Hủy
Thế giới

Nga - Trung sắp xây khu kinh tế chung

Thứ Hai | 26/05/2014 16:03

Hai nước có thể thiết lập một khu kinh tế chung tại vùng Viễn Đông của Nga.
 

Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg (Nga), Phó chủ tịch Trung Quốc – Lý Nguyên Triều cho biết, các dự án có tầm quan trọng chiến lược sẽ là nền tảng cho quá trình hợp tác thương mại - kinh tế dài hạn: "Chúng tôi biết Nga rất quan tâm đến việc phát triển vùng Viễn Đông và coi Trung Quốc là đối tác tiềm năng. Chính phủ Trung Quốc cũng đồng ý cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây".

Ông cũng gợi ý kết hợp hai chương trình phát triển tại Viễn Đông và Đông Bắc Trung Quốc: "Chúng ta có thể phối hợp nguồn lao động, nguyên vật liệu, tài chính của hai vùng. Từ đó biến cả hai thành một thị trường lớn được phân bổ hiệu quả cả nguồn lực vốn và công nghệ, dần phát triển thành một khối kinh tế mới tại châu Á".

Việc này được công bố chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh và Moscow công bố hợp đồng khí đốt kỷ lục thời hạn 30 năm. Theo CEO Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga - Gazprom, hợp đồng này có giá 400 tỷ USD, cao nhất trong các hợp đồng hãng này từng ký.

Gazprom vẫn chưa tiết lộ giá khí đốt bán cho Trung Quốc. Trong khi đó, Aleksander Medvedev – Giám đốc bộ phận xuất khẩu của hãng cho biết giá này cao hơn 350 USD mỗi 1.000 m3 khí. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ khiến hai nước mất thêm khoảng 70 tỷ USD. Vì vậy, đây có thể là dự án lớn nhất thế giới.

Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thông qua đường ống có tên "Sức mạnh Siberia", đi qua Siberia đến vùng Đông Bắc đông đúc của Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết sẽ xây thêm đường ống dẫn khí đến các tỉnh phía Tây nước này.

Hợp đồng này được ký kết trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt lên Nga quanh vấn đề Ukraine. Đây được coi là cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo ông Reiner Hartmann – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Nga, Trung Quốc đã sẵn sàng thay thế các công ty châu Âu nếu phương Tây tiếp tục các chính sách trừng phạt mà Nga gọi là "vô trách nhiệm".

"Tôi đã nghe về việc 20 hay 57 công ty công nghệ cao của Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào thay thế Alstom, Siemens, BASF hay Bayer. Thật đáng kinh ngạc", ông cho biết trên Russia Today.

EU và Mỹ đã công bố nhiều lệnh trừng phạt lên Moscow, sau khi Crimea quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập về Nga hồi tháng 3. Các lệnh này nhằm vào chính trị gia và doanh nhân Nga, gồm cấm đi lại và đóng băng tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, chính quyền châu Âu vẫn liên tục đe dọa sẽ có các biện pháp nhắm thẳng vào các ngành kinh tế nước này.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới