Thịt lợn sẽ được bán kiểu chứng khoán, khả thi hay không?
Nguồn : baonongnghiep
Mục tiêu của việc thành lập sàn giao dịch heo nhằm tạo sự minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý về giá.
Theo đó, sàn dự kiến có phương thức hoạt động tương tự sàn giao dịch chứng khoán với 4 chủ thể tham gia gồm: Người chăn nuôi - chào bán lợn, thương nhân chợ đầu mối - mua lợn, thương lái - lò mổ và cơ quan kiểm định thông tin, chất lượng độc lập.
Trong đó, người nuôi và người mua là chủ thể chính - quyết định giá, sau đó thuê dịch vụ các chủ thể khác.
Với sàn giao dịch thịt lợn, người mua và người bán có thể giao dịch, ký hợp đồng giấy trước cả tuần hoặc cả tháng, có luật chơi và quy chế riêng. Ở đây chính là "hợp đồng tương lai". Việc ký vào hợp đồng tương lai sẽ khiến các bên tham gia vào sàn phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Chính cơ chế này đã tự tạo nên sức hấp dẫn cho mô hình sàn giao dịch thịt lợn.
Chia sẻ tại tọa đàm lấy ý kiến vận hành mô hình sàn giao dịch heo hơi sáng 14/11 tại TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng ban dự án cho biết, với mô hình này Nhà nước sẽ tạo môi trường, Sở Công Thương TP HCM chủ trì thành lập công ty sàn giao dịch hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, với sự tham gia của các chợ đầu mối. TP HCM cử doanh nghiệp tham gia cổ đông (nếu cần).
Theo kế hoạch, sàn dịch sẽ được xây dựng và quản lý theo quy chế, luật lệ cụ thể. Nếu hoạt động kinh doanh tốt, sàn có thể giao dịch hàng ngày như sàn chứng khoán. Không chỉ là hoạt động trao đổi buôn bán thịt lợn hoặc lợn hơi thông thường, có thể sàn sẽ có thêm các dịch vụ bổ sung như tài chính, bảo hiểm.
Mỗi ngày, hơn 10.000 con lợn vào thị trường TP.HCM chủ yếu phân phối tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Ảnh: VTV. |
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người chăn nuôi, việc thành lập sàn giao dịch lợn là rất cần thiết. Với điều kiện kinh doanh, giết mổ, mức tiêu thụ hiện nay, thành phố có đủ điều kiện thành lập sàn giao dịch heo. Thị trường thịt lợn của TP.HCM có quy mô 17.000 tỷ đồng/năm. Nguồn cung thịt heo cho thành phố đến từ 10 tỉnh lân cận với 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái và hơn 100 thương nhân kinh doanh heo mảnh tại các chợ đầu mối, 24 nhà bán lẻ hiện đại.
Việc hình thành sàn giao dịch sẽ minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý giá, tránh tình trạng thương lái ép giá và lợn giao dịch qua sàn luôn đảm bảo chất lượng. Khi đó, người chăn nuôi thực sự được quyền quyết định giá của mình và người mua cũng được lợi vì không phải qua trung gian.
Nhiều chuyên gia nhân định, sàn giao dịch thịt lợn có thể sẽ không loại ai ra khỏi cuộc chơi, mà nó sẽ trả về đúng vai trò, vị trí và đảm bảo quyền lợi hợp lý của các chủ thể tham gia. Mong rằng, người chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều vì không còn quá nhiều chi phí trung gian bất hợp lý và tạo sự cạnh tranh sòng phẳng hơn trên thị trường thịt lợn.
►Trung Quốc thiếu thịt lợn, cơ hội kiếm tiền cho nông dân Mỹ?
Nguồn Tổng hợp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư