Ngân hàng, doanh nghiệp: Ai cần ai?
Năm 2017 vẫn có đến 60% SME chưa tiếp cận được nguồn vốn. Ảnh: Quý Hòa
Nhìn vào bản chất quan hệ giữa ngân hàng, các định chế tài chính và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 7.8, nói rằng, đã “ngộ ra” một vấn đề lớn: Ngân hàng không cần SME".
Bất đồng ngôn ngữ
Việt Nam xếp thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng tiếp cận tín dụng đang là “trở ngại chính” của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, chia sẻ.
“Năm 2017 vẫn có đến 60% SME chưa tiếp cận được nguồn vốn”, Chủ tịch VCCI cho biết. Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ba nhà: Nhà nước, nhà băng cùng các thiết chế tài chính và doanh nghiệp.
Nhà nước, không chỉ là Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thât sự khơi nguồn cho đầu tư kinh doanh.Thời đại 4.0 nhưng phương pháp quản lý nhà nước còn cơ học, chưa chấp nhận rủi ro. Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Trong khi đó, nhà băng và định chế tài chính vẫn thờ ơ, chưa thực sự coi SME là một đối tượng ưu tiên, vẫn chủ yếu cho vay theo hình thức thế chấp tài sản.
Cuối cùng, doanh nghiệp với sự thiếu minh bạch đang là một điểm yếu, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi, khiến tổ chức tín dụng “nói không” với cho vay vốn.
Vấn đề Chủ tịch VCCI, đại diện giới chủ, nêu ra không phải thiếu căn cứ khi bà Hoàng Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khách hàng SME thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam (ViettinBank), thừa nhận, chính sách cho vay của ngân hàng này dựa trên cơ sở “lựa chọn những SME tốt”.
Bà Trang nói có nhiều nguyên nhân khiến SME khó tiếp cận vốn, chủ yếu là do thiếu tài sản đảm bảo, thiếu minh bạch về tài chính, thậm chí thiếu các thông tin liên quan.
ViettinBank đang có gói cho vay theo chuỗi doanh nghiệp. “Chúng tôi quản trị dòng tiền vào, ra của SME và nắm bắt thông tin của khách hàng”, Phó Giám đốc Trung tâm Khách hàng SME của ViettinBank dẫn chứng.
Một thực tế, hầu hết SME không có báo cáo tài chính, không có kế hoạch tài chính, không có tài sản đảm bảo hoặc tín chấp. Nhưng các ngân hàng thương mại lại muốn SME phải kiểm soát được dòng tiền, phải có kế hoạch tài chính.
“Bất đồng ngôn ngữ” đang tồn tại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nhận định. Theo ông, ngân hàng đang nói ngôn ngữ ngân hàng và tài chính tiền tệ, trong khi SME nói ngôn ngữ của dân kinh tế, trả lời các câu hỏi sản xuất cái gì, cho ai và như thế nào.
Lối thoát ở đâu ?
Ngân hàng Nhà nước tính đến 30.6.2018, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc là 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo quan sát của TS Ánh, hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng Việt Nam, đang rất ổn với quy mô tín dụng khoảng 120% GDP, tổng tín dụng các ngân hàng thương mại khoảng 20% và nửa đầu năm 2018 đang có mức lãi khủng.Nhìn vào bản chất quan hệ giữa ngân hàng nói riêng, các định chế tài chính nói chung, với các doanh nghiệp, TS Ánh “ngộ ra” một vấn đề lớn “ngân hàng không cần SME, không cần thúc đẩy cho các doanh nghiệp này vay vốn”.
Mặt khác, việc đưa 40% SME đã được tiếp cận tín dụng ngân hàng lên mức cao hơn, chẳng hạn 50-70%, có thể dẫn đến rủi ro rất lớn về tín dụng và vay nợ khi quy mô tín dụng tăng lên 150 hay 180% GDP.
Thêm nữa, mỗi một tháng Tổng cục Thống kê đều ghi nhận hàng vạn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có hàng vạn doanh nghiệp ra đi. Hệ thống ngân hàng thương mại có thể sụp đổ nếu có một nửa trong số doanh nghiệp ra đi hàng tháng đó là bạn hàng.
Một lưu ý, trong số 60% SME chưa tiếp cận được tín dụng hiện nay, có những doanh nghiệp cần tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhưng cũng có không ít không có nhu cầu này. Các doanh nghiệp này, không hẳn là không cần vốn nhưng họ có nhiều kênh tiếp cận vốn khác.
Trở lại vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng của các SME không tìm được nguồn lực từ các nguồn khác, TS Ánh khuyến cáo: “Nếu không đồng ngôn ngữ, hãy sử dụng phiên dịch”.
Ông Ánh, người học kinh tế và làm về tài chính, đưa ra 2 cách tiếp cận. Một là, phải có người phiên dịch là các đơn vị tư vấn, bảo lãnh, quỹ SME. Hai là, ngân hàng hoặc SME phải học ngôn ngữ của phía bên kia.
Một điểm Tiến sĩ Ánh khá chắc chắn, “các ngân hàng thương mại sẽ không học nói tiếng của SME”, vì về bản chất họ “không cần SME”. Ông khuyên các SME cố gắng “học ngôn ngữ của ngân hàng”. Cụ thể, học tư duy quản trị tài chính để không kém hoặc ít nhất là tương đương tư duy quản trị doanh nghiệp.
Tiến sĩ Ánh cho cho đây là mấu chốt thời gian tới. Nó liên quan không chỉ giải quyết vấn đề tiếp cận vốn cho SME mà còn liên quan đến việc xử lý những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư