Hủy

Hàn Quốc: Thị trường bứt phá của dệt may Việt Nam

Minh Anh Chủ Nhật | 09/09/2018 09:04

Dự báo hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay. Ảnh:Quý Hòa

Thời gian tới, sản phẩm dệt may của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc sẽ còn tăng nhanh hơn vì những lợi thế ngày càng nhiều.
 

Lợi thế quy tắc xuất xứ

Những lợi thế trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng sau khi những hiệp định chung và song phương giữa 2 nước đang tiếp tục được đẩy mạnh. Theo Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt trên 10,2 tỉ USD, tăng 32,13% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặt hàng dệt may đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại thị trường Hàn Quốc trong những tháng đầu năm 2018. Trong 7 tháng, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,5 tỉ USD, tăng 24,88% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tính riêng trong tháng 7.2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 270,7 triệu USD, tăng 24,18% so với tháng 6.2018 và tăng 24,06% so với tháng 7.2017.

Hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%. Nếu so sánh với thời điểm 3 năm trước, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã có sự bứt tốc rất nhanh, với khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mức 40,18% và 29,52% về mức gần như ngang bằng ở thời điểm hiện tại.

Mặt khác, cũng theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới gần 2,7 tỉ USD trong năm 2017.

Cơ hội từ Hàn Quốc sang châu Âu

Việt Nam và châu Âu cũng đang đi đến những bước cuối cùng ký kết hiệp định EVFTA. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam lợi thế ở cả thị trường Hàn Quốc và châu Âu.

Han Quoc: Thi truong but pha cua det may Viet Nam
 

Trong EVFTA cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà xuất khẩu của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có ký kết FTA với Việt Nam và EU (điển hình là Hàn Quốc) đang là một lối mở cho Việt Nam vì trong tương lai, việc các nước ASEAN gia tăng ký FTA với EU sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế cho Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam có thể nhập khẩu vải từ Hàn Quốc để xuất ngược sản phẩm vào Hàn và có thể dùng nguồn nguyên liệu từ Hàn để xuất vào EU. Đây là một lợi thế vì trước đây, dệt may Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, với 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Dự báo đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2017. Hiện người Hàn đang thích sản phẩm dệt may Việt, mức tăng trưởng vào Hàn hiện gần 22% và nhiều khả năng sẽ trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường này trong thời gian tới.

Tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang khởi sắc trở lại khi hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết đều tăng trên 20%. Công ty Cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh. TCM có vốn đầu tư của Hàn Quốc và sản phẩm chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hàn.

Mức lợi nhuận của tháng 7 tương đương với 77% lợi nhuận của cả quý 3 năm ngoái. 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM đạt gần 147 tỉ đồng, đạt khoảng 133% so với kế hoạch. 7 tháng đầu năm, TNG thu về gần 91 tỉ đồng LNST, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm doanh thu của GIL đạt 1.247 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy vậy, LNST của công ty đạt 64,4 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. EPS 6 tháng đầu năm đạt 4.944 đồng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới