MegaStory

Đ ối diện với nhiều thách thức vì đại dịch, nhưng bằng nỗ lực vượt khó và tính sáng tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Dấu ấn này thể hiện rõ nét trong danh sách 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2020-2021 (Top 50) khi chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ và sản xuất công nghiệp.

NGÂN HÀNG TRỞ LẠI MẠNH MẼ

“Cổ phiếu vua” trở lại danh sách Top 50 một cách ấn tượng khi có tới 9 cái tên xuất hiện trong bảng xếp hạng gồm ACB, HDB, MBB, SHB, TCB, TPB, VCB, VIB và VPB. Ngoại trừ VCB, những thương hiệu được xướng danh lần này đều đến từ khối ngân hàng tư nhân - khu vực được đánh giá là năng động và hiệu quả.

Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, nhóm ngân hàng đã chứng minh được hiệu quả hoạt động khi lợi nhuận vẫn tăng trưởng, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng của COVID-19. Tính chung cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng trên 30%. Giới chuyên gia dự báo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vẫn rất khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt trên 20% so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ngành ngân hàng tăng trưởng tốt ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn do dịch bệnh vì giải ngân tín dụng thận trọng và chặt chẽ hơn giai đoạn trước giúp các ngân hàng giảm được rủi ro tín dụng và nợ xấu phát sinh mới. Bên cạnh đó, thay vì phụ thuộc vào cho vay doanh nghiệp, xu hướng cho vay bán lẻ ngày càng được đẩy mạnh giúp rủi ro được phân tán. Điển hình tại ACB, nhờ tập trung phát triển mảng bán lẻ và nghiệp vụ bancassurance, ngân hàng này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 3 năm đạt 19,9%, hiệu quả hoạt động khá cao so với mặt bằng chung trong ngành với ROE 25%.

Tập trung chiến lược vào mảng bán lẻ, cho vay bất động sản, ô tô và bảo hiểm, thẻ tín dụng, chỉ sau 5 năm chuyển đổi, dư nợ bán lẻ của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) nằm trong Top 4 ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm 2020. Mảng bán lẻ từ chỗ chiếm tỉ trọng 21% lợi nhuận trước thuế (PBT) của VIB năm 2016 đã tăng gấp 6 lần về dư nợ và chiếm tỉ trọng 70% PBT của toàn Ngân hàng tính đến hết năm 2020. Tăng trưởng doanh thu bình quân 3 năm qua của VIB đạt 35%/năm trong khi tỉ lệ ROE trung bình rất cao, lên đến 25,9%.

Nếu các gương mặt ngân hàng tư nhân gây ấn tượng nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh, thì Vietcombank lại nổi bật khi không chỉ là ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất hệ thống (359.400 tỉ đồng) mà còn ở quy mô và hiệu quả kinh doanh. Mạng lưới của Vietcombank không ngừng mở rộng với 116 chi nhánh tại Việt Nam, hiện diện thương mại tại Mỹ và chi nhánh tại Úc. Lợi thế về quy mô đảm bảo cho Vietcombank duy trì hiệu quả hoạt động ở mức cao hơn trung bình ngành với ROE trung bình 21,4% và tỉ suất sinh lời cổ phiếu ấn tượng 85,7%.

BẤT ĐỘNG SẢN TẠO KỲ VỌNG

Sau ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực nổi bật dù đối mặt với không ít thách thức về quỹ đất khan hiếm, pháp lý siết chặt và đại dịch. Sức hút của doanh nghiệp bất động sản không nhìn từ kết quả kinh doanh các quý đã qua, mà kỳ vọng kết quả sẽ tích cực hơn trong những quý tới. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết nguồn vốn đổ vào bất động sản trong năm 2021 vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỉ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 2 tỉ USD (chiếm khoảng 11%). “Hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.

Bảng xếp hạng năm nay có tên 8 thương hiệu bất động sản nổi bật, có tính đại diện cho ngành như Vinhomes, Novaland, Khang Điền, Nam Long và Phát Đạt. Vinhomes sở hữu quỹ đất lên tới 164 triệu m2, tập trung chủ yếu tại khu vực vùng ven/thành phố lớn và các đô thị vệ tinh có vị trí kết nối giao thông tốt, nằm tại trục phát triển của các địa phương. Những dự án lớn theo mô hình đại đô thị tích hợp như Vinhomes Grand Park, Ocean Park và Smart City... không chỉ nâng tầm diện mạo các địa phương mà còn đảm bảo nguồn lợi nhuận ổn định cho Vinhomes. Trong 3 năm gần nhất, doanh thu của Vinhomes tăng bình quân 67,2%, ROE trung bình 46,4% và tiếp tục là trụ cột quan trọng nhất trong hệ sinh thái của Vingroup. Đây cũng là doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán (325.600 tỉ đồng) và luôn nằm trong số những cổ phiếu phải có của các quỹ đầu tư.

Novaland tiếp tục duy trì vị thế số 2 trong ngành với mức vốn hóa 81.000 tỉ đồng, hiệu quả hoạt động duy trì ở mức hiệu quả (ROE đạt 17,8%). Tập đoàn tiếp tục kiên định chiến lược đầu tư, phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn, không chỉ là dự án bất động sản đô thị ở trung tâm TP.HCM, mà còn các loại hình dự án mới lạ như đô thị du lịch, sinh thái thông minh ở khu vực vệ tinh và đô thị công nghiệp.

Trong số các gương mặt vinh danh lần này, Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) gây sốt với mức tăng giá cổ phiếu 169,1% trong 3 năm qua và lọt vào danh sách các doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD. Sở hữu quỹ đất tương đối dồi dào tại TP.HCM, các tỉnh tiềm năng như Bình Dương, Bình Định..., có sự hỗ trợ của những đối tác lớn trong phát triển và phân phối sản phẩm, Phát Đạt ghi nhận doanh thu tăng trưởng trung bình 43,4% và ROE đạt 21,8%.

CƠ HỘI MỚI CỦA CÔNG NGHIỆP, BÁN LẺ

Công nghiệp là lĩnh vực gây ấn tượng thứ 3 với 6 gương mặt xuất hiện trong Top 50. Đó là những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho ngành thép (HPG), ngành nhựa (BMP), cáp điện (CAV), may mặc (GIL), cho đến các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics đầy sinh động (TMS, VSC). Đây là lĩnh vực cơ bản, nơi tạo ra hàng hóa thực và đa số việc làm cho nền kinh tế. Nhưng khu vực này cũng là nơi chứng kiến cuộc chiến khốc liệt giữa các thương hiệu nội và hàng nhập khẩu. Nhờ chiến lược giá hợp lý và xây dựng chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, một số doanh nghiệp nội vẫn không ngừng cải thiện thị phần và tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, nhắc đến các mã cổ phiếu để lại dấu ấn trong đầu năm 2021, không thể bỏ qua cổ phiếu ngành thép. Có những giai đoạn, HPG, NKG, HSG trở thành những mã được nhà đầu tư quan tâm nhất thị trường. Đà tăng của nhóm này chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã.

Đơn cử như tại Hòa Phát, doanh thu tăng trưởng trung bình 3 năm qua đạt 25%, ROE duy trì ở mức khá 21,5%. Thành quả đến từ lợi thế về giá thành khi nhờ áp dụng công nghệ BOF hiện đại, Hòa Phát có thể sản xuất thép giá thành cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phát triển quan tâm hơn về vấn đề môi trường và đang hạn chế sản xuất cùng với việc áp thuế cho carbon.

Bức tranh Top 50 còn chứng kiến một số gương mặt xuất sắc đến từ các ngành chăm sóc sức khỏe (DHG, IMP), dịch vụ tài chính (SSI, HCM, VCI, VND), thực phẩm và nước giải khát (DBC, MSN, SAB, SBT, VNM) hay xây dựng và vật liệu (HTN, IJC, KSB, VCS).

Bán lẻ là lĩnh vực nóng bỏng nhất các năm qua nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng. Nhờ đó, những thương hiệu bán lẻ trong ngành luôn nằm trong top các doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhất. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu năm 2020 đạt 108.546 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 3.920 tỉ đồng. Có mức vốn hóa hơn 62.000 tỉ đồng, Thế Giới Di Động là thương hiệu bán lẻ giá trị nhất Việt Nam. Đây còn là công ty Việt Nam duy nhất lọt vào Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương với hơn 4.000 cửa hàng và hơn 70.000 nhân sự vào cuối năm 2020.

Danh sách thương hiệu bán lẻ xuất sắc khác còn có PNJ, Thế Giới Số, Masan, Thiên Long. Riêng Masan nhận tới 2,3 tỉ USD vốn đầu tư trong năm 2021 với tiềm năng của The CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WCM). Tất cả đều lạc quan về sự hồi phục của ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng khi Việt Nam trở lại “bình thường mới”, nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng trở lại.

CUỘC ĐUA ĐẾN TỈ USD

Tổng kết năm 2021, trên sàn HOSE đã có 46 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD. Hướng tới vốn hóa tỉ USD luôn là giấc mơ lớn của doanh nghiệp Việt khi đây là thước đo cho danh tiếng và vị thế thống lĩnh. Thực tế, trong bảng xếp hạng Top 50 lần này, số lượng doanh nghiệp đạt giá trị tỉ USD tăng cao kỷ lục với 22 cái tên, trải rộng từ ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, công nghệ, hàng không, dầu khí cho đến bảo hiểm và thực phẩm - nước giải khát.

Đứng đầu danh sách doanh nghiệp tỉ USD là Vingroup với giá trị 17,96 tỉ USD; thứ 2 là Vietcombank (15,51 tỉ USD); Vinhomes đứng thứ 3 (14,06 tỉ USD). Những tên tuổi kế tiếp là Vinamilk, Tổng Công ty Khí Việt Nam và Hòa Phát. Trong số 22 trong danh sách Doanh nghiệp tỉ USD năm nay, có tới 15 đơn vị không có nguồn gốc Nhà nước. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Một số tên tuổi thậm chí đã vươn ra khỏi biên giới và lọt vào danh sách những doanh nghiệp lớn của châu Á và thế giới.

Các năm tới, triển vọng xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp tỉ USD là khả thi nhờ kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng 5,5% nhờ người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc.

Động lực tăng trưởng còn được thúc đẩy nhờ làn sóng đầu tư vào công nghệ, số hóa bùng nổ ở tất cả các ngành nghề. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế trị giá gần 350.000 tỉ đồng và triển vọng nâng hạng từ thị trường biên (Frontier Markets) lên mới nổi (Emerging Markets) sẽ tạo cú hích cho các doanh nghiệp cả về tăng trưởng và giá trị vốn hóa.

Một số ngành có thể sẽ tăng trưởng vượt trội nhờ nhiều điều kiện thuận lợi. Ở lĩnh vực ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo duy trì ở mức cao trong dài hạn do Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Trong đó, tín dụng bán lẻ đang là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng. Nhìn chung, lợi thế sẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào và cách tiếp cận thị trường năng động, đồng thời tuân thủ theo chuẩn quản trị rủi ro quốc tế.

Bất động sản nhà ở sẽ được hưởng lợi nhờ gói kích thích kinh tế và đầu tư công được đẩy mạnh. Tỉ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng qua các năm và còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng trong giai đoạn tới. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư hấp dẫn hay người dân vẫn có sở thích đầu tư bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát. Các doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính sẽ đóng vai trò dẫn dắt.

Cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ chưa bao giờ hết nóng với sự tham gia của nhiều chuỗi trong nước và nước ngoài. Hầu hết công ty bán lẻ và phân phối niêm yết là những công ty lớn và đã tồn tại được qua COVID-19 sẽ có tốc độ phục hồi mạnh mẽ và trở lại giai đoạn tăng trưởng nhờ trạng thái “bình thường mới” và các công ty lớn sẽ chiếm thêm thị phần từ các công ty bán lẻ khác đã rời khỏi thị trường.

Cuối cùng, nhờ kế hoạch cụ thể trong việc nối lại giao thông hàng không trong nước và quốc tế, cùng với những dấu hiệu tích cực trong việc kiểm soát đại dịch và nâng cao tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, hàng không được giới phân tích kỳ vọng có thể dần phục hồi ngay từ năm 2022. Hộ chiếu vaccine sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự khởi động lại an toàn của hàng không quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại.

Bài viết: Nguyễn Sơn
Ảnh: Quý Hòa