Hủy
Thế giới

Thời cơ cho ngân hàng trung ương Myanmar

Thứ Tư | 12/06/2013 21:12

NHTW Myanmar đang đứng trước thời cơ chuyển đổi từ mô hình trực thuộc sang định chế độc lập chính phủ, khi dòng vốn FDI chảy vào như “trời mưa, nước trút”.
 

Mô hình ngân hàng trung ương của mỗi quốc gia cũng như hình thức tổ chức của bất kì định chế xã hội nào, bao giờ cũng chịu tác động bởi 3 yếu tố: thói quen văn hóa, quan điểm chính trị và nhu cầu hiện có của nền kinh tế.

Nhìn xuyên suốt lịch sử ngành ngân hàng trên thế giới, trong mối quan hệ giữa NHTW với chính quyền, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: có 2 trường phái chính. Thứ nhất, NHTW là một định chế độc lập và thứ 2, NHTW trực thuộc chính phủ.

Thử nhìn lại mô hình NHTW hiện tại của Myanmar và phải chăng sự lựa chọn lâu nay, sẽ cần phải thay đổi?

Cho đến hiện nay, NHTW Myanmar vẫn là một bộ phận trực thuộc Bộ Tài chính nước này, cho nên NHTW theo trường phái thứ 2 – mô hình trực thuộc chính phủ. NHTW Myanmar nằm dưới quyền quyết định của thủ tướng Thein Sein.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Myanmar, tại Yangon.
Trụ sở ngân hàng trung ương Myanmar, tại Yangon.

Sự lựa chọn này có vẻ xa lạ với các nước phương Tây như Mỹ, Anh hay các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), nơi mà những quyết sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTW Anh (BOE) hay NHTW châu Âu (ECB) được phép hoàn toàn không phụ thuộc vào chính phủ. Định chế độc lập trên phù hợp trên khía cạnh văn hóa, với tư tưởng đề cao tự do, dân chủ luôn thịnh hành tại các nước phương Tây.

Tuy nhiên, trường phái thứ 2 lại quen thuộc ở hầu khắp khu vực châu Á. Trong giai đoạn tiền phát triển (1960-1990), sự thành công của các con rồng Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là minh chứng thích hợp của mô hình tập quyền về tổ chức với văn hóa Á Đông.

Myanmar cũng là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, tư tưởng khiến cho mô hình NHTW trực thuộc chính phủ dễ dàng được chấp nhận.

Bên cạnh thói quen văn hóa, yếu tố thứ 2 luôn được nhấn mạnh trong bất kì lựa chọn nào –

Lịch sử chính trị-xã hội Myanmar ghi dấu 124 năm đấu tranh trong thời kì thực dân, từng là thuộc địa của Anh và Nhật Bản, cho đến năm 1948 Myanmar mới được Anh trao trả độc lập.

Trong thời kì độc lập, Myanmar liên tiếp hứng chịu các cuộc đảo chính quân sự. Khởi đầu là cuộc đảo chính của tướng Ne Win (1962), sau đó cuộc chính biến do đại tướng Saw Maung cầm đầu đã gây nên khủng hoảng chính trị năm 1988, rồi phong trào chống chính phủ của bà Aung San Suu Kyi cuối những năm 1990,…

Tình hình bất ổn chính trị triền miên tại Myanmar, khiến cho mỗi chính phủ khi lên nắm quyền đều dùng mọi biện pháp nhằm mục đích lớn nhất là duy trì sự thống trị. Dù là chính sách kinh tế (tiền tệ, tài khóa) hay xã hội, ngoại giao,… tất cả đều phục vụ cho chế độ tập quyền cao độ của chính phủ đương thời.

Do vậy, điều tất yếu phải xảy ra: chính sách tiền tệ luôn là một biện pháp của chính sách cai trị nói chung. Hơn nữa, nhìn vào cách tổ chức hiện nay tại Myanmar, NHTW trực thuộc Bộ Tài chính, không quá phóng đại khi nói rằng: Tiền tệ là người hầu gái cho tài khóa và cho chính phủ đang trị vì.

, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Myanmar trước đây không lớn và thường một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển sẽ phải trải qua mô hình NHTW trực thuộc, trước khi chuyển đổi sang mô hình độc lập ở trình độ phát triển cao sau này.

Như vậy, cả 2 yếu tố văn hóa, chính trị và kinh tế đều cho thấy: sự lựa chọn mô hình NHTW trực thuộc chính phủ là hợp lý đối với Myanmar trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế sẽ thấy hiệu quả kinh tế đạt được không cao, nhất là khi bối cảnh hội nhập đã thay đổi hoàn toàn, liệu sự lựa chọn này có trở nên lỗi thời?

Chính sách tiền tệ - "người hầu gái" cho chính sách tài khóa

Chi tiêu chính phủduy trì ở mức cao trong giai đoạn 2000-2010, tương ứng lượng tín dụng cung cấpcho chính phủ cũng gần ngang bằng. Có thể thấy, nguồn thu từ thuế không bù đắpnổi chi tiêu ngân sách, mà chủ yếu được tài trợ bằng các khoản vay nợ.

NHTW Myanmar phải in nhiều tiền để tài trợ cho chi tiêu chính phủ, khiến lạm phát tăng tới 2 con số. (Nguồn: IMF).

NHTW Myanmar phải in nhiều tiền để tài trợ cho chi tiêu chính phủ, khiến lạm phát tăng tới 2 con số. (Nguồn: IMF).

Dường như mọi nguồn lực đáng lẽ được dùng để phát triển kinh tế, đã chuyển sang dùng để củng cố chính trị. Chi tiêu chính phủ lớn nhưng không phục vụ cho đầu tư. Bằng chứng là chi tiêu chính phủ lên tới 60% GDP năm 2006, trong khi tỷ lệ đầu tư của Myanmar thấp nhất trong khối nước Đông Nam Á. Rõ ràng, chính phủ Myanmar đã lạm dụng tiền nhằm phục vụ cho chính trị thay vì kinh tế.

Chi tiêu chính phủ cao, nhưng tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế Myanmar nằm trong nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, trung bình 14,2%. (Nguồn: ADB).
Chi tiêu chính phủ cao, nhưng tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế Myanmar nằm trong nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, trung bình 14,2%. (Nguồn: ADB).

Người dọn dẹp không ai khác ngoài NHTW. Để tài trợ cho các khoản chi tiêu và thâm hụt ngân sách chính phủ, buộc NHTW phải cho chính phủ vay. Nhưng cần lưu ý rằng, mức nợ chính phủ trong giai đoạn 1998-2008 trung bình xấp xỉ 100% GDP.

Nợ chính phủ tăng cao. (Nguồn: Bộ Tài chính Myanmar).
Nợ chính phủ liên tục ở mức cao trong giai đoạn 1998-2008.
(Nguồn: Bộ Tài chính Myanmar).
Ngoài khác khoản nợ, NHTW còn có nhiệm vụ bù đắp thâm hụt ngân sách cho chính phủ Myanmar. Tình trạng thâm hụt ngày càng nghiêm trọng từ năm 2001 đến nay, gây ra áp lực ngày càng lớn cho NHTW.

Thâm hụt ngân sách chính phủ Myanmar bắt đầu trầm trọng từ năm 2000 cho đến nay. (Nguồn: Bộ Tài chính Myanmar).
Thâm hụt ngân sách chính phủ Myanmar bắt đầu trầm trọng từ năm 2001 cho đến nay.
(Nguồn: Bộ Tài chính Myanmar).

Tài trợ cho chính phủ bằng cách in thêm tiền sẽ lành mạnh nếu có tài sản đảm bảo (vàng, chứng thư vàng, tài sản cố định,…). Ngược lại, khi in tiền quá tay và không có tài sản đảm bảo, chắc chắn lạm phát cao là điều nền Myanmar không thể tránh khỏi.

Không còn tin tưởng đồng kyat đã mất giá, không chấp nhận thứ thuế ngầm đang bào mòn giá trị tài sản (thuế lạm phát), người dân Myanmar quay sang sử dụng đô la Mỹ, khiến cho tình trạng đô la hóa nền kinh tế trở nên phổ biến.

Quyết định thả nổi đồng kyat hồi tháng 4/2012, được coi như sự công nhận thất bại của chính phủ Myanmar sau nỗ lực cố định tỷ giá đã quá chênh lệch với thị trường chợ đen.

Để cho nhân dân mất niềm tin vào đồng nội tệ chính là thất bại lớn nhất của bất kì NHTW nào trên thế giới và không may, đó lại chính là trường hợp của NHTW Myanmar.

Chừng nào còn mang phận "người hầu gái" cho chính sách tài khóa, cho chính phủ, chừng đó các nhà quản lý có thể viết thêm nhiều cái gạch đầu dòng về thất bại của NHTW Myanmar, thành công duy nhất sẽ được chính quyền ghi nhận. Còn về phía người dân, họ được hứa hẹn sẽ được sống trong nền chính trị ổn định hơn, nhưng phải chấp nhận đánh đổi bằng kinh tế. Một cái giá quá đắt, trong khi họ hoàn toàn không có quyền mặc cả.

Thay đổi theo thời thế: “Trời mưa, nước trút”

Theo nguồn tin từ Wall Street Journal, Khin Saw Oo - phó giám đốc bộ phận chống rửa tiền của NHTW Myanmar, cho biết, tổng thống Thein Sein chắc chắn sẽ ký thành luật lập ra một ngân hàng trung ương độc lập trước khi phiên họp quốc hội bế mạc vào cuối tháng 7.

Động thái trên cho thấy nhiều khả năng NHTW sẽ chuyển sang mô hình độc lập với chính phủ. Chủ động hoàn toàn trong chính sách tiền tệ, Myanmar mới có thể ứng phó kịp thời trước những dòng vốn nóng sắp chảy vào thị trường và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tác động gia tăng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được ví như “trời mưa, nước trút” cho nền kinh tế “khô hạn” vốn, làm mở rộng tài khoản bên CÓ trong bảng cân đối kế toán của NHTW, có nghĩa cần một cân đối lớn bên nợ. Ngoài FDI, xu hướng tất yếu là sự ra đời của thị trường chứng khoán thúc đẩy nguồn vốn, nguy cơ tấn công tiền tệ đòi hỏi một NHTW thực sự mạnh và độc lập.

Trên hết, NHTW đóng vai trò đầu tàu của hệ thống ngân hàng Myanmar truyền thống, bảo thủ và chậm chạp, trước hết đầu tàu này cần thay đổi. Mô hình độc lập đòi hỏi sự phối hợp chính sách hài hòa giữa tiền tệ-tài khóa, cũng như khả năng ứng biến trong nền kinh tế mở, chắc chắn sẽ phức tạp hơn giai đoạn đóng cửa, cấm vận trước đây.

Mở cửa hội nhập đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Myanmar nhưng thách thức ngầm cũng không ít. Chính trị thay đổi, nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế và nhu cầu đầu tư nước ngoài vào Myanmar tăng lên đáng kể là một thời cơ tốt, một lý do chính đáng cho sự lột xác của NHTW, để thoát khỏi thân phận là người hầu gái cho tài khóa, thoát ra khỏi cái bóng của chính phủ và chính quyền quân sự.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới