Hủy
Thế giới

Vòng xoáy nợ công Hy Lạp

Thứ Ba | 30/06/2015 14:12

 
 
Sau 5 năm tìm kiếm giải pháp nhưng Hy Lạp vẫn không thoát khỏi vòng xoáy của khủng hoảng nợ.

Một ngày thứ Hai đen tối tại Hy Lạp khi toàn bộ các ngân hàng của nước này đã phải đóng cửa sau khi cuộc đàm phán cứu trợ của các chủ nợ quốc tế đổ vỡ và NHTW châu Âu (ECB) quyết định không tung “phao cứu trợ” cho các ngân hàng Hy Lạp. Cùng nhìn lại quá trình dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng của Hy Lạp.

Khởi nguồn cuộc khủng hoảng

Quay ngược về quá khứ, căn nguyên sâu xa của cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ chính sách duy trì đồng Euro mạnh và lãi suất quá thấp trong những thập kỉ qua ở châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho Hy Lạp vay những khoản nợ khổng lồ lên đến 400 tỷ USD. Việc vay nợ này mục đích che giấu thâm hụt ngân sách sau khi hoang phí tổ chức Olympic 2004. Khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái thì cũng là lúc nền kinh tế Hy Lạp bộc lộ rõ những yếu kém.

Cuộc khủng hoảng của Hy Lạp chính thức bắt đầu vào tháng 12/2009 khi nước này phát hiện ra tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ 12,7% GDP, chứ không phải 3,7% như chính phủ tiền nhiệm công bố trước đó. Điều này dấy lên nỗi lo ngại của các chủ nợ và lãnh đạo các nước Eurozone.

Những nỗ lực giải cứu

Khả năng vỡ nợ của Hy Lạp đã đẩy thị trường tài chính thế giới vào tình trạng bất ổn, gây sụp đổ dây chuyền của các tổ chức tài chính trong khối EU, buộc các nhà lãnh đạo phải nhóm họp và đưa ra các gói cứu trợ cho Hy Lạp.

Gói cứu trợ thứ nhất lên tới 52 tỉ euro mà liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trao cho Hy Lạp năm 2010 trong khuôn khổ quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Đổi lại Hy Lạp phải đồng ý các biện pháp thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ngân sách. Nhưng gói cứu trợ này cũng không đủ lực để kéo kinh tế Hy Lạp đi lên, nên một lần nữa Hy Lạp phải cầu cứu liên minh châu Âu.

Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn nghi ngại khả năng trả nợ của quốc gia này nên đẩy lãi suất đối với trái phiếu chính phủ lên cao khiến Hy Lạp phải cầu cứu đến gói cứu trợ lần thứ 2 trị giá 130 tỷ euro để cứu quốc gia này cũng như để giảm thiểu tác động xấu đến khu vực đồng euro. Đổi lại Hy Lạp cam kết cắt giảm nợ công xuống khoảng 121% GDP đến năm 2020.

Hệ quả của chính sách thắt lưng buộc bụng

Mỗi lần nhận gói cứu trợ từ những chủ nợ, chính phủ Hy Lạp phải cam kết áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng: giảm lương khu vực công, tăng thuế và giảm lương hưu. Chính sách này đã gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng và gây nên sự sụt giảm mạnh trong tiêu dùng. Năm 2010, GDP giảm 25%, lương công chức giảm 40%, thất nghiệp lên tới 28%.

Nên ngay cả khi đã nhận gói cứu trợ Hy Lạp vẫn luôn phải đối mặt với việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Đây là một điều không thể cho Hy Lạp khi thâm hụt ngân sách tăng cao, nền kinh tế khá yếu với khả năng cạnh tranh thấp.

Bế tắc

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 2 gói cứu trợ đã được đưa ra, tình hình kinh tế Hy Lạp vẫn đang rất u ám. Mới đây cuộc họp giữa các chủ nợ với Hy Lạp không được thống nhất. Chính phủ Hy Lạp từ chối chính gói cứu trợ thứ 3 và sẽ có cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới. Hiện tại khoản nợ của Hy Lạp đã lên tới 320 tỷ euro, tương đương 175% GDP, khoản nợ IMF 1,6 tỷ euro đáo hạn vào 30/6 tới. Chính phủ đã không còn nguồn tài chính để trả nợ. Các ngân hàng phải đóng cửa. Tính đến 27/6 có đến 500 trong số 7.000 cây ATM của nước này không còn tiền. Một bài toán khó giải cho các nhà chức trách nước này.

Kịch bản cho Hy Lạp

Trước tình hình người dân xếp hàng để rút tiền tại các ngân hàng tại thời điểm này có thể dẫn đến kịch bản Hy Lạp phải ra khỏi eurozone và quay trở lại đồng tiền drachma. Điều này sẽ làm tê liệt hệ thống ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế, kéo theo sự sụp đổ nền kinh tế trong tương lai

Kịch bản khá hơn nếu các quốc gia châu Âu nỗ lực giữ gìn khối liên minh châu Âu bằng cách giải cứu Hy Lạp lần nữa. Để ngăn chặn hiệu ứng domino sự sụp đổ của Hy Lạp sang các quốc gia khác, đồng thời ngăn Hy Lạp tách ra khỏi quỹ đạo của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Nếu không các quốc gia chấu Âu cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề và phải mất nhiều năm sau đó để khắc phục.

Sau gần 5 năm rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công, Hy Lạp vẫn đang loay hoay chưa tìm ra hướng đi mới khi thời hạn kết thúc gói giải cứu của các nước dành cho quốc gia này và thời hạn thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF sẽ diễn ra vào 30/6. Năm năm là khoảng thời gian không phải quá ngắn nhưng cho thấy các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hy Lạp không cải thiện được tình hình mà càng làm xấu đi. Chất lượng cuộc sống người dân càng đi xuống, thất nghiệp gia tăng, hệ thống ngân hàng phải đóng cửa. Khi mạch máu nền kinh tế dừng hoạt động thì sự sụp đổ là điều có thể dự đoán trong tương lai.

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới