OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo khủng hoảng niềm tin
Angel Gurria, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra lời cảnh báo này trong báo cáo triển vọng kinh tế hàng năm. Ông Gurria đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 và dự đoán, hoạt động kinh tế và thương mại sẽ chỉ tăng trưởng ở mức trung bình.
Đồng thời, ông cũng dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm nhẹ và nhấn mạnh rằng, điều kiện tài chính và tín dụng chặt chẽ hơn sẽ kéo giảm các nền kinh tế mới nổi.
OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 xuống 3,4% từ mức dự báo 3,6% trong tháng 11/2013 nhưng vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2015 ở 3,9%. OECD dự báo, 34 nước thành viên sẽ tăng trưởng ở tốc độ 2,2% trong năm 2014 và 2,8% trong năm tới.
Tăng trưởng của kinh tế Mỹ dự báo sẽ ở mức 2,6% trong năm 2014 và 3,5% trong năm 2015 trong khi kinh tế của khu vực đồng euro dự báo sẽ tăng trưởng ở 1,2% trong năm nay và 1,7 trong năm tiếp theo. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 1,2% cho đến tận năm 2015.
Ngược lại, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 7,4% trong năm nay từ mức 7,7% của năm 2013 và tiếp tục giảm về 7,3% đến năm 2015. Hơn nữa, OCED cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc chưa chắc sẽ suy thoái và đổ vỡ.
Ông Gurria cho biết thêm, các nhà hoạch định chính sách đang khá tự mãn vì cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008.
Thông qua dự báo hàng năm, OECD muốn nhấn mạnh rằng, cải cách cơ cấu là điều cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng và triển vọng việc làm, đồng thời giảm bớt sự mất cân bằng ngoại lực và gánh nặng tài chính dài hạn.
OECD cũng dự báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ chỉ giảm nhẹ với ước tính sẽ có thêm 11,25 triệu người thất nghiệp vào cuối năm 2015.
Các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng không đồng đều do thế giới thắt chặt hoạt động kiểm soát tài chính, tín dụng và chính sách, như việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông Gurria nhấn mạnh rằng, niềm tin vào hệ thống chính trị, doanh nghiệp lớn và tổ chức đa quốc gia đã bị phá hủy, gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thực hiện cải cách cơ cấu.
Ông nhận định, những nước ở khu vực châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công, như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland, đã rất nỗ lực trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế trong khi đó, các nước khác lại ngày càng tự mãn với những gì đã làm được.
Nguồn Theo DVO/CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư