Nỗi lo không tưởng của nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới
Khách du lịch tập trung tại một danh lam thắng cảnh nổi tiếng nơi có thể cùng nhau ngắm núi Phú Sĩ và hoa anh đào. Ảnh: Kyodo.
Lần gần nhất bà Mitsue Nagasaku đi nghỉ ở nước ngoài là vào mùa hè năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Gần 4 năm sau, biên giới Nhật đã mở trở lại, nhưng bà vẫn nhất quyết ở nhà.
“Kỳ nghỉ nước ngoài gần đây nhất của tôi là gặp bạn bè ở Arizona, Mỹ. Tôi rất muốn quay lại lần nữa, nhưng không phải trong năm nay”, người phụ nữ 44 tuổi sống ở Yokohama chia sẻ với South China Morning Post.
Nhiều bạn bè của bà Nagasaku cũng có tâm lý ngại đi du lịch tương tự. “Đối với chúng tôi, lo ngại lớn nhất là chi phí, theo sau là làn sóng COVID-19 mới có thể xuất hiện ở đâu đó trên thế giới”, bà nói.
Du khách mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc và chụp ảnh trong chuyến thăm Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA-EFE |
Nỗi lo toàn dân
Trong tuần trước, các quan chức y tế Nhật đã cảnh báo về khả năng xảy ra làn sóng COVID-19 thứ 9 vào mùa hè này, làn sóng này có khả năng sẽ khiến số ca mắc tăng cao hơn làn sóng trước, còn người cao tuổi và người mắc bệnh về đường hô hấp đối mặt với nguy cơ tử vong.
Các phương tiện truyền thông Nhật gần đây cũng đã đưa tin về sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.16 Omicron, đã được phát hiện ở 20 quốc gia và được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các ca bệnh mới ở Ấn Độ.
Đối với nhiều người Nhật, chi phí du lịch nước ngoài là trở ngại lớn nhất. Các chuyến bay đắt hơn trước đại dịch do có ít đường bay quốc tế hơn. Trong khi đó, đồng yen đang yếu hơn nhiều loại tiền tệ, đặc biệt là USD, biến Nhật thành điểm đến tương đối rẻ với khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, lạm phát trong nước khiến giá lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng chủ lực khác tăng lên, trong khi viễn cảnh suy thoái chưa biến mất.
Vượt qua nỗi sợ
Cũng có ý kiến cho rằng, ít người Nhật có thể đi du lịch hơn vì hộ chiếu của họ hết hạn trong đại dịch và họ không thèm gia hạn.
Đầu năm nay, công ty du lịch lớn trong nước, JTB Corp, ước tính khoảng 8,4 triệu người Nhật sẽ đi du lịch vào năm 2023, mức tăng gần 300% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 40,4% của năm 2019.
Nghiên cứu dự đoán khoảng 200.000 người Nhật sẽ đi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng sắp tới (ngày 29/4-5/5), chỉ bằng 20% so với năm 2019.
“Khi các hạn chế phòng COVID-19 dần nới lỏng, việc bán các tour du lịch nước ngoài trọn gói hoạt động trở lại, trong khi số lượng khách đi nước ngoài đang tăng lên, nhưng với tốc độ chậm”, ông Kaori Mori, phát ngôn viên của JTB, cho biết.
Ông Mori tin quá trình phục hồi tiếp tục diễn ra từ từ, có thể tận cuối năm 2025, Nhật mới chứng kiến các con số trở lại mức năm 2019.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang là một điểm đến hấp dẫn, khi giới trẻ Nhật quan tâm đến ẩm thực, thời trang và phong cách sống, còn các chuyến bay giữa 2 nước thì ngắn và rẻ. Tương tự, Thái Lan, Đài Loan và Hawaii cũng đang thu hút sự chú ý. Mặt khác, các kỳ nghỉ ở bãi biển tại khu vực Đông Nam Á và Quần đảo Thái Bình Dương phần lớn bị bỏ qua vì vấn đề chi phí.
Một điểm cộng cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương là du khách Nhật đang tránh các điểm đến ở châu Âu do lo ngại xung đột ở Ukraine và chi phí chuyến bay cao hơn, khi các hãng hàng không phải vật lộn với giá nhiên liệu và buộc phải thực hiện các tuyến đường dài hơn để tránh không phận Nga.
Cơ quan Du lịch Nhật (JTA) đang nỗ lực đưa ra một loạt chính sách mới, với mục tiêu đầy tham vọng khuyến khích khoảng 20 triệu người đi du lịch nước ngoài từ nay đến cuối năm.
JTA tăng cường quan hệ với các nước đối tác và ký kết thỏa thuận quảng bá các điểm du lịch, giới thiệu chiến dịch nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, thúc đẩy các chuyến tham quan giáo dục ở nước ngoài và nêu bật những biện pháp an toàn sức khỏe đã áp dụng tại các điểm đến.
Ông Hiroyuki Takahashi, người đứng đầu Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật, kêu gọi công chúng vượt qua nỗi sợ đại dịch COVID-19 và đi nghỉ nhiều hơn.
“Dòng người đi du lịch đang phục hồi khá nhanh trên toàn cầu, nhưng Nhật tụt lại phía sau, đặc biệt là du lịch nước ngoài”, ông nói. “Tôi hiểu đó là vấn đề trong suy nghĩ của người Nhật, họ lo sợ bị nhiễm virus”.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp toàn cầu vỡ nợ nhiều nhất kể từ năm 2020
Nguồn SCMP
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn