Hủy
Thế giới

Người Đức đã quên siêu lạm phát

Thứ Tư | 01/01/2014 10:15

 
 
90 năm sau khi tiền tiết kiệm của cả một thế hệ bị quét sạch, mối bận tâm đối với lạm phát đã rơi vào quên lãng.

Khi Walter Baltes 5 tuổi, ông nghĩ tiền có dạng một mớ giấy bạc ngân hàng. Bà của ông mang đống giấy này đến tiệm bánh gần nhà để mua bánh mì. Thời điểm đó là năm 1923, và ông sống ở thị trấn Witten của nước Đức.

“Tôi rất thận trọng với tiền bạc, có thể nguyên nhân là do đã chứng kiến một trong những thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử”, Baltes – giờ đây đã 95 tuổi – trả lời trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến lạm phát cao đến như vậy, tôi chẳng nhìn thấy nguy cơ nào có thể dẫn đến lạm phát”.

Không biết đến khái niệm lạm phát

90 năm sau khi tiền tiết kiệm của cả một thế hệ bị quét sạch, mối bận tâm đối với lạm phát đã rơi vào quên lãng. Một nghiên cứu mới được Bundesbank công bố cho thấy lo lắng lạm phát sẽ khiến toàn bộ tiền tiết kiệm biến mất chỉ là mối quan ngại của những công dân cao tuổi, bộ phận thất nghiệp và người có thu nhập thấp. Phần lớn những người tham gia khảo sát đều dự báo lạm phát của Đức sẽ ở mức 2% trong 12 tháng tới.

Thậm chí, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi không biết đến khái niệm “lạm phát”. Nhà nghiên cứu Rolf Buerkl cho rằng người Đức không hề lo sợ lạm phát. Lo ngại về lạm phát đã dấy lên khi đồng tiền chung euro được giới thiệu năm 2002, nhưng chúng đã không trở thành sự thực.

Nỗi lo lạm phát biến mất là bằng chứng rõ ràng về một nước Đức hoàn toàn bình thường gần 70 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Xu hướng này càng tăng lên dưới thời Thủ tướng Angela Merkel – người có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình hoạch định chính sách ở châu Âu trong suốt thời kỳ khủng hoảng nợ.

Thời kỳ siêu lạm phát trong quá khứ của nước Đức - lên đến đỉnh điểm vào năm 1923, xuất phát từ sự kiến chấm dứt chế độ bản vị vàng – thường được các nhà sử học nhận định là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Adolf Hitler lên nắm quyền. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong năm 1920 và 1921, lạm phát đã khiến đồng mark suy yếu, thúc đẩy xuất khẩu và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn 1,8% trong năm 1921.

Khi lạm phát lên đến đỉnh điểm vào tháng 11/1923, 1 USD có giá trị tương đương với 4.200 tỷ mark. Giá trị của tiền tệ sụt giảm quá nhanh chóng, đến nỗi tiền lương được trả hàng ngày. Mọi người nhét đầy tiền trong túi xách và vali, chen chúc trong các cửa hàng để đổi tiền lấy hàng hóa nhanh nhất có thể. Rất nhiều người bắt đầu bán hàng hóa và dịch vụ chỉ để có thể đổi lấy thực phẩm và than đá sưởi ấm, một số khác đồng loạt đóng cửa ngừng kinh doanh.

ECB học theo Bundesbank

Bundesbank – NHTW đầu tiên được trao quyền độc lập hoàn toàn – đã luôn luôn ghi nhớ bài học trong quá khứ. Không giống như NHTW Anh hay Cục dự trữ liên bang, NHTW Đức không chính thức chịu trách nhiệm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và cũng không đóng vai trò là người cho vay cuối cùng. Nhiệm vụ hàng đầu của Bundesbank – theo như những gì ghi trong văn bản thành lập năm 1957 – là bảo vệ sự ổn định của giá cả.

Triết lý này dường như cũng đã trở thành mục tiêu của NHTW châu Âu (ECB) khi cơ quan này lãnh trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của các nước eurozone kể từ tháng 1/1999. Quan tâm đến tính tin cậy của đồng tiền chung mới ra đời và được thúc đẩy bởi nước Đức, các “kiến trúc sư” của Hiệp ước Maastricht đã đi theo mô hình của Bundesbank model. ECB không chỉ không có được sự độc lập mà còn lấy ổn định giá cả làm mục tiêu hàng đầu.

Người Đức đã quên siêu lạm phát (2)
ECB đặt ra mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát của eurozone ở mức dưới 2% trong trung hạn. ECB cũng dự báo lạm phát sẽ được giữ ở dưới mức mục tiêu này cho tới năm 2015. Tháng 12, ECB dự báo lạm phát năm 2014 và 2015 chỉ lần lượt ở mức 1,1% và 1,3%, trong khi Chủ tịch Mario Draghi nhắc đi nhắc lại cam kết giữ chi phí đi vay ở mức thấp trong một thời gian dài nữa.

Ông Draghi cũng đã cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu lấy đồng euro. Trong các biện pháp bất thường mà ECB sử dụng có bao gồm cả chương trình mua trái phiếu đối lập với truyền thống của Bundesbank.

Thái độ của người Đức phản ánh quan điểm của Draghi. Kết quả thống kê của Google Trends ở Đức cho thấy trong thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 8/2013, từ khóa “lạm phát” được sử dụng với tần suất giảm 27% so với cùng kỳ năm 2009. Ngược lại, lượng tìm kiếm với các từ khóa “thuê nhà”, “giá xăng” và “thuế” tăng lên.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được Ủy ban châu Âu (EC) công bố tháng 11, tỷ lệ người dân châu Âu lo lắng về lạm phát cao vẫn ở mức 13,3%, lo lắng về lạm phát vừa phải ở mức 43,6%. Đây là tỷ lệ tương đương với thời kỳ đồng euro ra đời năm 1999.

Sự khác biệt ở đây là người Đức không lo sợ lạm phát bằng người dân châu Âu. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy người Đức ít lo lắng về lạm phát hơn so với người Anh, Pháp hay Áo và lo nhiều hơn một chút so với người Phần Lan.

Bert Ruerup – cựu chủ tịch của hội đồng cố vấn kinh tế cho bà Merkel – cho rằng người Đức ngày nay được giáo dục tốt hơn và phần lớn nhận thức rằng siêu lạm phát có mối quan hệ mật thiết với thất bại trong chiến tranh và giờ đây đã lùi xa.

Cũng có người nhận định nỗi lo sợ lạm phát biến mất của tài sản của người Đức tăng lên. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương danh nghĩa của người Đức đã tăng 1,3% trong quý III năm 2013.
Baltes cho biết ông đang sống tốt nhờ vào tiền lương hưu ổn định. Tuy nhiên, Baltes cũng cảm thấy khó hiểu trước cách tiêu tiền hiện nay của giới trẻ. Con trai ông vừa mua một chiếc xe thể thao với giá 90.000 euro.

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới