Hủy
Chuyên đề

Mở khóa 5 nguồn vốn phát triển bền vững

Công Sang - Hằng Nguyễn Thứ Ba | 22/07/2025 16:30

Việc giảng hòa với thiên nhiên nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu sẽ không thể thuận lợi nếu chỉ xuất phát từ bản thân doanh nghiệp. Ảnh: T.L

 
 
Cách tiếp cận khái niệm “tạo ra của cải” từ góc độ bền vững, coi tất cả các loại vốn là tài sản cần được quản lý và bảo tồn bền vững.

Ở đầu phiên thảo luận Giải mã sức mạnh bộ 3 “Thiên nhiên - Xã hội - Con người”, ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho biết con người đang chứng kiến hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng: trung bình hằng năm có khoảng 71 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. 

Giảng hòa với thiên nhiên
Dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt cũng tác động trực tiếp và gián tiếp đến 130 triệu người mỗi năm, từ đó tạo nên gánh nặng khám chữa bệnh cho nền y tế của nhiều quốc gia. “Trớ trêu là ngành y tế cũng là ngành đóng góp vào biến đổi khí hậu, khi tạo ra 5% khí thải nhà kính hằng năm”, ông Atul Tandon nói.

Có muôn vàn lý do dẫn đến việc này và để giảm thiểu tác động đến môi trường, AstraZeneca đang tìm cách “giảng hòa” với thiên nhiên đầu tiên. Công ty đã đầu tư 1 tỉ USD cho các giải pháp đảm bảo không phát thải, hỗ trợ nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng giảm phát thải. Song song đó, Công ty cũng đầu tư 400 triệu USD giảm nạn phá rừng. Đăc biệt ở Việt Nam, AstraZeneca đã đầu tư 15 triệu USD cho các dự án như vậy. “Chúng tôi tìm kiếm cơ hội để giảm dấu chân carbon. Chúng tôi hiểu rõ vai trò của mình đối với môi trường và con người”, ông Atul Tandon nói. 

Phiên thảo luận “Giải mã sức mạnh Bộ 3: Thiên nhiên - Xã hội - Con người”.

Nếu như AstraZeneca nhìn thấy tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người và thực tế khắc nghiệt của các hoạt động y tế cũng tác động tiêu cực đến thiên nhiên thì Bayer trải nghiệm tương tự với góc nhìn an ninh lương thực.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Giải pháp quản lý cây trồng, Nhánh Khoa học cây trồng Bayer Việt Nam, nhắc đến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 khiến chiều sâu xâm nhập mặn lan đến 85 km tính từ cửa sông. Hậu quả là 11/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai do hạn và xâm nhập mặn. Mùa màng mất trắng và phải mất nhiều năm sau đất mới rửa mặn được.

Để đảm bảo lương thực, con người vẫn phải trồng trọt. Thế nhưng, nông nghiệp là ngành đóng góp lượng khí thải hằng năm lên đến 12% (theo FAO và IPCC năm 2023). “Một bên là nhu cầu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bên còn lại là tài nguyên để bà con sản xuất ngày càng ít. Phải làm sao đáp ứng được yêu cầu của 2 bên và phát triển bền vững là bài toán Bayer Việt Nam phải giải”, ông Sơn nói.

Bayer Việt Nam cũng hướng đến việc “hòa giải” với thiên nhiên bằng 2 chương trình là ForwardFarming và Better Life Farming. Các chương trình này giúp nông dân trồng lúa tiết kiệm 50% nước tưới, giảm 30% khí thải, đồng thời giúp họ cải thiện thu nhập từ 13-55%. “Trước năm 2030, chúng tôi cam kết khu vực sử dụng giải pháp Bayer Việt Nam sẽ giảm 20% lượng nước tưới, 30% phát thải ra môi trường và giúp hàng triệu hộ nông dân tiếp cận công nghệ”, ông Sơn nói.

Không chỉ chọn giải pháp “hòa giải”, các đơn vị bất động sản như Keppel còn chọn “hòa mình” cùng với thiên nhiên trước một thực tế là ngành xây dựng đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu với 40% lượng khí thải hằng năm; 70% đến từ việc vận hành các dự án bất động sản.

Ông Joseph Low, Trưởng Đại diện tại Việt Nam, Chủ tịch Khối Bất động sản Việt Nam và Giám đốc Bán lẻ Khối Bất Động Sản, Công ty Keppel, cho biết khi nói về việc tích hợp cùng thiên nhiên có nghĩa là các dự án của Công ty phải được thiết kế vừa giảm khí thải nhà kính, vừa thích nghi với biến đổi khí hậu và kiến tạo một không gian sống tốt cho cư dân. Các giải pháp được sử dụng bao gồm nguyên liệu giảm thải dấu chân carbon, thiết kế tích hợp ánh sáng, gió trời thiên nhiên để giảm sử dụng các thiết bị chiếu sáng, làm lạnh.

Ví dụ, với dự án The Infiniti Riviera Point phân khu thứ 3, Keppel sử dụng xi măng hấp thụ khí CO2. Hay dự án Celesta Avenue Nhà Bè được Công ty sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời phục vụ các hoạt động chiếu sáng. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các dự án cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chúng tôi xem bất động sản là hệ sinh thái nơi con người, công nghệ và môi trường hòa hợp với nhau”, ông Joseph Low nói.

Cộng hưởng “bộ 3 sức mạnh”
Tuy nhiên, việc giảng hòa với thiên nhiên nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu sẽ không thể thuận lợi nếu chỉ xuất phát từ bản thân doanh nghiệp. Điều này tương tự như giải quyết vấn đề từ ngọn, nên việc kết nối với các nguồn lực trong xã hội là cực kỳ quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Lấy ví dụ với ngành y tế, biến đổi khí hậu có những tác động rất lớn trong việc gây ra các bệnh truyền nhiễm và mãn tính. Việc chẩn đoán chậm hoặc điều trị sai có thể làm quá tải hệ thống y tế dẫn đến gia tăng phát thải trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, những sáng kiến kết hợp với các nguồn lực xã hội có thể tạo ra hiệu quả tốt hơn, hay nói cách khác là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo lãnh đạo của AstraZeneca, Công ty luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ tìm ra các cách làm việc mới trong ngành. Ví dụ, với dự án “Phổi khỏe mạnh” (đã hoạt động 5 năm), Công ty tầm soát các bệnh về phổi ở quy mô lớn, từ đó nâng cao khả năng tầm soát các bệnh về phổi, giúp các bệnh viện đưa ra lộ trình chẩn đoán chính xác từ đầu với bệnh nhân. Hay Young Health là chương trình phổ cập kiến thức, hành vi tốt vì sức khỏe cho giới trẻ, từ đó thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Uớc tính ở Việt Nam có hơn 500.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này.

“Chúng tôi có nhiều chương trình kết hợp với các nguồn lực xã hội để chuẩn bị cho tương lai biến đổi khí hậu trong ngành y tế. Nhưng thật lòng, tôi không mong các kịch bản đó diễn ra”, ông Atul Tandon nói.

Cốt lõi của các việc hợp tác đó vẫn là con người. Vì thế, rất cần những người truyền lửa để mỗi người trong hệ sinh thái đều biết được tầm quan trọng và ý nghĩa của công việc họ đang làm ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tiếp theo.

“Đồng quan điểm, bà Lê Hương Ly, Phó Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam, cho rằng ngành bảo hiểm nhân thọ giữ một vị trí khá đặc biệt trong phát triển bền vững. Không trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất, nhưng lại gắn liền với sức khỏe, tài chính và tương lai của từng cá nhân và gia đình, những nền tảng cơ bản của một xã hội bền vững. 

Vì vậy, khi nói đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo hiểm không chỉ là một lĩnh vực hỗ trợ, mà còn là một trong những lực đẩy có tính nền tảng. Các sáng kiến như xây trường học, trao học bổng và giáo dục nhận thức cho trẻ em được triển khai nhằm củng cố vốn xã hội và xây dựng tương lai bền vững là cam kết của Công ty với cộng đồng. Về phía khách hàng, Công ty gần đây đưa ra các sản phẩm may đo theo nhu cầu hằng ngày của khách hàng mọi lứa tuổi như sản phẩm giúp con khởi nghiệp, an tâm hưu trí hay sản phẩm cho con học hành.

Bản thân toàn bộ nhân sự ở Chubb Life cũng liên tục nâng cấp để đáp ứng những cam kết nói trên, từ các hành động cá nhân như không sử dụng rác thải nhựa cho đến các giải thưởng về nơi làm việc tốt nhất, giải pháp công nghệ số về trải nghiệm khách hàng… “Chúng tôi có niềm tin rằng nếu bản thân không thay đổi thì làm sao có thể giúp khách hàng xây dựng một nền tảng bền vững”, bà Hương Ly nói.

Trên thực tế, hành trình này của doanh nghiệp đôi khi phải trải qua một khoảng thời gian đơn độc. Điển hình như câu chuyện của Keppel. Từ năm 2009, Công ty đã khởi xướng về phát triển bền vững. Thời điểm đó không mấy thuận lợi vì đầu tư các dự án xanh thường có chi phí cao hơn. Trong đó là việc đầu tư lớn ở khâu nguyên vật liệu, bởi không phải địa điểm xây dựng nào cũng sở hữu điều kiện tốt nhất để tích hợp cảnh quan xanh trong khi người tiêu dùng không sẵn sàng để chi trả, ông Joseph Low nhớ lại. 

Công ty vẫn đầu tư vào dự án The Estella vào thời điểm đó và biến nó trở thành dự án bất động sản Việt Nam được chứng nhận Green Mark (Singapore), từ đó tạo thành tiêu chuẩn cho các dự án tiếp theo của Công ty và thị trường. “Bên cạnh lợi ích, chúng tôi còn quan tâm đến cân bằng trách nhiệm với xã hội”, ông Joseph Low nói.

Chất xúc tác tài chính xanh 
Vốn tài chính và vốn sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc tích hợp các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho tăng trưởng bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ phát triển kinh tế mà còn hướng tới tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Vốn tài chính đóng vai trò là chất xúc tác cho đổi mới bền vững. Các tổ chức tài chính trong và ngoài nước ngày càng hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các hoạt động ESG. Lấy ví dụ Ngân hàng UOB cung cấp những khoản vay vốn lưu động cho doanh nghiệp để cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ như trong ngành thủy sản, từ đầu vào thức ăn cho đến chế biến và xuất khẩu... 

Bài trình bày của đại diện Ngân hàng HSBC về chủ đề phát triển bền vững tại VIệt Nam.
Bài trình bày của đại diện Ngân hàng HSBC về chủ đề phát triển bền vững tại VIệt Nam.

Ngân hàng cũng đã cung cấp các khoản vay liên kết với bền vững. Những khoản vay này gắn liền với các mục tiêu hiệu suất, chẳng hạn như giảm lượng khí thải carbon hoặc mức tiêu thụ năng lượng trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ, giảm 2% trong 3 năm). Họ cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành như thực phẩm và đồ uồng (F&B) bằng cách cung cấp tài trợ thương mại để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào được chứng nhận.

“Chúng tôi liên tục học hỏi từ các đối tác và khách hàng”, ông Jason Yeo Wee Peng, Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam, bày tỏ. Ngân hàng tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức đa phương để triển khai những chương trình chia sẻ rủi ro, cho phép họ tính biên độ rủi ro thấp hơn cho các dự án xanh. 

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể tận dụng vị thế này để tiếp cận với các nguồn vốn dành riêng cho thị trường đang phát triển hoặc mới nổi, như ngân sách 10 tỉ bảng Anh của Cơ quan Tín dụng Xuất khẩu Anh (UKEF). “Ngoài ra, một hạn mức 5 tỉ bảng Anh còn được UKEF phân bổ cho riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Đỗ Hòa, Giám đốc phụ trách vùng APAC, UK Export Finance, cho biết, với trọng tâm là năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, cơ sở hạ tầng như mạng lưới tàu điện ngầm và TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). 

Việc tích hợp ESG vào vốn sản xuất bao gồm việc tái cấu trúc hoạt động, ứng dụng công nghệ và đổi mới mô hình tài chính. Uniben, một nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhận thức được những thách thức của việc tích hợp ESG nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của việc này đối với sự phát triển bền vững và lâu dài.

“Chúng tôi cũng gặp những thách thức như mọi người khi bắt đầu hành trình ESG”, ông Trần Phương Nam, Giám đốc Sản xuất Uniben, kể. Phương pháp tiếp cận của Uniben dựa trên 4 trụ cột gồm công nghệ, lao động, sản phẩm và chính sách - công cụ. Công ty hàng tiêu dùng này đã tận dụng công nghệ làm nền tảng để cải thiện năng suất và chất lượng. Theo công bố của Uniben, dây chuyền sản xuất đồ uống tiên tiến từ Đức đã giúp tăng năng suất, đồng thời giảm mức tiêu thụ năng lượng và lãng phí nguyên liệu thô lên đến 30%.

“Uniben coi tính minh bạch là nền tảng cho các mối quan hệ kinh doanh bền vững, được cụ thể hóa thông qua các chính sách nội bộ, quy tắc ứng xử và báo cáo bắt buộc ở tất cả các cấp độ nhân viên”, Giám đốc Sản xuất của Uniben chia sẻ. Điều này cho phép họ định lượng các yếu tố chính trong các dòng sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu thô và chuỗi cung ứng đến sản xuất và phân phối, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. 

Đồng quan điểm với đại diện của Uniben, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, phân tích: “Công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ việc chỉ tuân thủ ESG sang các động lực tăng trưởng thực sự”. 

Thực vậy, công nghệ và số hóa là nền tảng cho việc gia tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu suất vận hành và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số là rất quan trọng để vận hành hiệu quả, chuẩn hóa quy trình, định lượng các chỉ số hiệu suất chính và chuẩn bị cho các công nghệ trong tương lai”, ông Lâm phân tích thêm. 

Vị lãnh đạo của Schneider Electric nêu ví dụ về sự hợp tác với NVIDIA để tạo ra những bản sao kỹ thuật số của các trung tâm dữ liệu A.I (trí tuệ nhân tạo), giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và báo cáo minh bạch lượng khí thải carbon.

“Không chi thì phí”
“Theo đuổi ESG không phải một quyết định dễ dàng”, ông Jason Yeo Wee Peng của UOB nói về việc không có nguồn lực nào trong doanh nghiệp, bao gồm tài chính, là miễn phí. Các doanh nghiệp phải đối mặt với một số rào cản đáng kể khi thực hiện ESG, chủ yếu liên quan đến chi phí dự kiến, thiếu cơ sở thương mại rõ ràng, thiếu hụt kiến thức nội bộ, hạn chế về chuỗi cung ứng và sự rõ ràng của tài chính xanh. Tuy nhiên, những thách thức này có thể được khắc phục thông qua hoạch định chiến lược, áp dụng công nghệ, tối ưu hóa nội bộ và tận dụng sự hỗ trợ tài chính và hợp tác. 

Phiên thảo luận “ESG: Từ chi phí tuân thủ đến động lực tăng trưởng bền vững”.
Phiên thảo luận “ESG: Từ chi phí tuân thủ đến động lực tăng trưởng bền vững”.

Theo khảo sát của UOB, một mối quan tâm lớn đối với các doanh nghiệp là việc đầu tư vào công nghệ bền vững sẽ làm tăng chi phí sản phẩm (37% doanh nghiệp), có khả năng tác động tiêu cực đến doanh thu ngắn hạn (33%) và lợi nhuận dài hạn (35%). “Hàng tiêu dùng có giá trị rất thấp, nên nếu quá trình theo đuổi ESG phát sinh chi phí, chúng tôi cũng khó chuyển chi phí này sang người tiêu dùng bằng biện pháp tăng giá bán”, ông Trần Phương Nam của Uniben bày tỏ.

Các doanh nghiệp thường cần một “lý do” rõ ràng cho việc đầu tư ESG. “Họ cần những lý do chính đáng”, vị lãnh đạo của Ngân hàng UOB phân tích, chẳng hạn như các yêu cầu pháp lý, yêu cầu từ các bên mua chính hoặc khoản tiết kiệm chi phí rõ ràng để tài trợ cho các dự án của họ.

Việc thiếu nhân sự có chuyên môn trong các công ty về các tiêu chuẩn, quy trình chứng nhận bền vững, cũng như việc thu thập và đối chiếu dữ liệu chính xác là một trở ngại khác. Trong khi đó, chuỗi cung ứng nội địa còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Việc mở rộng nguồn cung ứng nội địa và khuyến khích các nhà cung cấp nội địa đầu tư vào công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là một thách thức lớn.

Mặc dù việc tiếp cận tài chính xanh về bản chất có thể không khó khăn hơn tài chính thông thường, nhưng vấn đề chính là việc thiếu rõ ràng về việc dự án nào đủ điều kiện cho tài chính xanh, đặc biệt khi chưa có một hệ thống phân loại xanh toàn diện tại Việt Nam. Sự mơ hồ này cũng làm phức tạp thêm việc phát hành trái phiếu xanh của các doanh nghiệp.

Để vượt qua rào cản này, điều kiện tiên quyết là thay đổi về tư duy và tầm nhìn chiến lược trong doanh nghiệp. ESG không chỉ nên được xem là gánh nặng tuân thủ hay chi phí, mà còn là một khoản đầu tư giá trị gia tăng và là động lực cho tăng trưởng, hiệu quả và lợi thế cạnh tranh. Như câu chuyện từ một khách hàng của PwC Việt Nam được Chủ tịch Đinh Thị Quỳnh Vân kể: “ESG ban đầu tưởng là chi phí, nhưng sau khi thực hiện mới biết nếu không chi thì phí”.

“Cần nhận thức được rằng ESG là một hành trình liên tục và lâu dài, trong đó các nguyên tắc ESG phải được tích hợp vào hoạt động hằng ngày và chiến lược kinh doanh cốt lõi”, vị Giám đốc Sản xuất của Uniben phân tích thêm. Từ kinh nghiệm của mình, đại diện Uniben cho rằng: “Khởi đầu đúng quan trọng hơn khởi đầu sớm”. Nhờ hoàn thành kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các sản phẩm, họ đã có cơ sở dữ liệu vững chắc để xác định việc cần làm tiếp theo. 

“PwC quan sát thấy các công ty có điểm ESG cao thường thể hiện sự tăng trưởng, lợi nhuận và giá trị cổ phiếu vượt trội, gắn kết trực tiếp các khoản đầu tư ESG với thành công tài chính.  Không cần đợi 5-10 năm nữa, hiện nay chúng tôi đã nhìn thấy nhiều nhà đầu tư yêu cầu về các đánh giá ESG”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân bình luận về tương lai của phát triển bền vững trong doanh nghiệp. “ESG là xu hướng không thể không nhìn thấy được”, lãnh đạo của PwC khẳng định.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới