Hủy
Thế giới

Pháp là nước tiếp theo rơi vào vòng xoáy khủng hoảng eurozone?

Thứ Ba | 26/06/2012 10:56

Thâm hụt ngân sách tăng, nợ công leo lên mức kỷ lục khiến Pháp nguy cơ trở thành nước tiếp theo rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.
 

Pháp là một trong những nước tán thành nhiệt tình nhất ý tưởng thành lập liên minh ngân hàng ở châu Âu, với một cơ quan giám sát tập trung, cơ chế đảm bảo tiền gửi chung cùng quỹ hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn. Đồng thời, Pháp cũng thúc giục các biện pháp tức thời bảo vệ các ngân hàng gặp khó khăn như trực tiếp tái cấp vốn các ngân hàng từ các quỹ cứu trợ, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Đức.

Nicholas Spiro, người đứng đầu công ty tư vấn Spiro Sovereign Strategy nhận định, Pháp đẩy mạnh vận động các kế hoạch cứu châu Âu, đơn giản vì họ biết rõ mình sẽ là nước tiếp theo sau Italia rơi vào khủng hoảng.

Khủng hoảng nợ đang lan rộng từ Hy Lạp, sang Ireland, Bồ Đào Nha, những nước đã yêu cầu cứu trợ quốc tế. Tây Ban Nha cũng vừa yêu cầu cứu trợ các ngân hàng nước này. Cộng hòa Síp có thể sắp yêu cầu cứu trợ. Trong khi đó, chi phí vay mượn của Italia đang tăng gần tới mức nguy hiểm.

Chi phí vay mượn của Tây Ban Nha và Italia dịu đi đôi chút do hy vọng hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tuần này có thể đưa ra các tiếp cận táo bạo mới ngăn chặn khủng hoảng. Nếu điều này không xảy ra, lợi suất trái phiếu các nước này có thể vượt qua tầm kiểm soát, buộc họ phải yêu cầu cứu trợ quốc tế.

Mặc dù, hiện tại lợi suất trái phiếu Pháp đang thấp kỷ lục do các nhà đầu tư vẫn kiếm tìm tài sản tương đối an toàn của một nước châu Âu chủ chốt, có lợi suất hấp dẫn hơn trái phiếu Đức. Tuy nhiên, tình hình tài chính Pháp không vững chắc như Đức, và các ngân hàng nước này rủi ro lớn với Hy Lạp và Italia, buộc Pháp có trách nhiệm với khủng hoảng châu Âu.

Các hãng xếp hạng tín dụng liên tục lặp lại Pháp có thể bị hạ bậc tín nhiệm nếu chính phủ Pháp buộc phải hỗ trợ các ngân hàng nước này. Standard & Poor's tháng 1/2012 đã hạ 1 bậc tín nhiệm Pháp từ AAA. Một hãng tín nhiệm nhỏ hơn, Egan-Jones hạ bậc tín nhiệm Pháp xuống BBB- đầu tháng này, phần nào do các lo ngại từ ngành ngân hàng nước này.

Ngoài ra, Moody's cũng hạ bậc các ngân hàng của Pháp bao gồm BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole, khi cho rằng mức độ Pháp phải chuẩn bị tài trợ cho các ngân hàng của mình hiện tại khó tính toán.

Bên cạnh đó, tổng nợ công của Pháp lên tới khoảng 90% GDP và đang tăng, trong khi các ngân hàng nước này dễ bị ảnh hưởng bởi các nền kinh tế rủi ro nhất khu vực đồng euro (eurozone).

Từng là chủ nợ hàng đầu của Hy Lạp, các ngân hàng Pháp đã lặng lẽ rút khỏi nước này. Nhưng trong khi không còn nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp, các ngân hàng Pháp như Credit Lyonnais và Societe Generale vẫn có các công ty con ở đây.

Trong khi đó, BNP Paribas, BPCE, Credit Agricole, Societe Generale và Dexia nắm giữ tổng cộng 32,5 tỷ euro trái phiếu chính phủ Italia. Moody's cũng đặc biệt lưu ý tới BNP Paribas còn có chi nhánh BNL với khoản nợ 71 tỷ euro, và 11 tỷ euro trái phiếu chính phủ Italia.

Ngân hàng Pháp - Bỉ Dexia,  là ngân hàng rủi ro nhất với nợ chính phủ Italia, với 11,7 tỷ euro nợ. Ngân hàng này đã yêu cầu 2 gói cứu trợ trong 3 năm qua, và đang tồn tại nhờ 55 tỷ euro bảo đảm từ Pháp, Bỉ và Luxembourg. Hơn nữa, ngân hàng vừa yêu cầu số tiền trên được tăng lên 90 tỷ euro, gần với 100 tỷ euro Tây Ban Nha yêu cầu cho toàn bộ hệ thống ngân hàng của mình.

Cổ phiếu ngân hàng Pháp cũng như chi phí vay của các ngân hàng cũng tăng cùng với nợ chính phủ Italia, chứng tỏ các nhà đầu tư nhận thấy vận mệnh các ngân hàng nước này gắn liền với khả năng Italia có thể tránh khỏi khủng hoảng nợ hay không.

Nguồn Reuters/ DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới