Hủy
Thế giới

Sắp có khủng hoảng tài chính tương tự các năm 1929, 2000 và 2008?

Thứ Sáu | 09/12/2016 12:43

Hệ số CAPE đã quay lại mức báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới, tương đương các cuộc khủng hoảng lớn trong vòng 100 năm qua.
 

Chỉ số S&P500 đang đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử, nhờ tín hiệu lạc quan về các chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Dù vậy, vài nhà hoạch định chiến lược ở Phố Wall đang ngày càng lo lắng về một chỉ số mang tên CAPE, vốn đã chạm mức báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng tương tự các cuộc khủng hoảng lớn trong vòng 100 năm qua.

CNBC dẫn lời chuyên gia Alan Newman hồi cuối tháng 11, cho biết hệ số tỷ lệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận P/E điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế (CAPE) giờ đang ở mức trên 27. Trước đây, CAPE chỉ vượt qua mốc này 3 lần, và sau đó lần nào cũng có khủng hoảng lớn: đại suy thoái năm 1929, vỡ bong bóng ngành công nghệ năm 2000, cũng như khủng hoảng bất động sản và chứng khoán năm 2008.

Sap co khung hoang tai chinh tuong tu cac nam 1929, 2000 va 2008?
Hệ số CAPE đang ở mức cao tương tự các cuộc khủng hoảng trong 100 năm trở lại đây. Nguồn: CNBC/Multpl.com

Newman cho biết, ngay cả nếu lợi nhuận của thị trường tăng lên 10% nhờ các chính sách của ông Trump, thì "chúng ta vẫn đang đối mặt với viễn cảnh tương tự, khi mức định giá bị thổi phồng quá cao trên một quy mô quá lớn".

Được tạo nên bởi giáo sư kinh tế Robert Shiller của Đại học Yale, hệ số CAPE được tính toán bằng cách lấy giá cổ phiếu chia cho lợi nhuận trung bình trong 10 năm của chỉ số chứng khoán, đã được điều chỉnh theo lạm phát.

Nghiên cứu của Shiller chỉ ra rằng tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán 10 năm tới có tương quan trái ngược với hệ số CAPE (nghĩa là nếu CAPE cao thì mức độ sinh lời sẽ thấp), ở mức độ tương đối. Shiller đã đoạt giải Nobel kinh tế vào năm 2013 cho nghiên cứu về sự định giá và tính không hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Các nhà nghiên cứu khác cũng đồng ý rằng hệ số CAPE ở mức cao 27,7 như hiện tại là dấu hiệu đáng ngại.

"Khi CAPE ở mức rất cao (trên 27,6) thì tỷ suất sinh lời bình quân của thị trường chứng khoán 10 năm tới sẽ thấp hơn mức lợi suất trung bình của trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm", Valentin Dimitrov và Prem C. Jain viết trong bài nghiên cứu "Shiller's CAPE: Market Timing and Risk" (tạm dịch: Hệ số CAPE Shiller: Rủi ro và thời gian của thị trường") đăng hôm 17/11.

Nếu chỉ dựa trên hệ số P/E, thì cũng có thể thấy mức định giá cổ phiếu đang lên quá cao. P/E của nhóm S&P500 dựa trên lợi nhuận trong 12 tháng qua là 18,9, mức cao nhất trong hơn 12 năm qua, theo FactSet.

"Mức định giá chứng khoán Mỹ đang khá cao khi so sánh với cơ sở lịch sử lẫn các công ty cùng ngành và cùng quy mô (peer group). Có một điều chắc chắn là dựa trên hệ số PE Shiller thì thị trường chứng khoán có vẻ đang quá đắt", chiến lược gia về chứng khoán toàn cầu Sean Darby tại Jefferies cho biết hôm 29/11.

Trường Văn

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới