Hủy
Thế giới

Trung Quốc sẽ phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

Thứ Sáu | 21/08/2015 11:35

PBOC sẽ phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu như chính sách can thiệp thị trường tiền tệ khiến lãi suất tăng lên mức gây tổn thương nền kinh tế.
 

6 tháng qua, NHTW Trung Quốc (PBOC) đã bơm một lượng tiền kỷ lục vào thị trường tài chính để đảm bảo rằng chương trình can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán USD sẽ không tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nước này đã thất bại khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn tăng lên.

Kể từ ngày 11/8 (khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ) đến hôm qua (20/8), lãi suất tái chiết khấu qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng tổng cộng 24 điểm cơ bản, lên mức cao nhất 4 tháng. Lãi suất vẫn tăng sau khi PBOC bơm 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23 tỷ USD) vào thị trường thông qua các hợp đồng repo. Ngoài PBOC cũng cung cấp cho thị trường 110 tỷ nhân dân tệ thông qua chương trình cho vay trung hạn.

Tuần qua nhân dân tệ đã ổn định trở lại sau khi giảm 3% vì những thay đổi trong chính sách điều hành tỷ giá. PBOC đã phát đi thông cáo rằng không có lý gì để phá giá một lần nữa. Tuy nhiên, theo giới phân tích dự báo, kể từ nay đến cuối năm PBOC sẽ phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 100 điểm cơ bản để tăng thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Ngân hàng JPMorgan Chase đã nhận định PBOC cần phải bán USD nhiều hơn nếu muốn định hình lại kỳ vọng của nhà đầu tư.

Đến hết tháng 7, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 315 tỷ USD, xuống còn 3.560 tỷ USD. Theo tính toán của Bloomerg, nhân dân tệ giảm 1% so với USD sẽ khiến 40 tỷ USD vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc.

Theo Wang Ming, COO của quỹ đầu tư Shanghai Yaozhi, có vẻ như PBOC đang lưỡng lự không muốn sử dụng một “liều thuốc mạnh” như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, rất có thể PBOC sẽ bắt buộc phải làm như vậy nếu như can thiệp vào thị trường tiền tệ trong một thời gian dài khiến lãi suất tăng lên mức có thể làm tổn thương nền kinh tế.

Những phiên giao dịch sau khi phá giá, đồng nhân dân tệ đã giảm giá liên tiếp. Tốc độ giảm giá quá nhanh làm dấy lên những lo ngại rằng Trung Quốc đang chuyển sang chính sách phá giá nội tệ để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất 6 năm.

Nguồn Trí thức trẻ/Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới