Trung Quốc thành địa hạt mới cho kỹ sư “Made in Japan”
Hàng nghìn kỹ sư công nghệ Nhật Bản với kỹ năng của mình đã giúp các tập đoàn Nhật Bản vượt lên mọi đối thủ trong những năm 1980. Nhưng đến nay, những người này đang hưởng thụ một cuộc sống mới tại Trung Quốc.
Masayuki Aida, 59 tuổi, kỹ sư khuôn mẫu với 30 năm làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Tokyo, đã nhiều năm sống và làm việc tại Đông Quan – trung tâm sản xuất công nghiệp ở đồng bằng sông Châu phía Nam Trung Quốc – cho biết “Giờ tôi đang phát triển sự nghiệp của mình không phải ở Nhật Bản mà ở một nước khác”.
Đối với Aida và nhiều người ở độ tuổi gần về hưu (60 tuổi) như ông thì lựa chọn rất đơn giản: hoặc ngồi nhà với vài năm không có thu nhập khi Nhật Bản nâng độ tuổi nhận lương hưu hoặc làm việc cho các công ty Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Aida – kỹ sư chuyên chế tạo khuôn mẫu sản phẩm từ đồ chơi, tai nghe cho đến máy pha cà phê - cho biết: “Người ta không còn sản xuất sản phẩm ở Nhật Bản nữa. Tôi muốn truyền lại cho các thế hệ mai sau toàn bộ kiến thức và công nghệ về khuôn đúc mà tôi có được”.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, chỉ riêng tại Đông Quan – một thành phố hơn 8 triệu dân - có đến 2.800 người Nhật Bản đang sống và làm việc.
Lần đầu tiên Nhật Bản hứng chịu tình trạng chảy máu chất xám ngành công nghệ vào khoảng 20 năm trước khi các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG “lôi kéo” rất nhiều kỹ sư chất bán dẫn và máy gia dụng từ các hãng điện tử lớn của Nhật.
“Rõ ràng, các nước mới nổi đang được hưởng lợi miễn phí từ những gì mà Nhật Bản nuôi dưỡng. Và đây thực sự là một vấn đề lo ngại”, Yasushi Ishizuka, giám đốc phòng chính sách sở hữu trí tuệ - Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Bản, cho biết.
Từ đó, các nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc đã nhanh chóng chen chân vào top hàng đầu thế giới. Trong khi đó, những người khổng lồ công nghệ của Nhật Bản lại gặp khó khăn. Sony, Panasonic và Sharp, 3 nhà sản xuất TV lớn nhất Nhật Bản, dự kiến thua lỗ 21 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào 31/3, một phần do sự cạnh tranh của người Hàn Quốc.
Trung Quốc đang thừa hưởng công nghệ của Nhật Bản
Theo các nhà phân tích, tuy rất nhiều kỹ sư Nhật Bản đang sống và làm việc tại Trung Quốc không sở hữu công nghệ tiên phong, nhưng về lâu dài việc này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vì họ sẽ trao cho các nhà sản xuất Trung Quốc kỹ năng để sản xuất hàng hóa chất lượng cao một cách hiệu quả.
Trung Quốc đang thúc giục các công ty nước này tiến hành cải tiến, nhưng theo nhiều chuyên gia hệ thống giáo dục vốn đề cao “học vẹt” đang là rào cản thực sự. Do đó, đối với nhiều công ty, thuê/mua tài năng là phương thức nhanh nhất.
“Kỹ năng về sản xuất như chế tạo khuôn đúc là những gì mà các công ty có được sau nhiều năm thử và sai. Sự di cư của kỹ sư Nhật Bản sẽ giúp làm tăng chất lượng sản phẩm do công ty Trung Quốc sản xuất và cho phép họ sản xuất hiệu quả”, Morinosuke Kawaguchi, trợ lý giám đốc tại Công ty tư vấn quản lý Arthur D Little ở Tokyo cho biết.
Theo ông Aida, kỹ năng của các kỹ sư Trung Quốc 10 năm qua đã cải thiện đáng kể. “Lần đầu tôi đến Trung Quốc, một sản phẩm được coi là tốt miễn là nó không bị vỡ thành từng mảnh. Nhưng kể từ đó, kỹ sư Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ và kỹ năng mới”, Aida cho biết thêm.
Điều này được thể hiện trong số liệu thương mại. Xuất khẩu sản phẩm điện tử và điện máy giá trị cao của Trung Quốc quý I/2012 đạt 253 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng năm ngoái.
Tại sao Nhật Bản để mất dần nhân tài?
Những gì tiện nghi và thuận tiện dễ dàng tìm thấy tại hầu hết các thành phố Nhật Bản thì thực sự là hàng hiếm tại khu công nghiệp ở ngoại ô Đông Quản nơi Oka và Aida sống, 100km về phía bắc Hong Kong.
Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng duy nhất. Hầu hết taxi ở đây hoạt động không có giấy phép, khiến người nước ngoài dễ trở thành con mồi của nạn “chặt chém”. Bên cạnh đó, móc túi và trộm cắp cũng rất phổ biến.
Tuy nhiên đó lại không phải là vấn đề với ông Aida. “Tôi lớn lên trong thời kỳ hậu chiến khi mọi thứ còn rất hỗn loạn. Do vậy, môi trường xung quanh không phải là vấn đề với tôi”, Aida cho biết.
Nhiều người Nhật Bản sang sống và làm việc ở Đông Quản để vợ con họ ở lại quê nhà. Họ sống trong cái mà ở Nhật Bản được coi là căn hộ tồi tàn và dành thời gian rảnh rỗi để chơi golf hoặc uống rượu bia cùng với những người bản xứ ở một vài quán ăn kiểu Nhật xung quanh thành phố.
Các nhà phê bình gọi làn sóng kỹ sư Nhật Bản đi sang Hàn Quốc là “kẻ phản bội” vì đã truyền bí kíp công nghệ cho đối thủ. Mặc dù kỹ sư Nhật sang Trung Quốc không bị chỉ trích nặng nề như vậy, nhưng nhiều người vẫn thắc mắc về động cơ của họ.
Ông Oka cho biết động cơ chủ yếu là muốn chu cấp cho gia đình. “Chúng tôi sẽ nghỉ hưu khi 60 tuổi nhưng sẽ làm gì cho đến 63 hay 65 tuổi khi chúng tôi bắt đầu nhận lương hưu? Chúng tôi không cảm thấy có lỗi. Có gì sai khi làm việc cho những người trao cho bạn việc làm?”
Người sử dụng lao động cũng như chính phủ Nhật Bản cho biết họ gần như không thể làm gì để ngăn cản tình trạng chảy máu chất xám công nghệ và kỹ năng. Trong khi đó, Aida cho biết văn hóa luôn muốn sản phẩm hoàn hảo của người Nhật đã khiến nhiều kỹ sư kiệt sức. “Yêu cầu chất lượng của người Nhật thật quá mức. Điều đó khiến người ta không còn muốn làm việc ở đất nước này nữa”, ông nói.
Nguồn Reuters/DVT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư