Hủy
Bất động sản

Xây mới 2 công trình phục vụ Asiad 18

Thứ Bảy | 10/11/2012 09:57

Tổng số vốn đầu tư cho 2 công trình lên đến 580 triệu USD, Thanh niên đưa tin.
 

Công trình thứ nhất là Nhà thi đấu đa năng do nhà nước đầu tư 80 triệu USD, bao gồm khu nhà lớn trị giá 60 triệu USD (1.200 tỷ) và 2 nhà thi đấu nhỏ trị giá 20 triệu USD. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang đàm phán với nhà thầu Đức để giảm giá thiết kế.

Công trình thứ 2 được xây mới là sân đua xe đạp lòng chảo với nguồn xã hội hóa 100%, trong đó phía Việt Nam góp vốn đất 30%, Hàn Quốc góp 70% tiền mặt. Dự án này trị giá 500 triệu USD, được thực hiện thành 2 giai đoạn - sân đua xe 250 triệu USD và tổ hợp khách sạn dịch vụ thể thao 5 sao 250 triệu USD. Dự kiến, quý IV/2013 sẽ khởi công xây dựng và hoàn tất năm 2018.

Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cho biết, chủ đầu tư cam kết sẽ liên doanh khai thác có hiệu quả cụm công trình có quy mô này. Cụ thể, năm 2020 sẽ nộp thuế 30 triệu USD, tăng dần đến năm thứ 7 là 70 triệu USD và những năm kế tiếp là hàng trăm triệu USD.

Ngoài các địa điểm thi đấu, Việt Nam dự kiến sẽ đặt tổng hành dinh - trụ sở của ban tổ chức đại hội tại khách sạn Grand Plaza và khách sạn Daewoo 400 phòng. Trung tâm điều hành, trung tâm báo chí (MPC và IBC) tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ - Hà Nội. Và một trong những công trình nổi bật của đại hội là Làng Á vận tại Thượng Thanh, quận Long Biên (nơi ăn ở của 11.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên) được xây dựng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao nói: “Khi Asiad kết thúc, làng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng và hình thức sử dụng thế nào còn căn cứ vào quy hoạch phát triển của thủ đô đến thời điểm đó.

Tổng chi phí cho các cơ sở vật chất xây mới các công trình phục vụ Asiad 18 là 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra làng Asiad được xây dựng theo hướng xã hội hóa (Việt Nam góp đất). Các công trình khác như các nhà thi đấu tại Hà Nội và các thành phố vệ tinh sửa chữa khoảng 600 tỷ đồng. Tổng cộng khoản chi cho cơ sở vật chất là 2.100 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.200 tỷ đồng là chi cho công tác tổ chức đại hội. Tuy nhiên, đây là những con số trên giấy vì thực tế SEA Games năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009 (AIG 3) tại Việt Nam, con số đã phát sinh đến mức chóng mặt so với dự kiến ban đầu.

Nguồn Thanh niên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới