Hủy

Đến 2020, đáp ứng được 90-95% nhu cầu thủy tinh bao bì trong nước

Thứ Bảy | 20/12/2014 09:18

Đây là mục tiêu Bộ Công thương đặt ra trong Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
 

Ngày 08/12/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp được quy hoạch phát triển bao gồm 3 nhóm sản phẩm chính là nhóm sản phẩm chiếu sáng; Nhóm sản phẩm thủy tinh công nghiệp (thủy tinh bao bì; thủy tinh kỹ thuật; thủy tinh gia dụng…); Nhóm sản phẩm gốm sứ công nghiệp (gốm sứ gia dụng; gốm sứ mỹ nghệ; gốm sứ kỹ thuật).

Theo quy hoạch, phát triển ngành Gốm sứ-Thủy tinh trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển ngành; khuyến khích việc đổi mới thiết bị và cải tiến công nghệ, từng bước tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.

Phát triển ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp của cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển một số chuyên ngành công nghiệp, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực.

Xây dựng ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp Việt Nam trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao; đa dạng về chủng loại, mẫu mã; có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và xuất khẩu.

Phát triển ngành Gốm sứ-Thủy tinh công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, nâng dần tỷ trọng sử dụng nguyên liệu trong nước.

Dựa trên dự báo nhu cầu sử dụng và khả năng xuất khẩu các sản phẩm của ngành, Quy hoạch đã đặt ra mục tiêu cho các nhóm sản phẩm như sau:

Nhóm sản phẩm chiếu sáng: Giai đoạn 2016- 2020, tăng sản lượng sản phẩm bình quân năm 6%-7%/năm.

Nhóm sản phẩm gốm sứ: Giai đoạn 2016- 2020, sản phẩm gốm sứ gia dụng đạt khoảng 228.000 tấn sản phẩm, đáp ứng 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu đạt 43 triệu USD; sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ đạt khoảng 960.000 tấn sản phẩm, xuất khẩu đạt 615 triệu USD; sứ cách điện (điện áp 22KV-35KV) đáp ứng 90%-95% nhu cầu trong nước.

Giai đoạn 2021-2030, sản phẩm gốm sứ gia dụng đạt khoảng 370.000 tấn sản phẩm đáp ứng 45%-55% nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu đạt 85 triệu USD; sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ đạt khoảng 1,55 triệu tấn sản phẩm; sứ cách điện các loại đáp ứng 95% nhu cầu trong nước.

Nhóm sản phẩm thủy tinh: Giai đoạn 2016- 2020, tổng sản phẩm thủy tinh công nghiệp các loại đạt 370.000-375.000 tấn, sản phẩm thủy tinh bao bì đáp ứng 90%-95% nhu cầu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và thực phẩm, nâng tỷ trọng sản phẩm thủy tinh kỹ thuật lên mức 15%-16% trong ngành thủy tinh công nghiệp. Giai đoạn 2021-2030, nâng tỷ trọng của thủy tinh kỹ thuật lên 18-20% trong cơ cấu của ngành thủy tinh công nghiệp.

Để thực hiện Quy hoạch phát triển ngành, Bộ trưởng Bộ công thương đã phê duyệt một số giải pháp/cơ chế thực hiện như giải pháp về tổ chức quản lý, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm của ngành; giải pháp về đầu tư; giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp phát triển khoa học công nghệ; giải pháp thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn DVO/MOIT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới