Số nợ đã tăng thêm 17,5 tỷ euro kể từ thông báo trước đó của BankItalia, chủ yếu là từ khoản nợ đến hạn phải trả của khu vực hành chính công.

Thông báo này được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Ủy ban về tiền tệ và chính sách tài chính của EU chỉ trích Italy đã không có những biện pháp hiệu quả để kìm hãm số nợ công đang ngày càng phình ra và rất khó kiểm soát.

Ủy viên về tiền tệ và tài chính Olli Rehn thậm chí cho biết Ủy ban châu Âu đang "theo dõi chặt chẽ" sự mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô của Italy, do nợ công quá cao trong khi mức độ cạnh tranh của nền kinh tế lại tương đối thấp.

Trước đó, EU cũng đã bày tỏ quan ngại về điều này sau khi chính phủ của Thủ tướng đã từ chức Enrico Letta thông qua luật ngân sách 2014 vào cuối năm ngoái.

Sau khi kế nhiệm ông Letta vào tháng 2/2014, Thủ tướng Matteo Renzi đã công bố một gói cải cách kinh tế, bao gồm giảm thuế cho người lao động thu nhập thấp và đưa ra một số biện pháp thu hút đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế Italy.

Tuần trước, chính phủ cũng đã thông qua một chương trình kinh tế và tài chính mới, với tên gọi "Tài liệu về Kinh tế và Tài chính" (DEF), với mục đích cân đối ngân sách và tìm cách giảm nợ công cho đến 2016.

Theo tài liệu này, chính phủ Italy dự kiến nợ công sẽ lên đến mức cao nhất là 134,9% vào cuối năm 2014.

Theo nhật báo kinh tế hàng đầu Italy "Mặt trời 24 giờ," nợ công quá cao đã tạo ra những áp lực nặng nề lên nền kinh tế Italy và sẽ ngày càng trở nên căng thẳng hơn nếu như những biện pháp cải cách mà chính phủ đưa ra không có hiệu quả.

Vào cuối năm ngoái, Italy đã chấm dứt được suy thoái. Tuy nhiên, người ta chưa nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng của một sự phục hồi.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Italy đang ở mức kỷ lục 12,9%, cao hơn mức trung bình của các nước trong khối EU./.