Hủy
Thế giới

Vaccine hết sốt

Văn Quốc Thứ Ba | 26/04/2022 07:30

Đến giữa tháng 3/2022, có 104 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân hằng tuần. Ảnh: TL.

Nhu cầu tiêm chủng đã giảm phân nửa kể từ đầu năm nay, kéo lùi doanh thu của các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19.
 

Airfinity, một tổ chức phân tích dữ liệu y tế, cho biết tốc độ tiêm chủng đã sụt giảm nhanh chóng khi số ca lây nhiễm do biến thể Omicron giảm mạnh trong những tuần gần đây. Đến giữa tháng 3/2022, có 104 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân hằng tuần, so với 212 triệu liều trong tuần đầu của tháng 1. Kết quả, Airfinity dự báo doanh số bán vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu (không tính vaccine Trung Quốc) sẽ chỉ đạt 6 tỉ liều trong năm 2022, giảm từ mức dự báo trước đó là 9 tỉ liều.

Tổ chức phân tích dữ liệu này cũng giảm dự báo doanh số bán vaccine phòng COVID-19 năm 2022 chỉ còn 64,1 tỉ USD, thấp hơn đáng kể so với dự báo 3 tháng trước đó là 80,9 tỉ USD. Năm ngoái các nhà sản xuất vaccine gồm Pfizer, BioNTech, Moderna, AstraZeneca, J&J và Novavax ghi nhận tổng doanh số bán vaccine phòng COVID-19 vào khoảng 61 tỉ USD.

 

Vaccine BioNTech/Pfizer và Moderna dự kiến chiếm lĩnh thị trường vaccine phòng COVID-19 năm nay, đạt doanh số bán lần lượt 36,4 tỉ USD và 18,7 tỉ USD (với tổng thị phần 88%), giảm 15% và 27% so với dự báo trước đó. Doanh số bán vaccine Oxford/AstraZeneca và J&J dự kiến đạt lần lượt 3 tỉ USD và 2,87 tỉ USD. Người chơi mới Novavax dự kiến đạt doanh số 2,74 tỉ USD so với dự báo trước đó của Airfinity là 4,61 tỉ USD.

Bức tranh này cho thấy vaccine phòng COVID-19 khó lòng tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà sản xuất. Matt Linley, Giám đốc Phân tích của Airfinity, nhận xét: “Thị trường vaccine đã đi từ chỗ nhu cầu cao và nguồn cung ít ỏi xuống nhu cầu thấp, nhiều lựa chọn hơn và thái độ do dự của người dân đối với việc tiêm mũi tăng cường”. “Với các biến thể Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, người dân không thiết tha với mũi tăng cường. Số liệu từ các chương trình tiêm mũi 3 và mũi 4 ở Israel và Chile cho thấy tỉ lệ tiêm đã giảm tới 25% đối với mũi 3 và 50% đối với mũi 4”, Linley nói thêm.

Linley cho biết câu chuyện này tương tự ở các quốc gia phát triển khác trong khi tại những nước thu nhập thấp, thái độ do dự tiêm vaccine và thách thức logistics trong khâu phân phối là nguyên nhân làm sụt giảm nhu cầu. Mới đây, Moderna cũng xác nhận thông tin Liên minh châu Phi và chương trình quốc tế Covax đã quyết định không mua thêm 332 triệu liều vaccine Spikevax của Hãng. Theo đánh giá của Airfinity, 241 triệu liều vaccine COVID-19 được mua bởi các nước G7 và EU đã không được sử dụng và hết hạn vào giữa tháng 3 năm nay.

 

Tuy vậy, các nhà sản xuất vẫn đặt niềm tin vào triển vọng của vaccine phòng COVID-19. Paul Burton, Giám đốc Y dược của Moderna, tin rằng vẫn cần đến các mũi tăng cường vì hiệu quả bảo vệ của các mũi trước đó sẽ giảm dần theo thời gian, đặc biệt trước sự xuất hiện của các biến thể Omicron, vốn khác hoàn hoàn với phiên bản virus ban đầu.

Ngoài ra, Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, cho biết cũng cần quan tâm đặc biệt đến các nhóm rủi ro cao như người lớn tuổi và những người rối loạn suy giảm miễn dịch. Đó là lý do Moderna đã vạch ra tầm nhìn cho các mũi tăng cường với một loại vaccine có thể bảo vệ con người trước ít nhất 2 biến thể virus Corona và kết hợp vaccine phòng COVID-19 với vaccine phòng các virus theo mùa khác như cảm cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và một loại virus Corona khác gọi là Endemic Human Coronavirus, vốn gây ra các bệnh nghiêm trọng hằng năm, đặc biệt cho người trên 80 tuổi.

Triển vọng của vaccine phòng COVID-19 nằm ở cách các nhà lãnh đạo y tế trên thế giới nhận định như thế nào về mức độ cần thiết của các mũi tăng cường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu đặt dấu hỏi về tính cần thiết của các mũi tăng cường khi các nước có độ phủ tiêm vaccine thấp nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm. 

Gần đây, Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, cũng cho rằng các dữ liệu đang đưa ra bằng chứng mạnh mẽ và thuyết phục về lợi ích của mũi tăng cường. Theo một nghiên cứu mới đây của Cơ quan An ninh Y tế Anh, các mũi tăng cường có hiệu quả bảo vệ lên tới 75% đối với Omicron.

Hiện tại, Moderna đang phát triển một mũi tăng cường nhắm đến biến thể Omicron để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vào mùa thu này. “Chúng ta cần phải thận trọng đi trước virus, chứ không phải bị nó bỏ lại”, CEO Moderna Stephane Bancel nói.

giới phân tích cho rằng thời hái ra tiền nhờ vaccine COVID-19 dường như sắp chấm dứt cho các nhà sản xuất vaccine, vốn đang nỗ lực phát triển các loại thuốc mới để duy trì đà tăng trưởng của mảng này. Ảnh: TL.
Giới phân tích cho rằng thời hái ra tiền nhờ vaccine COVID-19 dường như sắp chấm dứt cho các nhà sản xuất vaccine, vốn đang nỗ lực phát triển các loại thuốc mới để duy trì đà tăng trưởng của mảng này. Ảnh: TL.

Moderna đã ký các thỏa thuận mua vaccine với tổng số tiền ứng trước trị giá 18,5 tỉ USD khi Anh, Hàn Quốc và Thụy Sĩ gần đây đặt mua các mũi tăng cường cho mùa thu này. Stephane Bancel cho biết Công ty có thể cung cấp 2-3 tỉ liều tăng cường trong năm nay. 

Dù vậy, giới phân tích cho rằng thời hái ra tiền nhờ vaccine COVID-19 dường như sắp chấm dứt cho các nhà sản xuất vaccine, vốn đang nỗ lực phát triển các loại thuốc mới để duy trì đà tăng trưởng của mảng này. “Năm nay COVID-19 vẫn còn là cỗ máy hái ra tiền nhưng các công ty đã đưa thông điệp rất rõ ràng là họ đang đa dạng hóa và phát triển những dòng sản phẩm mới, trong đó có vaccine phòng bệnh hô hấp, kết hợp cả cảm cúm, virus Corona và virus hợp bào hô hấp”, Roger Song, chuyên gia phân tích tại Jefferies, nói. 

Theo Roger Song, thị trường vaccine ngừa COVID-19 có lẽ sẽ chuyển sang một thị trường tiêm chủng bổ sung hằng năm trong vòng một vài năm, có thể trị giá khoảng 5-10 tỉ USD.
 

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới