Tầng lớp trung lưu Ấn Độ chật vật đối mặt với lạm phát lương thực
Trung tâm mua sắm ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Người dân thành thị Ấn Độ đang cắt giảm chi tiêu cho mọi thứ, từ bánh quy đến thức ăn nhanh vì lạm phát liên tục ở mức cao đang siết chặt ngân sách của tầng lớp trung lưu, đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước.
Việc chi tiêu ở thành thị chậm lại trong ba đến bốn tháng qua không chỉ gây tổn hại đến thu nhập của các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất mà còn làm dấy lên câu hỏi về động lực thúc đẩy sự thành công dài hạn của nền kinh tế Ấn Độ.
Kể từ khi đại dịch kết thúc, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phần lớn nhờ vào mức tiêu dùng ở thành thị, tuy nhiên, hiện nay động lực đó dường như đang thay đổi.
Chủ tịch Nestle Ấn Độ, ông Suresh Narayanan, cho biết: "Trước đây, có một phân khúc trung lưu, vốn là phân khúc mà hầu hết các công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như chúng tôi nhắm vào, nhưng hiện tại có vẻ tầng lớp đó đang thu hẹp lại."
Nestle Ấn Độ, công ty sản xuất Kit Kats và nhiều mặt hàng nổi tiếng khác, đã báo cáo doanh thu quý đầu tiên sụt giảm kể từ quý II/2020 do ảnh hưởng của COVID.
Mặc dù không có ngưỡng thu nhập chính thức nào được xác định cho các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, nhưng ước tính chung họ chiếm 1/3 trong số 1,4 tỉ người dân Ấn Độ.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán lạc quan đó là những dấu hiệu cho thấy sự suy thoái mạnh mẽ trong lĩnh vực hộ gia đình.
Theo chỉ số do Citibank công bố, mức tiêu thụ tại đô thị của Ấn Độ đã chạm mức thấp nhất trong hai năm qua vào tháng này, bao gồm các chỉ số như đặt vé máy bay, doanh số bán nhiên liệu và tiền lương. Nhà kinh tế Samiran Chakraborty của Citi tại Ấn Độ cho biết: "Mặc dù một số sự sụt giảm có thể chỉ là tạm thời, nhưng các động lực vĩ mô chính vẫn không thuận lợi".
Dữ liệu từ Citi cho thấy, mức tăng trưởng tiền lương đã điều chỉnh theo lạm phát - một thước đo thu nhập của người dân thành thị Ấn Độ, vẫn ở mức dưới 2% trong cả ba quý của năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,4% trong 10 năm.
Ônh Chakraborty coi đây là yếu tố chính tác động đến tiêu dùng ở thành thị, cùng với việc tiết kiệm giảm và các quy định chặt chẽ hơn về vay vốn cá nhân.
Lạm phát danh nghĩa trung bình tại Ấn Độ là 5% trong 12 tháng qua, nhưng lạm phát thực phẩm vẫn ở mức trên 8% vì thời tiết bất lợi làm tăng giá rau, ngũ cốc và các loại thực phẩm thiết yếu khác. Vào tháng 10, lạm phát bán lẻ đạt mức cao nhất trong 14 tháng là 6,2% trong khi giá thực phẩm tăng vọt lên 10,9%.
Dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong mùa lễ hội năm 2024, diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11, Ngân hàng Nomura cho biết trong một lưu ý vào tuần trước, chỉ bằng khoảng một nửa tốc độ của năm ngoái.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ dự kiến GDP tăng trưởng 7,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025 nhờ nhu cầu ở nông thôn được cải thiện và ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ.
Ông Rahul Bajoria, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Ấn Độ và ASEAN tại Bank of America, cho biết mức đầu tư cao hơn của chính phủ cũng có thể hỗ trợ nhu cầu.
Một số người kém lạc quan hơn dự kiến tăng trưởng GDP trong quý III sẽ không đạt được mức dự kiến là 7% của Ngân hàng Trung ương, do mức tiêu dùng ở thành thị chậm lại.
Sự bi quan đó đã ảnh hưởng đến cổ phiếu tiêu dùng với chỉ số Nifty FMCG giảm 13% kể từ ngày 1/10, so với mức giảm 7,4% của chỉ số chuẩn Nifty 50. Trong số 15 công ty thành viên của chỉ số FMCG, chỉ có một công ty báo cáo mức tăng trưởng về khối lượng bán hàng trong quý III.
Người tiêu dùng ở các thành phố lớn đang chuyển từ các sản phẩm có thương hiệu, từ dầu dưỡng tóc cho đến trà, sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn nhưng không có thương hiệu. Điều này được thể hiện qua mức sụt giảm doanh số đầu tiên trong 11 quý đối với nhóm thực phẩm và đồ uống giải khát tại Hindustan Unilever.
Người tiêu dùng cũng đang cắt giảm việc ăn uống bên ngoài. Báo cáo thu nhập cho thấy doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng của các chuỗi thức ăn nhanh như McDonald's, Burger King, Pizza Hut và KFC đều giảm.
Trong khi mọi người vẫn đi ăn ngoài, họ đang lựa chọn những bữa ăn rẻ hơn, ông Rajeev Varman, CEO của Burger King, nhà điều hành Restaurant Brands Asia cho biết sau khi công bố doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng trong quý giảm 3%.
Ông Avinash Crasto, 37 tuổi, Giám đốc tiếp thị và bán hàng tại Mumbai, có gia đình bốn người và tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, cho biết: "Chúng tôi thích những cửa hàng giá cả phải chăng, có nhiều ưu đãi và giảm giá để quản lý chi tiêu hàng tháng của mình".
Có thể bạn quan tâm:
Châu Âu có nguy cơ "rét run" vì khủng hoảng khí đốt mùa đông?
Nguồn Reuters
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nhật Lệ
-
Ông Chen Chia Ken, Chứng khoán Phú Hưng
Năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam