Hủy
Chứng khoán

Nhựa Bình Minh thận trọng

Hà Trinh (*) Thứ Ba | 23/07/2019 10:00

Ảnh: Quý Hòa

VDSC cho rằng sự thận trọng trong việc tăng công suất là một chiến lược phù hợp với Nhựa Bình Minh lúc này.
 

Mặc dù khả năng tăng trưởng sản lượng không nhiều, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ giá bột nhựa PVC thấp và cạnh tranh giá bớt gay gắt. Các đối thủ của Nhựa Bình Minh sau nhiều năm tăng chiết khấu để giành thị phần sẽ cần điều chỉnh lại chiến lược để đạt lợi nhuận trong dài hạn. Vì vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng mức biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng hiện tại của công ty này (23% và 12%) sẽ được duy trì. Mức lợi nhuận trên, mặc dù thấp hơn các năm trước, vẫn cao so với mặt bằng ngành vật liệu xây dựng cũng như thể hiện được năng lực và vị thế của doanh nghiệp đầu ngành.

BMP là một trong những cổ phiếu ưa thích của VDSC nhờ vị thế trong ngành cũng như sức khoẻ tài chính lành mạnh. VDSC đánh giá Nhựa Bình Minh là thương hiệu ống nhựa hàng đầu đối với người tiêu dùng tại thị trường miền Nam. Đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hưởng biên lợi nhuận cao và giữ dòng tiền hoạt động ổn định.

Cạnh tranh đã bớt gay gắt

Nhắc lại giai đoạn 2014-2016, một loạt nhà máy tăng công suất cũng như nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành do sức hấp dẫn về lợi nhuận của ngành ống nhựa. Nhiều nhà sản xuất lựa chọn chiến lược tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối để giành thị phần. Mặc dù nắm giữ thị phần cao nhất tại khu vực phía Nam, Nhựa Bình Minh buộc phải điều chỉnh chính sách chiết khấu và chấp nhận mức biên lợi nhuận gộp thấp hơn để cạnh tranh. Thêm vào đó, lãnh đạo Công ty cho biết thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, trong khi mặt hàng ống nhựa khó xuất khẩu do chi phí vận chuyển cao. Do đó, VDSC cho rằng các nhà sản xuất nội địa sẽ không tăng công suất trong thời gian tới, đồng thời giữ nguyên mức chiết khấu để giữ lại lợi nhuận.

Nhua Binh Minh than trong

VDSC nhận thấy chính sách tiêu thụ của Nhựa Bình Minh không thay đổi, chủ yếu do không tăng sản lượng sản xuất trong năm 2019 và 2020. Nhà đầu tư cần lưu ý mặc dù công suất huy động của Nhựa Bình Minh chỉ ở mức 70%, phần công suất chưa khai thác chủ yếu là sản phẩm đường kính lớn và khó tiêu thụ đại trà. Máy móc để sản xuất loại sản phẩm này cũng không thể chuyển đổi để sản xuất dòng sản phẩm thông dụng. Thêm nữa, lợi thế của Công ty chủ yếu nằm ở sản phẩm dùng cho nhà ở và công suất huy động cho nhóm hàng này cũng đã tiệm cận mức tối đa. Vì vậy, nếu Công ty không đẩy mạnh khai thác thị trường cơ sở hạ tầng để tăng công suất hoạt động thì tăng trưởng sản lượng cho các năm tới sẽ chỉ ở mức tối thiểu.

Chính sách thận trọng

Mặc dù ban điều hành vẫn được giữ nguyên, mục tiêu của Nhựa Bình Minh vẫn có những điều chỉnh nhất định sau khi trở thành một thành viên của The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. Tập đoàn ống nhựa của Thái Lan đặt ra một số mục tiêu mới cho Nhựa Bình Minh, chủ yếu hướng tới cải thiện hiệu quả chung để đáp ứng tiêu chuẩn của công ty mẹ. Trong năm 2019, Công ty dự định chi 200 tỉ đồng Capex, phần lớn vào hệ thống lưu kho mới và tự động hóa. Đây là một trong những yêu cầu của công ty mẹ để cải thiện năng lực và hiệu quả dài hạn của Nhựa Bình Minh. Một số cải tiến khác bao gồm tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao, quản lý dữ liệu, các tiêu chuẩn trong quản trị khác sẽ được áp dụng. VDSC cho rằng chi phí quản lý của Công ty sẽ tăng trong năm 2019 và 2020, còn hiệu quả hoạt động sẽ được cải thiện dần trong dài hạn.

Nhua Binh Minh than trong

Mặc dù tỉ suất lợi nhuận giảm trong vài năm gần đây, mức hiện tại có thể được duy trì trong dài hạn, đồng thời cũng là mức biên lợi nhuận cao trong ngành. Tỉ suất lợi nhuận hiện tại sẽ được duy trì nhờ vị thế của nhãn hiệu Nhựa Bình Minh đối với người tiêu dùng cuối. Sau cùng, biên lợi nhuận ròng của Công ty sẽ được giữ vững trên 10% - tỉ suất lợi nhuận cao đối với doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty sẽ đạt ROE trên 20% và ROA trên 17% trong năm 2019 và 2020.

Nhua Binh Minh than trong

Trái với quan điểm của nhiều nhà đầu tư, VDSC cho rằng sự thận trọng trong việc tăng công suất là một chiến lược phù hợp với Nhựa Bình Minh. Như đã đề cập, thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, trong khi hoạt động xây dựng đã tăng trưởng chậm lại, khiến dư địa tăng trưởng cho ngành vật liệu xây dựng nói chung không còn nhiều. Vì vậy, chiến lược khôn ngoan và phù hợp nhất lúc này có lẽ là ngưng tăng công suất ồ ạt và tập trung vào cải thiện dòng tiền. Đây là điều mà Nhựa Bình Minh đã và đang làm tương đối tốt. Dựa vào dòng tiền hoạt động dương trong 12 năm liên tiếp, VDSC nhận định rằng Công ty sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này trong tương lai. Điều đó cho phép Công ty hưởng lợi từ việc không vay nợ (ngoại trừ khoản vay ngắn hạn nhỏ) đồng thời có thu nhập đều đặn từ lãi tiền gửi ngân hàng.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu BMP nhờ chính sách cổ tức đều đặn. Mặc dù kế hoạch cổ tức tối thiểu đề ra ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2019, VDSC cho rằng Công ty nhiều khả năng sẽ trả 4.000 đồng/cổ phiếu, tương tự năm ngoái. Vì vậy, theo VDSC, với thị giá hiện nay, mức cổ tức của BMP đáng để cân nhắc. Ngoài ra, P/E forward 8,6x hiện tại tương đối hấp dẫn đối với một doanh nghiệp đầu ngành.

(*) Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới