ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters.

 
 
Ngân hàng Trung ương Nga ước tính lạm phát nước này trong năm nay có thể lên tới 8,5%, gấp đôi mục tiêu đặt ra.

Đoạn phim an ninh tại Ekaterinburg, thủ phủ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, gần đây đã ghi lại cảnh hai người đàn ông đeo mặt nạ lẻn vào một cửa hàng sữa. Trong khi một người cố mở két tiền thu ngân, người còn lại đã đi "vơ vét" 20kg bơ.

Việc Tổng thống Vladimir Putin chi mạnh tay cho vũ khí và đạn dược đã giúp Moscow duy trì lợi thế trên chiến trường ở Ukraine, nhưng đổi lại giá cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày của người dân Nga lại đang tăng cao. Ngân hàng Trung ương Nga ước tính lạm phát có thể lên tới 8,5% trong năm nay, gấp đôi mục tiêu. Hàng tiêu dùng đang trở nên đắt đỏ hơn với tốc độ nhanh hơn: giá bơ tại quốc gia này tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, khiến một số cửa hàng phải bán bơ trong hộp nhựa có khóa từ.

Tổng thống Putin đã kêu gọi các quan chức ổn định nền kinh tế Nga và Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt lên mức kỷ lục 21 điểm vào tháng 10. Nhưng ngân sách quốc phòng vẫn không hề có dấu hiệu cắt giảm, được đặt ở mức kỷ lục 13,5 nghìn tỉ Rbs (145 tỉ USD) trong ngân sách năm tới.

Biểu đồ đường lạm phát (%) cho thấy lạm phát của Nga cao hơn nhiều so với mục tiêu 4 phần trăm của ngân hàng trung ương
Biểu đồ đường lạm phát (%) cho thấy lạm phát của Nga cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương nước này. Ảnh: FT.

Bà Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: "Đây là trường hợp điển hình của việc thúc đẩy nền kinh tế vượt quá khả năng của nó".

Chi tiêu quốc phòng cao đã dẫn đến tình trạng tuyển dụng ồ ạt trong lĩnh vực này, nơi nhiều nhà máy phải làm việc theo ba ca. Điều đó đã khiến tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục là 2,4% và buộc các chủ lao động tư nhân phải tăng lương để cạnh tranh, khiến việc tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ trở nên gần như không thể nếu không tăng giá thành.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina phát biểu trước quốc hội vào cuối tháng 10 rằng lạm phát liên tục ở mức cao là tín hiệu "cho thấy nhu cầu đã vượt xa năng lực sản xuất của nền kinh tế". Bà cho biết: “Ở một số ngành, hầu như không còn thiết bị nhàn rỗi, thậm chí cả máy móc lạc hậu”.

Việc chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng diễn ra trong bối cảnh doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa của Nga giảm, khó khăn trong việc chuyển đổi đồng rúp và áp lực từ Mỹ nhằm hạn chế thanh toán cho hàng hóa, đẩy chi phí tăng cao về phía đơn vị cung cấp các mặt hàng thiết yếu hàng ngày.

Điều đó khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu vào thời điểm mà trên thực tế nước này không có cách nào để hạn chế chi phí.

“Một năm trước, tôi đã mua cùng một bộ đồ giữ nhiệt mùa đông cho con gái mình, nhỏ hơn một cỡ. Giá đã tăng gấp đôi”, bà Maria, một người mẹ có con ba tuổi ở Moscow, cho biết. “Tôi không hiểu tại sao một số người lại nói rằng không có gì thay đổi. Họ có thể phủ nhận thực tế đến mức nào?”

Chi tiêu quốc phòng bổ sung có nghĩa là tác động của lạm phát sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ gần gũi của người Nga với ngành quốc phòng.

Trong 7 năm qua, tiền lương trong ngành CNTT, công nghiệp nặng và xây dựng đã tăng 170%, theo nhà cung cấp thống kê nhà nước Nga Rosstat. Trong khi đó, trong ngành giáo dục và dịch vụ đô thị, tiền lương đã tăng từ 10-20%.

 

Bà Nabiullina phát biểu tại Duma, hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga: “Lạm phát là khoản khấu trừ trực tiếp từ thu nhập của công dân. Tiền lương và thu nhập không tăng đối với tất cả mọi người và có sự chênh lệch đáng kể”.

Lãi suất tăng cao đã gây ra sự phản đối ngày càng lớn từ các ông trùm công nghiệp quyền lực như Sergei Chemezov, Giám đốc Điều hành tập đoàn vũ khí nhà nước Nga Rostec. Vào tháng 10, ông đã nói rằng chi phí vốn cao là một yếu tố hạn chế khả năng bán vũ khí ra nước ngoài của công ty ông.

Tổng thống Putin đã đồng tình với những lo ngại đó trong bài phát biểu về kinh tế vào cuối tháng trước, kêu gọi các quan chức duy trì “tăng trưởng mang tính xây dựng” trong hoạt động cho vay doanh nghiệp.

Nhưng bà Nabiullina cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao ở Nga thay vì chi phí vay hoặc các vấn đề về năng lực. Bà nói: "Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đột nhiên mua máy móc, công cụ bằng tín dụng giá rẻ? Thậm chí còn không có đủ người để sản xuất ra những công cụ đó", bà nói.

Có thể bạn quan tâm:

Châu Âu có nguy cơ "rét run" vì khủng hoảng khí đốt mùa đông?

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới