Hủy
Bất động sản

Parkson Retail lâm nguy

Nguyễn Sơn Thứ Tư | 28/10/2020 13:00

Đại dịch COVID-19 đang đẩy Parkson Retail đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
 

Chưa kịp thở phào sau khi đón nhận một số khách thuê có thương hiệu lớn, đại dịch COVID-19 có thể là giọt nước làm tràn ly khiến cho đế chế Parkson Retail đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.

Mới đây, hãng kiểm toán EY nghi ngờ liệu trung tâm thương mại này có cân bằng được dòng tiền để tồn tại. Giá cổ phiếu Parkson Retail đã rớt 14% ngay sau khi cảnh báo được đưa ra.

Trong nhận định của mình, EY ghi nhận tổng lỗ ròng trong năm 2020 của Parkson Retail Asia lên tới 62,5 triệu USD. Đặc biệt nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 86,3 triệu USD, trong khi tổng nợ phải trả đã hơn tổng tài sản 48,5 triệu USD. Điều này đồng nghĩa dù có bán hết tất cả các tài sản hiện có, Parkson Retail cũng không thể thanh toán được cho các chủ nợ, nói chi đến lợi ích các cổ đông.

 

“Khả năng nhóm công ty tiếp tục hoạt động phụ thuộc vào việc nhóm tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động của mình để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và sự hỗ trợ liên tục từ những nhà cung cấp và nhà đầu tư”, Tan Sri William Cheng Heng Jem, Chủ tịch Điều hành của Parkson Retail Asia, thừa nhận.

Sau thời gian dài tái cấu trúc và liên tục đóng cửa các trung tâm kém hiệu quả, thương hiệu bán lẻ lâu đời này hiện vận hành 61 trung tâm thương mại tại Malaysia, Việt Nam và Indonesia.

Dù vậy, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành bán lẻ nói chung và Parkson nói riêng. Tại thị trường chủ lực Malaysia, doanh thu giảm xuống còn 226,5 triệu SGD từ mức 330,2 triệu SGD năm trước. Khoản lỗ trước thuế là 21,2 triệu SGD so với mức lỗ 5,9 triệu SGD trong năm tài chính trước đó. Hai thị trường Indonesia và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 khi doanh thu lần lượt giảm 33,9% và 43,4%.

Tại Việt Nam, Parkson bắt đầu gia nhập thị trường vào năm 2005 và liên tục mở rộng ra khắp các tỉnh thành với số lượng thời đỉnh điểm lên đến gần 10 trung tâm. Nhưng bắt đầu năm 2015, với sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ mới như Aeon Mall, Crescent Mall, Takashimaya cũng như xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, kết quả kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc trung tâm thương mại này phải tiến hành tái cấu trúc.

Tại Hà Nội, Parkson đã đóng toàn bộ các trung tâm. Tại TP.HCM, chuỗi này cũng liên tục đóng các trung tâm thương mại ở Lê Đại Hành (quận 11), Parkson Paragon (quận 7), hay gần đây là Parkson Cantavil (quận 2) cũng không còn hoạt động.

Đặc biệt, trong tài liệu nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, Parkson cho biết vào ngày 27.7.2020 Công ty đã đồng ý bán Trung tâm Parkson TD Plaza tại Hải Phòng với giá 10 triệu USD. Đơn vị mua lại là Công ty Xây dựng và Thương mại Thùy Dương, có trụ sở tại Hải Phòng. Số tiền thu được từ thương vụ bán Parkson TD Plaza Hải Phòng sẽ giúp Parkson củng cố dòng tiền và giảm nghĩa vụ nợ.

Nếu thương vụ chuyển nhượng Parkson TD Plaza Hải Phòng hoàn tất, tại Việt Nam, Parkson Retail Asia sẽ chỉ còn 2 trung tâm thương mại ở TP.HCM là Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1) và Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5). Đây cũng là 2 trung tâm chủ chốt có vẻ vẫn còn năng lực hoạt động.

Sau thời gian tạm đóng cửa để nâng cấp và tái cơ cấu khách thuê, Parkson Saigon Tourist Plaza tại quận 1 đã mở lại toàn bộ tầng trệt với diện tích 1.700 m2 trong quý III. Tại trung tâm này, bên cạnh cửa hàng flagship của Uniqlo, cửa hàng trải nghiệm của MUJI, một thương hiệu đến từ Nhật, cũng đã khai trương và dự tính sẽ khai trương thêm 2.000 m2 tại các tầng trên vào quý IV/2020. Ở Parkson Hùng Vương, khách thuê quan trọng là chuỗi cửa hàng lẩu Haidilao cũng thuê thêm diện tích hoạt động.

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. Dù vậy, cạnh tranh cũng khốc liệt không kém. Tại thị trường TP.HCM, hãng tư vấn Savills ghi nhận đại dịch bùng phát đã khiến công suất thuê trung bình quý III đã giảm 2 điểm phần trăm theo năm. Khảo sát khách thuê quý III/2020 của Savills cho thấy mức độ biến động của ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) và thời trang là lớn nhất với việc đóng cửa hoặc cắt giảm diện tích thuê. Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng doanh thu từ ngành F&B trong 9 tháng qua đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Bên cạnh đó, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu bán lẻ truyền thống. Khảo sát của Nielsen cho thấy 64% người được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng, trong khi 63% sẽ tăng cường mua sắm trực tuyến. Các trang thương mại điện tử báo cáo lượng người truy cập ngày càng tăng, Shopee dẫn đầu với khoảng 27 triệu người dùng hằng tháng.

Sức nóng cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn khi các thương hiệu nước ngoài đang trì hoãn gia nhập hay hạn chế mở rộng thêm. Trong 3 tháng tới, dự kiến thị trường TP.HCM sẽ đón nhận thêm 50.000 m2 mặt bằng bán lẻ gia nhập, trong đó 80% nằm ngoài khu trung tâm, càng gia tăng áp lực về giá chào thuê. 

Dù vậy, theo đánh giá của Savills, bán lẻ là ngành có cơ hội hồi phục nhanh nhất sau đại dịch. “Triển vọng kinh tế tích cực, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ tạo cơ sở cho ngành bán lẻ tại Việt Nam”, Savills Việt Nam nhận định


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới