Hủy
Thế giới

Nhật Bản mang quà tới Campuchia, thách thức Trung Quốc

Chủ Nhật | 17/11/2013 15:06

HunSen nói với Thủ tướng Nhật Bản rằng nước ông muốn tăng cường hợp tác và thiết lập mối quan hệ chiến lược với Tokyo.
 

Ngày 16/11, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm Campuchia và hội đàm với người đồng cấp Hun Sen tại Phnom Penh. Hun Sen đã nói với Thủ tướng Nhật Bản rằng nước ông muốn tăng cường hợp tác và thiết lập mối quan hệ chiến lược với Tokyo.
Nhật cam kết tăng ODA cho Campuchia

Tại cuộc hội đàm đã nhất trí cùng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đầu tư tại Campuchia.

Hai bên cũng thỏa thuận sẽ xúc tiến mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ y tế của Nhật Bản, tăng cường viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Campuchia.

Tại Hội đàm hai bên cũng nhắc tới vấn đề hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Thủ tướng Abe nhân dịp này cũng giới thiệu về “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” do chính ông đưa ra và mong muốn rằng vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết thỏa đáng bằng Luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Campuchia Hunsen
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Campuchia Hunsen

Đáp lại, ông Hun Sen khẳng định Campuchia sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Nhật Bản sau khi khẳng định vai trò và đóng góp của Tokyo.

Hai bên đã đồng ý việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình Campuchia, Tokyo và Phnom Penh cũng thống nhất việc sớm kết thúc tiến trình đàm phán COC để ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.
Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau hội đàm đã nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tăng viện trợ ODA cho Campuchia, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến đầu tư tại Campuchia”.

Mặt khác, Tuyên bố chung giữa hai nước cũng nói rõ việc hai nước sẽ thường xuyên tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư, xem xét và thực hiện việc miễn thị thực đối với doanh nhân hai nước.

Ở lĩnh vực y tế, Nhật Bản sẽ chia sẻ kinh nghiệm ở lĩnh vực Bảo hiểm y tế, tăng cường hoạt động liên quan tới dịch vụ y tế ở Campuchia.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Nhật Bản có lẽ sẽ khiến Trung Quốc phải lo lắng. Campuchia là nước thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á mà Thủ tướng Abe tới thăm kể từ khi nhậm chức tới nay, đặc biệt, nước này vốn được coi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 9,17 tỉ USD để viện trợ và đầu tư vào nước này.

Các khoản viện trợ này đều được Trung Quốc tuyên bố “không ràng buộc”, hay nói cách khác, cho đi mà không cần nhận lại. Bằng khoản tiền khổng lồ đó, Trung Quốc đã gây áp lực lên Campuchia về mặt chính trị để qua đó tạo được lợi thế trong quan hệ với các quốc gia ASEAN.
Chính phủ Campuchia đã mô tả Trung Quốc như “một người bạn lớn tuổi, một tình bạn đã trở lại sau một thời gian dài bị chia cắt trong lịch sử, sống sót qua nhiều lần thay đổi chế độ”. Trung Quốc đã luôn luôn “đưa tay giúp đỡ” người láng giềng của mình, nhằm kéo lại sự trung thành của Campuchia.
Nhật Bản quyết "phân cao thấp" với Trung Quốc
Nỗi lo của Trung Quốc bị Nhật Bản tranh giành quyền ảnh hưởng tại một số quốc gia trở nên nặng nề hơn khi thời gian qua, quan hệ Trung-Nhật ngày càng căng thẳng bởi tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Thậm chí, 'hỏa lực mồm' Trung Quốc còn dọa cho Nhật Bản 'ăn đạn thật'.
Báo chí Trung Quốc cho rằng thời gian gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục có nhiều tuyên bố cứng rắn.
Trong các hội nghị cấp cao tại Đông Nam Á vừa qua, Nhật Bản đã thể hiện rất rõ tham vọng mở rộng vai trò của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe công khai đứng về phía Philippines trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines. Đặc biệt lập trường của Nhật Bản đối với tranh chấp đảo Senkaku ngày càng cứng rắn.
Tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Washington và cho biết, chỉ cần Nhật Bản đồng ý đảo Senkaku có tranh chấp, hai bên sẽ có thể ngồi xuống để đàm phán. Nhưng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đáp lại rằng, đảo Senkaku không có bất cứ tranh chấp chủ quyền nào, đồng thời kiên trì đàm phán song phương không được có bất cứ tiền đề nào.
Gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần tuyên bố: "Nhật Bản đã quay trở lại". Tuyên bố này chính là để cho Trung Quốc nghe. Nhật Bản thậm chí tuyên bố có thể bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc nếu xâm phạm không phận Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đáp lại bằng cách tiếp tục điều 4 tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, đồng thời tiến hành cuộc diễn tập thực binh biển xa quy mô lớn nhất trong lịch sử Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Gần đây nhất, ngày 16/11, một chiếc máy bay do thám TU-154 của Trung Quốc đã bay gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản phải điều động máy bay chiến đấu cất cánh.

Nguồn Báo Đất Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới