Hủy
Chuyên đề

Vén mây đón kỳ lân mới

Công Sang Thứ Năm | 18/11/2021 08:00

Sau một thập kỷ hình thành và phát triển, Việt Nam đang chứng kiến các thế hệ startup đột phá tiếp theo.
 

Trái với không khí ảm đạm của nền kinh tế, khu vực khởi nghiệp công nghệ đang rất sôi động vào những tháng cuối năm 2021. Theo thống kê của Nhịp Cầu Đầu Tư, tổng số thương vụ gọi vốn trong tháng 9 và 10 đã xấp xỉ 8 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, quy mô gọi vốn đã lớn hơn rất nhiều, khi chỉ 2 thương vụ VNLife (250 triệu USD) và Tiki (136 triệu USD) cũng đã bỏ xa vốn đổ vào lĩnh vực cộng nghệ từ đầu năm đến nay.

Ngưỡng 1 tỉ USD 

Đà tăng trưởng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các quỹ đầu tư ở Việt Nam dự báo quý IV sẽ chứng kiến nhiều thương vụ được công bố hơn. Thậm chí, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ đầu từ Do Ventures, 2021 có thể là năm vốn đầu tư đổ vào công nghệ ở Việt Nam đạt trên 1 tỉ USD. Đây là con số cao nhất kể từ khi trào lưu khởi nghiệp công nghệ bắt đầu hình thành ở Việt Nam từ năm 2012.

VNPAY đã trở thành kỳ lân mới trong lĩnh vực fintech. Ành: Quý Hoà
VNPAY đã trở thành kỳ lân mới trong lĩnh vực fintech. Ành: Quý Hoà

Theo ông Trần Nhật Khanh, đồng sáng lập Quỹ đầu tư Touchstone Partners, có hai nguyên nhân dẫn đến các tín hiệu tích cực nói trên. Đầu tiên là việc giải ngân dồn cho các thương vụ đã tồn đọng từ đầu năm nhưng do vướng dịch bệnh nên các thủ tục bị tạm dừng và nay sẽ xúc tiến nhanh hơn.

Cũng phải nói thêm, thế giới thời gian qua liên tục chứng kiến các thương vụ IPO thông qua hình thức SPAC (Special Purpose Acquisition – đây là mô hình công ty được các quỹ đầu tư lập nên để IPO và dùng số tiền đó để thâu tóm các công ty khác) diễn ra, đặc biệt là các công ty công nghệ đến từ Đông Nam Á. Điều này khiến cho các mô hình tương tự ở Việt Nam cũng được chú ý.

 

Bên cạnh đó, trải qua thời gian khó khăn do dịch bệnh, nhiều startup Việt Nam vẫn tồn tại mạnh mẽ nên chứng minh được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư so với trước kia. Đây cũng có thể là yếu tố kích thích sự xuất hiện của nhiều thương vụ giá trị cao trong thời gian tới.

Thứ hai, khác với một thập kỷ qua, doanh nghiệp khởi hiện  có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn thông qua các hình thức gọi vốn không truyền thống như: ICO (kêu gọi đầu tư dựa trên tiền điện tử), IDO (phát hành tiền điện tử đầu tiên trên sàn phi tập trung)… Xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực các doanh nghiệp làm game và fintech (công nghệ tài chính). “Nhìn chung các nhà sáng lập hiện có nhiều lựa chọn để gọi vốn hơn, trong nhiều trường hợp không bị pha loãng sở hữu công ty”, ông Khanh nói.

Theo ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc Điều hành VinaCapital Ventures, mỗi năm, quỹ này đánh giá hàng trăm cơ hội đầu tư tiềm năng hoặc thông qua các đối tác như Zone Startups – đơn vị đã đầu tư vào Fundiin hay hợp tác cùng các đơn vị khác. “Ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn luôn bận rộn với việc tìm kiếm, đánh giá các công ty khởi nghiệp tiềm năng và hoàn tất các các hợp đồng đầu tư. VinaCapital Ventures tin vào triển vọng đầy lạc quan của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và nhận thấy còn rất nhiều khoản đầu tư tiềm năng trong những năm tới”, ông Trung cho biết.

Khẩu vị mới của quỹ đầu tư 

Hồ Phi Ân, sáng lập sàn thương mại điện tử EI Industrial, website thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp), nói với Nhịp Cầu Đầu Tư rằng “dường như có sự thay đổi khẩu vị của các quỹ đầu tư”. Đầu năm 2020, anh kết nối với các quỹ và nhận thấy họ không quan tâm lắm đến các giải pháp thương mại điện tử B2B ở Việt Nam nhưng mọi thứ dường như đã thay đổi chỉ trong thời gian ngắn. “Các quỹ quan tâm nhiều hơn và họ cũng hỗ trợ hơn”, anh Ân nói.

Thắc mắc của người đứng đầu EI Industrial là có cơ sở. Thật ra, bên cạnh nhiều kênh gọi vốn hơn, một xu hướng mới đang nổi trong đầu tư công nghệ ở Việt Nam là sự lên ngôi của startup cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp. Thống kê của Nhịp Cầu Đầu Tư cho thấy có đến 8/35 thương vụ đầu tư trong năm 2021 là vào các startup B2B, xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

 

Thương vụ gọi vốn gần đây nhất là Citics, nền tảng công nghệ bất động sản thành lập năm 2018 thực chất cũng là đơn vị cung cấp giải pháp định giá, kiểm soát rủi ro cho các ngân hàng trong việc thẩm định giá. Còn xét về quy mô, theo Do Ventures, tổng số tiền đầu tư vào các startup B2B hiện nay đã cao gấp 3 lần năm 2020.

Tiki ứng dụng tự động hoá quản lý kho hàng.
Tiki ứng dụng tự động hoá quản lý kho hàng.

Theo ông Khanh của Touchstone Partners, xu hướng này bắt đầu từ năm 2020 khi dịch bệnh diễn ra. Các mô hình đốt tiền đổi tăng trưởng đã không còn hấp dẫn. Thay vào đó các mô hình B2B tuy khó tăng trưởng đột biến nhưng lòng trung thành của bên sử dụng dịch vụ, doanh thu ổn định lại là khẩu vị mới của các nhà đầu tư.

Nhất là khi các nền kinh tế đang mở cửa lại, bức tranh tăng trưởng ảm đảm  vì các hệ luỵ của dịch bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, các doanh nghiệp buộc phải giải bài toán giữ chân khách hàng với chi phí thấp và ít nhân lực hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang trở thành một điểm sáng vì nỗ lực chuyển đổi số của Chính phủ và cả doanh nghiệp trong thời gian. 

 

Trước khi dịch bệnh diễn ra, việc chuyển đổi số không như mong đợi vì sức ì trong hệ thống doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp dù đã hiểu rõ xu hướng thế giới của chuyển đổi số nhưng khó thực hiện vì gặp cản trở từ các hệ thống cũ, dịch bệnh cũ. Dịch bệnh là chất xúc tác đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và phá vỡ các rào cản truyền thống. Đó là lý do các startup B2B đang được chú ý.

Điều này cũng giải thích vì sao các sàn thương mại điện tử B2B, vốn chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ được chú ý trong thời gian tới. Theo ông Khanh, sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua phần lớn dành cho B2C (doanh nghiệp đến người sử dụng), còn mảng doanh nghiệp với doanh nghiệp trong nước đang còn rất tiềm năng vì nhu cầu mua bán của hai đối tượng này hiện nay cũng sôi động không kém.

Cơ hội cho người đến sau

Sự hấp dẫn của các startup Việt Nam không chỉ diễn ra ở các lĩnh vực mới, ngay cả các lĩnh vực đã hình thành đủ anh tài như fintech vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp đến sau. Theo bà Vy của Do Ventures, ngoài các mô hình kinh doanh đã quen thuộc như ví điện tử, P2P lending (vay ngang hàng), thì những mô hình kinh doanh mới như BNPL (Mua trước trả sau), InsurTech (công nghệ bảo hiểm) hay Wealth Management (quản lý tài chính cá nhân) cũng tạo ra sức hút.

Lấy ví dụ như Robinhood, ứng dụng giúp các nhà đầu tư vốn ít tham gia vào thị trường chứng khoán chẳng hạn. Trước khi Robinhood ra đời, người chơi chứng khoản phải có một khoản đầu tư tối thiểu từ 500 USD đến 2.000 USD và chịu phí giao dịch từ 5-10 USD cho mỗi giao dịch mua hoặc bán.

Robinhood đã hạ các chi phí tham gia và bỏ các khoản đầu tư tối thiểu để thu hút người sử dụng. Từ 1 triệu người sử dụng vào năm 2016, doanh nghiệp này hiện có 13 triệu người sử dụng vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 10/2021, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở, trong đó có gần 99% tài khoản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ (gần 3,83 triệu tài khoản).

“Đối với một thị trường có đến gần 70% dân số chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính và ngân hàng như tại Việt Nam, fintech vẫn tiếp tục là một ngành còn nhiều dư địa cho các sản phẩm/dịch vụ đột phá từ các startup”, bà Vy nói.

 

Tương tự là lĩnh vực thương mại điện tử, ngoài mô hình các sàn truyền thống hiện đang nổi lên mô hình mới như Social Commerce (thương mại điện tử qua mạng xã hội) hay Cross border E-commerce (thương mại điện tử xuyên biên giới). Những mô hình này đều đã đạt được thành công nhất định ở các thị trường khu vực như Indonesia hay Ấn Độ và được kỳ vọng là sẽ mang lại những trải nghiệm mua sắm rất thuận tiện cho khách hàng tại Việt Nam.

Startup Telio mới nhận 22,5 triệu USD từ VNG.
Startup Telio mới nhận 22,5 triệu USD từ VNG.

Nhìn chung, theo bà Vy, khi thị trường fintech và thương mại điện tử ngày một trưởng thành sẽ tạo thành động lực phát triển cho lĩnh vực logistics. Hiện nay, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn chiếm tới 20% GDP, nên còn rất nhiều bài toán để các startup mới tiếp tục giải quyết. Đông Nam Á đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư, Nikkei cho biết hai quỹ đầu tư lớn là Jungle Venture và 500 startups cũng đều hướng đến khu vực này trong thời gian tới.

Jungle Venture đã thành lập quỹ đầu tư thứ 4 ở khu vực này với quy mô 225 triệu USD. Trong khi đó, 500 startups đã đổi tên quỹ quản lý khu vực Đông Nam Á thành 500 startups Southest Asian.

Nền kinh tế Internet Đông Nam Á đang tăng trưởng lên mốc 105 tỉ USD vào năm 2020 từ 32 tỉ USD của năm 2015, theo một báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Co. Ông Amit Anand của Jungle Venture cho rằng, trong năm 5 tới, sẽ có rất nhiều thay đổi so với hiện nay. Quỹ này tin rằng tin tổng giá trị vốn hoá của các công ty công nghệ Đông Nam Á đã thực hiện IPO sẽ vươn lên mốc 1.000 tỉ USD vào thời điểm năm 2025. 

Tỉ lệ dân số trẻ, yêu công nghệ của Đông Nam Á tạo ra một cơ hội vàng cho mảng công nghệ khu vực phát triển. Trong năm 2020, Đông Nam Á có thêm 40 triệu người dùng Internet mới, con số này là cực kỳ ấn tượng so với con số 100 triệu người dùng Internet mới trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019. 

Theo báo cáo của Google, trong số tổng 583 triệu dân tại 6 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia, 70% hiện đã sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quan tâm vì dân số trẻ, tỉ lệ kết nối internet và còn rất nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cần phải tối ưu chi phí.

Theo Golden Gate Ventures, cuối thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều công ty startup ở Đông Nam Á xuất hiện, với số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hằng năm trong khu vực này dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030. Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba ở Đông Nam Á vào năm 2022, với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.

Chính vì thế, các quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam đặt đích ngắm dành cho e-commerce, fintech, logistics với kỳ vọng đây sẽ tiếp tục là 3 lĩnh vực giúp starup Việt Nam có thể tạo ra đột phá lớn. Cụ thể, các thể hệ kỳ lần tiếp theo có thể xuất hiện trong các lĩnh vực sau như: Social commerce, B2B distribution (phân phối B2B) và các fintech trong lĩnh vực cho vay, kết nối đầu tư.

“Các công ty khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ COVID-19 ở Việt Nam. HSBC sẽ tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể họ đang ở vòng gọi vốn nào, nhằm tạo ra ngày càng nhiều “kỳ lân” mới cho Việt Nam”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết. Mới đây, HSBC công bố hỗ trợ triển khai thành công khoản vốn 250 triệu USD rót vào VNLIFE từ hai quỹ quốc tế General Altantic và Dragoneer Investment Group. Khoản đầu tư cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với mảng fintech của Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới