Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 4)
Hồi hương chủ yếu là hiện tượng của người Mỹ. Cho dù sự dịch chuyển việc làm sang châu Á cũng khiến người dân châu Âu lo lắng và sợ hãi, song hy vọng sự hồi hương của số việc làm đã mất của lục địa này rất mong manh. Một vài dấu hiệu cho thấy các công ty của Anh đang bắt đầu tìm kiếm nhà cung cấp địa phương để đơn giản hóa chuỗi cung cấp. Nhưng tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách nhà cung cấp chi phí thấp cho châu Âu lục địa sẽ tiếp tục tăng, vì một số lý do.
Thứ nhất, thị trường lao động châu Âu vẫn khá cứng nhắc và đắt đỏ, do đó, thậm chí ngay cả khi các điều kiện ở Trung Quốc và nhiều nơi khác kém triển vọng hơn, vẫn có sự chênh lệch đáng kể về chi phí lao động. Thứ hai, các công ty châu Âu ngay từ đầu đã thuê ngoài ít hơn so với Mỹ, phần nào vì nhiều yếu tố văn hóa; ví dụ, Hans Leentjes, phụ trách khu vực Bắc Âu của Manpower, cho biết, mặc dù nhiều công ty gia đình quy mô vừa của Đức, Mittelstand, bán sản phẩm ra khắp thế giới, nhưng luôn có xu hướng sản xuất ở trong nước. Châu Âu có rất nhiều công ty gia đình, và các gia đình có xu hướng trung thành hơn với nước xuất xứ của họ.
Các công ty ở Bắc Âu có xu hướng thuê ngoài nhiều nhất, trong khi các công ty Pháp, Tây Ban Nha và Italia bị nhiều áp lực chính trị và xã hội cản trở. Các quy định hạn chế việc sa thải người lao động đồng nghĩa với việc cắt giảm hoạt động sản xuất trong nước trở nên khó khăn và tốn kém. Do vậy, các công ty châu Âu đang muốn thuê ngoài nhiều hơn. Và nhiều công ty thuê ngoài của Ấn Độ hy vọng châu Âu sẽ giúp mang lại cho họ một thập kỷ tăng trưởng.
Nhiều công ty châu Âu đã xuất khẩu việc làm sang Đông Âu. Các công ty của Đức thậm chí chuyển việc làm đến một nơi liền kề: Đông Đức cũ, nơi có mức lương vẫn thấp hơn nhiều so với Tây Đức. Doanh nghiệp Pháp thường hướng đến Morocco và Romania. Mô hình “thuê ngoài gần” này tránh được một số chi phí vận tải và những khó khăn về văn hóa.
Tâm lý bầy đàn
Các công ty cần suy nghĩ cẩn trọng về cách thức gia công và thuê ngoài. Thuê ngoài những gì và như thế nào là một trong những lựa chọn quan trọng nhất đối với một công ty. Hai hãng xe hơi lớn của Pháp là minh chứng cho điều này. PSA Peugeot Citroën luôn cố gắng tìm kiếm các địa điểm xung quanh Paris có chi phí thấp hơn để đặt cơ sở sản xuất xe hơi; những năm 1950 và 1960, Citroëns mở một nhà máy tại Brittany và bắt đầu sản xuất tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Mặt khác, Renault nhất quyết theo đuổi chiến lược chi phí thấp, thành lập nhiều nhà máy ở Morocco, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania, và hiện chỉ sản xuất 1/4 số xe hơi tại Pháp. Không có gì ngạc nhiên khi Peugeot đang là hãng ở trong tình trạng tuyệt vọng về tài chính. Mùa thu năm 2012, giữa tâm bão chính trị, hãng này đã công bố kế hoạch ngừng sản xuất xe hơi tại một trong những nhà máy lớn nhất của hãng tại Aulnay-sous-Bois, ngay bên ngoài Paris. Nhưng điều đó là quá ít và quá muộn.
Cũng có nhiều công ty không thuê ngoài trên quy mô lớn, kể cả những ngành cần nhiều lao động, nhưng vẫn thành công. Zara, nhãn hiệu thời trang quan trọng nhất của Inditex, hãng dệt may của Tây Ban Nha, nổi tiếng về sản xuất quần áo thời trang cao cấp tại Tây Ban Nha và các nước lân cận như Bồ Đào Nha và Morocco.
Việc này có chi phí cao hơn tại Trung Quốc, nhưng chuỗi cung cấp linh hoạt và không tốn nhiều thời gian cho phép công ty nhanh chóng đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Công ty bán phần lớn sản phẩm nguyên giá thay vì hạ giá. Quyết định sản xuất tại nơi gần quê nhà đã trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của công ty.
Thuê ngoài có lịch sử lâu đời như chính hoạt động kinh doanh vậy. Một công ty sản xuất của thế kỷ 19 có thể sở hữu máy móc của riêng mình nhưng không có đội xe ngựa để phân phối hàng hóa. Đã có thời các tập đoàn, sở hữu mọi thứ có thể, trở nên thịnh hành, nhưng vài thập kỷ qua, các công ty/hãng đã thuê ngoài ngày một nhiều hơn với niềm tin rằng miễn là họ giữ được hoạt động “cốt lõi” tại chính quốc, phần còn lại có thể thuê ngoài một cách an toàn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Niềm tin này hóa ra không phải luôn đúng. Sau khi thuê ngoài 70% hoạt động sản xuất và phát triển siêu máy bay 787 Dreamliner với khoảng 50 nhà cung cấp, hãng chế tạo máy bay Boeing đã phải gánh chịu hậu quả là sự chậm trễ vì các đối tác thuê ngoài không thể sản xuất các bộ phận đúng hạn. Năm 2005, Deloitte Consulting tiến hành khảo sát 25 công ty lớn đang thuê ngoài, và nhận thấy 1/4 số này sớm đưa hoạt động sản xuất hồi hương vì tự họ có thể thực hiện công việc tốt hơn với chi phí thấp hơn.
Nhưng hầu hết các công ty thuê ngoài để tiết kiệm chi phí, do vậy, đẩy mạnh hơn nữa mô hình này nghĩa là chuyển việc làm đến các nước có chi phí rẻ hơn. Năm 2003, theo TPI, công ty tư vấn về thuê ngoài, khoảng 40% tổng số hợp đồng thuê ngoài do các công ty Mỹ và châu Âu ký kết kéo theo công nhân nước ngoài; con số này đã tăng lên 67%.
Đổi lại, các công ty mà quyết định thuê ngoài thường có ít lựa chọn ngoài việc thuê gia công luôn. Các công ty nội địa thường ở vị trí tốt hơn để hoạt động trong môi trường cụ thể, và họ có thể kiểm soát chuỗi cung cấp. Ví dụ, phần lớn ngành dệt may của Mỹ và châu Âu ký nhiều hợp đồng thầu phụ với các hãng nước ngoài ở Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh.
Hoạt động sản xuất hàng điện tử gia dụng phần lớn được gia công tại các nhà sản xuất lớn như Foxconn và Quanta của Đài Loan. Báo cáo này tập trung vào công việc được thực hiện ở nước ngoài, hoặc bên trong nhà máy của hãng nhưng đặt tại nước ngoài hoặc thuê nhà thầu nước ngoài, vì đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất.
Hầu hết các công ty đều chưa suy nghĩ đủ chín chắn về việc lựa chọn địa điểm sản xuất. McKinsey cho rằng “các công ty tiếp tục theo đuổi tâm lý bầy đàn” khi quyết định lựa chọn nơi đặt cơ sở sản xuất và phương thức bố trí chuỗi cung cấp. Rất nhiều công ty chỉ đơn thuần bắt chước nhau với điểm đến là các nước có chi phí thấp hoặc tự cho phép mình bị mê hoặc trước khoản tiền hỗ trợ hoặc các ưu đãi khích lệ khác của chính phủ.
David Arkless, phụ trách các công việc với chính phủ và công ty của Manpower – tổ chức chuyên tư vấn cho các công ty lớn về địa điểm đặt cơ sở sản xuất - nhớ lại câu chuyện của 2 hãng công nghệ đối thủ của nhau tại Idaho một vài năm trước. Một trong số họ chuyển hoạt động sản xuất sang bang Penang của Malaysia. Hãng kia, nhận thấy đối thủ cắt giảm 1/2 chi phí lao động và hạ 15% giá bán, cũng làm điều tương tự là chuyển hoạt động sản xuất sang Malaysia. Cả 2 nhanh chóng bắt đầu cạnh tranh giành lao động, đẩy mức lương tại Penang tăng mạnh.
Ông Arkless nhận thấy các ngành chuyển hoạt động đến Thâm Quyến cũng trong tình trạng tương tự, “trong vòng 1 năm chi phí lao động tăng lên gần bằng mức tại chính quốc”. Manpower khuyên các công ty/hãng phương Tây rằng nếu lao động chiếm 15% hoặc thấp hơn trong tổng chi phí sản phẩm, họ không nên thuê ngoài. Thậm chí nếu tỷ trọng này cao hơn, vẫn luôn có cơ hội cho hoạt động cải tiến ở trong nước.
“Chuyển đến một nơi nào đó để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ thường là giải pháp nhanh chóng và né tránh những vấn đề thực sự. Việc chuyển hoạt động sản xuất đến một nơi xa xôi, tách biệt với hoạt động nghiên cứu và phát triển là mạo hiểm bởi làm tổn hại đến năng lực cải tiến dài hạn của công ty”, ông Arkless cho biết.
Có hai nhóm vấn đề rắc rối có thể nảy sinh từ việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nhất là nếu chúng không được xem xét kỹ lưỡng. Thứ nhất là hậu cần của nguồn cung. Các công ty mở rộng sản xuất ra khắp thế giới càng nhiều bao nhiêu, họ càng dễ bị tổn thương trước tình trạng gián đoạn bấy nhiêu do những sự cố bất khả kháng và không mong muốn như thiên tai hoặc bất ổn chính trị. Thứ hai tác động đến những gì các công ty cố gắng làm: bán nhiều hơn sản phẩm cho khách hàng so với đối thủ. Thông thường, công ty ngoài càng nhiều, sự mau lẹ trong việc đáp ứng thị hiếu khách hàng càng giảm.
Nhà máy lý tưởng
Một quan niệm phổ biến trong vài thập kỷ qua là có thể tiến hành công việc sản xuất tại một nhà máy đặt ở một nơi nào đó có chi phí thấp trên thế giới, trong khi giữ lại công việc cải tiến và cải tổ quan trọng hơn ở chính quốc với chi phí cao hơn. Hoạt động sản xuất/chế tạo được coi như trung tâm chi phí, do vậy, thường được thuê ngoài. Hiện nay nhiều công ty cho rằng hoạt động sản xuất đóng góp lớn cho thành công của lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), và những cải tiến có thể diễn ra khi R&D và hoạt động sản xuất tại cùng một địa điểm, do đó, các công ty/hãng ngày càng muốn đưa hoạt động sản xuất trở lại quê nhà.
Các nhà cung cấp phụ tùng nước ngoài thường trở thành đối thủ cạnh tranh, và đối với nhiều công ty nguy cơ bị mất quyền sở hữu trí tuệ do nạn trộm cắp hoặc làm giả tại Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn rất cao. Thực tế, theo Richard Dobbs tại Viện Toàn cầu McKinsey ở Seoul, các tập đoàn của Hàn Quốc cho rằng các công ty Mỹ và châu Âu đang mắc sai lầm trong mô hình thuê ngoài cũng như trong hoạt động sản xuất, vì thuê ngoài cho phép nhiều hãng khác hiểu rõ quy trình sản xuất của họ.
Ví dụ, hãng điện tử khổng lồ, Samsung từng là đối tác thuê ngoài của nhiều công ty/hãng Nhật Bản, nhưng hiện nay Samsung đã qua mặt rất nhiều khách hàng trước đây. Các công ty của Hàn Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nhà máy của họ đặt ở nước ngoài (offshore), nhưng họ hiếm khi thuê gia công (outsource).
Nhiều công ty hiện đang xem xét lại việc thuê ngoài các chức năng quan trọng. Lenovo muốn sở hữu thêm cơ sở sản xuất của riêng họ ở Trung Quốc và những nơi khác; theo Gerry Smith, phụ trách chuỗi cung cấp toàn cầu của hãng, so với các nhà thầu nước ngoài, cơ sở sản xuất của hãng mang lại kết quả tốt hơn. Điều đó có nghĩa là đưa hoạt động sản xuất trở lại quê nhà.
Ví dụ rõ ràng nhất về cơ hội và mối nguy của mô hình thuê ngoài là quan hệ giữa Apple và Foxconn. Từ quan điểm chiến lược, có thể nói đây là mối quan hệ đối tác thành công nhất.
Năm 2010, Foxconn đã tận dụng cơ hội bằng việc đầu tư hàng tỷ USD để nâng cao năng lực tại Trung Quốc đủ để sản xuất iPhone của Apple với quy mô theo yêu cầu. Foxconn đã xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và phản ứng nhanh vô tiền khoáng hậu để phục vụ hãng công nghệ của Mỹ.
Theo tờ New York Times, mới đây, Apple quyết định thiết kế lại màn hình iPhone vào phút cuối, và Foxconn giữa đêm khuya đánh thức công nhân dậy làm việc để đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng. Rõ ràng, mối quan hệ giữa 2 hãng này rất khăng khít.
Nhưng Apple có thể đang ước rằng sẽ không phải phụ thuộc vào Foxconn nhiều như vậy. Sau hàng loạt báo cáo về điều kiện làm việc nghèo nàn của công nhân (kể cả làm ngoài giờ), giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, đã ra lệnh điều tra, và Foxconn đang thực hiện một số thay đổi. Dù vậy, tin xấu vẫn chưa dừng lại. Tháng 9/2012, Foxconn phải đóng cửa nhà máy một thời gian khi việc cãi cọ giữa các công nhân bùng phát thành cuộc bạo động quy mô lớn. Tháng 10/2012, Foxconn thừa nhận đã tuyển dụng “công nhân nội trú” với độ tuổi thấp nhất là 14.
Tháng 12/2012, Tim Cook thông báo Apple sẽ chuyển việc sản xuất máy tính Mac từ Trung Quốc về Mỹ. Theo ông, mục đích chính của việc này là tạo thêm việc làm tại Mỹ, nhưng động thái này cũng làm dịu đi các lời chỉ trích mối quan hệ đối tác của Apple với Foxconn. Hãng Đài Loan cũng cho biết sẽ mở rộng sản xuất ở Mỹ với lý lẽ rằng khách hàng quan trọng muốn nhiều công đoạn được thực hiện tại Mỹ.
Nguồn Economist/Khampha
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư