Hủy
Thế giới

Xanh hóa dầu cọ

Thứ Ba | 11/08/2015 14:00

Một số công ty dầu cọ lớn nhất thế giới đang chuyển hướng sang phương thức trồng trọt bền vững hơn.
 

Cầm quả cọ dầu trong lòng bàn tay, khó ai tưởng tượng được loại quả có hình thoi thoi màu cam đỏ, không lớn hơn hạt dẻ là mấy này lại có nhiều vấn đề đến vậy. Tại Carey Island, một đồn điền do tập đoàn trồng cọ dầu của Malaysia Sime Darby quản lý, có hơn 1 triệu cây dầu cọ được trồng, bao phủ cả một vùng rộng lớn nằm ở rìa xa nhất của Kuala Lumpur. Các công nhân đang cắt những buồng quả cọ, có buồng to hơn quả banh, đổ tràn ra cả mặt đất. Và tại một nhà máy cũ kỹ, những quả cọ dầu này được ép và khử trùng bằng hơi nước để lấy dầu cung cấp ra cho thị trường quốc tế. 

Carey Island là gương mặt đại diện cho một ngành đang gây hại nghiêm trọng cho môi trường. Do nhu cầu tăng mạnh đối với dầu thực vật, trong 2 thập niên qua, sự sinh sôi nảy nở của những đồn điền cây cọ dầu quy mô lớn đã phá hủy nhiều mảng rừng nhiệt đới, giải phóng một lượng khổng lồ khí carbon vào trong không khí.

Đó là lý do dầu cọ đã trở thành kẻ tội đồ trong mắt các nhà hoạt động môi trường. Tại các nước đang phát triển, đối với nông dân, trồng trọt trên những cánh rừng nguyên sinh sẽ dễ dàng hơn và có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc cố công cải thiện năng suất trên diện tích gieo trồng hiện có. Trồng trọt do đó bị mất cân bằng nghiêm trọng giữa tăng trưởng và môi trường hơn hầu hết các ngành khác.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của dầu cọ đối với đời sống con người. Dầu cọ được dùng làm dầu ăn là nhiều nhất. Nó cũng có mặt trong mọi thứ từ sôcôla cho đến dầu gội đầu. Dầu cọ cũng có thể làm thành nhiên liệu sinh học. Về lý thuyết, dầu cọ có thể tốt cho môi trường: so với các loại cây trồng khác như đậu nành hoặc hướng dương, chỉ cần 1/10 hoặc 25% diện tích đất trồng cây cọ dầu để sản xuất ra lượng dầu tương đương (cây cọ dầu chỉ phát triển tốt ở các vùng đất thấp nhiệt đới, đặc biệt ở Malaysia và Indonesia, vốn chiếm đến gần 90% tổng sản lượng).

Xanh hoa dau co
Mức tiêu thụ dầu thực vật toàn cầu

Lợi ích là thế, nhưng sự tàn phá mà nó đem đến cho các rừng mưa và những vùng đất có nhiều than bùn đã khiến cho các nhà hoạt động môi trường phải kinh hãi. Đốn cây, phá rừng đã khiến cho Indonesia trở thành một trong những tác nhân lớn nhất khiến trái đất nóng lên.

Tuy nhiên, một số công ty dầu cọ lớn nhất thế giới, vì muốn rũ bỏ hình ảnh là những kẻ phá hoại môi trường, đang nỗ lực chuyển hướng sang những phương thức trồng trọt bền vững hơn. Sự thay đổi lần đầu tiên bám rễ vào năm 2004 khi các nhà sản xuất và các nhà tiêu thụ dầu cọ lập nên Hội nghị bàn tròn về dầu cọ bền vững (RSPO), trong đó có một số tổ chức phi chính phủ từng chỉ trích kịch liệt ngành sản xuất dầu cọ. 

RSPO đã đặt ra các tiêu chuẩn mới về sản xuất dầu cọ. Chẳng hạn, tổ chức này yêu cầu các thành viên phải ngừng hành động chặt rừng nguyên sinh và chỉ trồng hoặc sử dụng dầu từ những mảnh đất mà người trồng có quyền sở hữu hợp pháp, rõ ràng. RSPO cũng đã giới thiệu một cơ chế chứng nhận dầu cọ tuân thủ các quy tắc mà nó đề ra. Mặc dù mức độ thay đổi đôi lúc diễn ra chậm chạp và một số nhà hoạt động môi trường vẫn cho rằng tiêu chuẩn mà RSPO đặt ra còn quá “nhẹ nhàng”, nhưng lượng cung dầu cọ được chứng nhận đã tăng rất mạnh trong những năm gần đây, đạt tới 11 triệu tấn, tức khoảng 1/5 nhu cầu toàn cầu, vào năm ngoái. 

Hoạt động của RSPO cũng đã được thúc đẩy bởi những nhà hoạt động chiến dịch. Những người này nhắm đến các tập đoàn hàng tiêu dùng lớn, vốn là người mua nhiều nhất dầu cọ. Vào năm 2010, Greenpeace đã chỉ ra mối liên quan giữa dầu cọ trong sôcôla do Nestlé bán ra với sự phá hủy những khu rừng vốn là môi trường sống của loài vượn orangutan quý hiếm. Năm tiếp theo, nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Nestlé là Golden Agri đã trở thành công ty đầu tiên trong số những nhà trồng cây cọ dầu lớn của Indonesia cam kết ngừng phá rừng. Các tổ chức tiêu thụ dầu cọ lớn nhất như Unilever cũng đã cam kết tìm kiếm các nguồn cung cấp dầu cọ bền vững, thân thiện với môi trường cho tất cả các nguyên vật liệu của mình. Với xu thế mới này, Sime Darby cũng đã nắm bắt cơ hội và giờ đã trở thành là nhà sản xuất dầu có chứng nhận lớn nhất thế giới.

Nhưng một bước ngoặt lớn hơn là vào cuối năm 2013 khi Wilmar, một tập đoàn kinh doanh của Singapore xử lý tới hơn 40% lượng dầu cọ được giao dịch trên toàn cầu, đã đưa nguyên tắc 3 “không”: không phá rừng, không hủy hoại các vùng đất có nhiều than bùn và không bóc lột người dân địa phương. 

Cam kết của Wilmar vượt qua cả những yêu cầu của RSPO. Quyết định này một phần là do các nhà hoạt động chiến dịch đã gây sức ép lên các khách hàng lớn của Wilmar như Kellogg. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là trận sương mù dày đặc bao phủ cả khu vực Đông Nam Á vào mùa hè năm đó, do tình trạng đốt rừng khai phá đất đai tại Indonesia. 

Kể từ tuyên bố của Wilmar, hàng loạt các nhà kinh doanh dầu cọ, các nhà trồng trọt và các tập đoàn hàng tiêu dùng đều đưa ra những cam kết bảo vệ môi trường, theo Scott Poynton, nhà sáng lập tổ chức tư vấn môi trường Forest Trust. Những cam kết này hiện liên quan đến ít nhất 60% lượng dầu cọ được giao dịch trên toàn cầu.

Xanh hoa dau co
Lượng cung dầu cọ bền vững được chứng nhận đang tăng nhanh

Giả sử tất cả các công ty này giữ đúng như cam kết thì sự chuyển mình của ngành này có thể “là một khuôn mẫu cho ngành nông nghiệp hàng hóa toàn cầu”, Joel Finkelstein, Giám đốc Truyền thông của tổ chức vận động hành lang Forest Heroes, nhận xét. 

Tuy nhiên, thách thức cho ngành dầu cọ là không nhỏ. Các nhà hoạt động môi trường đã thuyết phục được người tiêu dùng Mỹ và châu Âu về những hành động gây hại cho môi trường của ngành dầu cọ nhưng lại không thành công lắm trong việc thuyết phục người tiêu dùng ở Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi vậy, hiện tại các công ty dầu cọ mà cung cấp dầu cho 2 thị trường tiêu dùng khổng lồ này ít mặn mà với câu chuyện phát triển bền vững, hơn là những công ty cung cấp dầu cho các nước giàu có. 

Một thách thức khác là cải thiện năng suất ở những hộ nông dân nhỏ lẻ, vốn chiếm đến 1/3 lượng dầu cọ sản xuất ra. Họ có thể thu hoạch chưa tới 10 tấn quả cọ/ha, so với mức trung bình ngành lên tới 20-27 tấn/ha như tại đồn điền Carey Island. Tập đoàn Sime Darby cho biết các cánh đồng trồng trọt cho năng suất cao nhất ở Carey Island có thể cho ra tới 40 tấn quả cọ/ha. Nghĩa là có thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh về dầu cọ mà không phải phá hủy thêm nhiều khu rừng. 

Có lẽ nhiệm vụ quan trọng nhất cho cả nhà hoạt động chiến dịch lẫn người trồng cây cọ dầu là kêu gọi thêm sự hỗ trợ của chính phủ tại các quốc gia sản xuất hàng hóa. Hiện các chính phủ chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong việc xanh hóa ngành nông nghiệp nói chung. Tại Indonesia, sơ đồ đất đai đã quá cũ và không nhất quán. Kết quả là các quan chức Indonesia đã tiếp tục phân thêm các vùng rừng cho trồng trọt cây cọ dầu. Nước này cho biết muốn cắt giảm khí thải CO2 tới hơn 25% vào năm 2020. Kể từ năm 2011, Indonesia đã tuyên bố lệnh cấm về chặt cây tại những khu rừng rậm nhất của nước này. Nhưng tính thực thi vẫn chưa cao.

Văn Quốc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới